(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, dù không ghi nhận các ca mắc mới trên toàn lãnh thổ Việt Nam nhưng tình trạng tái dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi đã được công bố khỏi bệnh khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh đến ngày 7/5, có 10 trong tổng số 53 trường hợp được công bố khỏi bệnh đã tái dương tính với virus này.
Dự kiến ngày mai (5/5) sẽ có thêm 5 bệnh nhân mắc COVID-19 được ra viện, trong đó có 2 bệnh nhân trước đó đã tái dương tính với virus SARS-CoV-2.
Liên tiếp xuất hiện các trường hợp tái dương tính
Ngày 27/4, lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hai trường hợp tái dương tính với virus SARS-CoV-2 trên địa bàn sau khi đã được công bố khỏi bệnh. Đây là hai ca bệnh liên quan đến ổ dịch quán bar Buddha ở Quận 2 và tái dương tính sau 7-9 ngày xuất viện. Liên tiếp những ngày sau đó, các trường hợp tái dương tính tiếp tục được phát hiện và lên đến con số 10 vào ngày 5/5.
Theo báo cáo của Sở Y tế, tất cả bệnh nhân tái dương tính từ 5 đến 30 ngày sau khi được công bố khỏi bệnh (trước đó nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2). Đáng chú ý, trong số các trường hợp tái dương tính có đến 7/10 người liên quan đến ổ dịch ở quán bar Buddha. Song, điều đáng mừng là tất cả các ca tái mắc đều không có triệu chứng bệnh và không lây lan cho người khác. Tất cả các trường hợp tái dương tính đều được đưa đi cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi ngay sau đó.
10 trường hợp tái dương tính tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tổng số 53 ca được công bố khỏi bệnh là tỷ lệ khá cao khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Bệnh nhân số 271 (người Anh) cũng là một trường hợp tái dương tính vì đã mắc COVID-19 tại Anh và có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Không chỉ tại Việt Nam, tình trạng tái dương tính của các bệnh nhân mắc COVID-19 được báo cáo tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc,Trung Quốc… Cho đến nay câu trả lời cho hiện tượng này vẫn làm đau đầu cho các nhà khoa học.
Tập trung nghiên cứu về bản chất của virus SARS-CoV-2
Là một bác sỹ có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng tái dương tính không phải là vấn đề xa lạ đối với các bệnh lý truyền nhiễm. Hiện tượng tái dương tính đã xảy ra với các virus cúm, sởi… trước đó. Cụ thể, trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009 có rất nhiều trường hợp dù đã được điều trị khỏi bệnh nhưng sau đó xét nghiệm vẫn còn tồn tại virus dù ở nồng độ thấp.
“Theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 10 trường hợp tái dương tính với SARS-CoV- 2 không có trường hợp nào có triệu chứng, do đó, chúng ta có thể nghĩ đến trường hợp đó chỉ là “xác virus” hoặc “người lành mang trùng”, nghĩa là virus vẫn tồn tại với nồng độ thấp trong cơ thể và không có triệu chứng bệnh, không phát tán ra ngoài, không lây bệnh cho người khác”, bác sỹ Khanh nhìn nhận.
Còn Tiến sỹ, bác sỹ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) lại đưa ra các giả thuyết khác về các trường hợp tái dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông bác bỏ giả thuyết do sai lầm trong xét nghiệm vì giả thuyết này chỉ đúng trong một vài trường hợp lẻ tẻ, trong khi ở đây số lượng người tái dương tính ngày càng nhiều và nhiều lần xét nghiệm sau đó cũng khẳng định tái dương tính.
Giả thuyết mà bác sỹ Hùng nghĩ đến đầu tiên là do tái phát (hay tái nhiễm). Bác sỹ Hùng lý giải, hiện nay thế giới chưa có thuốc diệt virus đặc hiệu, do vậy việc số lượng virus bị giảm đi và biến mất trong cơ thể người bệnh là do vai trò của kháng thể. Khi khỏi bệnh cũng có nghĩa là kháng thể do cơ thể người bệnh tạo ra đã đủ để tiêu diệt virus. Thông thường kháng thể được tạo ra sẽ tồn tại trong cơ thể người bệnh một khoảng thời gian nào đó, kháng thể này giúp tiêu diệt nốt số virus còn “vương vãi” trong một số tế bào và làm cho những virus còn sót lại này không thể phát triển mạnh cũng như đảm bảo nếu có một số virus mới xâm nhập do người khỏi bệnh lại tiếp xúc với nguồn lây cũng không thể “tái nhiễm”. Tuy nhiên, trong thực tế có một số virus đột biến qua các vòng phát triển, những virus đột biến này có thể trốn thoát được kháng thể để tồn tại và phát triển thành bệnh ở những người đã khỏi bệnh, dẫn tới các trường hợp tái phát hay tái nhiễm.
Giả thuyết thứ hai mà bác sỹ Hùng đưa ra là bệnh nhân tái dương tính do “xác virus” trong cơ thể. Khi kháng thể được cơ thể sản sinh ra, phần lớn virus trong cơ thể sẽ bị tiêu diệt và đào thải ra ngoài. Song, vẫn xác của các virus đã bị tiêu diệt còn nằm vương vãi đâu đó trong cơ thể và dần được “thu gom” trong thời gian hồi phục và việc xét nghiệm RT-PCR vẫn cho kết quả là dương tính với virus.
“Các giả thuyết chỉ là giải thuyết, để biết chính xác về bản chất vấn đề tái dương tính các nhà khoa học cần tiến hành nhiều nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ về bản chất của SARS-CoV-2. Trước mắt, chúng ta vẫn phải cách ly những người tái dương tính, lấy mẫu làm xét nghiệm RT-PCR mỗi ngày. Nếu mẫu bệnh phẩm nào có kết quả dương tính thì sẽ được đưa vào cấy trong môi trường thuận lợi cho virus mọc. Bên cạnh đó, các xét nghiệm kháng thể trung hòa cũng được tiến hành song song để xác định khả năng tiêu diệt/bất hoạt virus của kháng thể. Chỉ mong rằng không có bất cứ virus nào mọc lên trong tất cả các mẫu cấy để chúng ta yên tâm rằng đó chỉ là “xác của virus””, bác sỹ Hùng chia sẻ.
Đinh Hằng/TTXVN