(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19/5, tại Ninh Bình, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức hội thảo định hướng truyền thông về bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng "Tháng hành động vì trẻ em năm 2018" (tháng 6/2018).
Hướng dẫn trẻ tham gia môi trường mạng an toàn
Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tính tới tháng 1/2017, có hơn 50 triệu người dùng internet, chiếm 53% dân số. Số người dùng internet được xem là ở mức cao trên thế giới, tuy nhiên tỷ lệ người dùng vẫn ở mức trung bình.
Theo số liệu thống kê của facebook năm 2018, Việt Nam có khoảng 63 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó có 48 triệu tài khoản facebook. Còn theo số liệu thống kê của Unicef năm 2017 thì hơn 1/3 số người sử dụng internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi 15 - 24. Trong khi đó, đa số trẻ em thiếu kiến thức về công nghệ số. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%). Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn.
Trẻ em và thanh niên là nhóm phải đối mặt với nhiều loại rủi ro trên mạng nhất như: Bị theo dõi hoặc đánh cắp thông tin cá nhân, bị bắt nạt, bôi xấu, bị lợi dụng, xỉ nhục người khác, tiếp cận các ấn phẩm không lành mạnh... Càng ngày, các rủi ro càng đa dạng, không thể lường hết và không chừa một ai.
Trẻ em thường dễ bị xâm hại trên môi trường mạng do các em chưa thể hiểu đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng internet. Trẻ em hiện nay được tiếp cận sớm với công nghệ và công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng nên nhiều bậc phụ huynh gặp khó trong việc giám sát có hiệu quả các hoạt động của trẻ em trên môi trường mạng.
Giám đốc Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững Nguyễn Phương Linh cho hay, rất khó để cha mẹ có thể kiểm soát con hoàn toàn. Vì vậy, cha mẹ nên trở thành những người bạn với con để các con tin tưởng, chia sẻ với mình các thông tin, hoạt động của con.
Đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước nên có những quy định chặt chẽ đối với các nhà cung cấp dịch vụ; tăng cường tuyên truyền các ứng dụng kỹ thuật để giảm thiểu rủi ro của trẻ em; cung cấp kênh thông tin về bảo vệ trẻ em (kiến thức sử dụng mạng an toàn; cung cấp kênh thông báo, phản ánh đối với những nội dung xấu; cung cấp hướng dẫn, công cụ giúp cha mẹ bảo vệ con). Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần tự trang bị phương pháp để đảm bảo an toàn cho trẻ như: Để các thiết bị truy cập internet ở vị trí có thể quản lý được; thiết lập các chức năng tìm kiếm an toàn, lọc, chặn các nội dung không phù hợp; hướng dẫn và lắng nghe mọi chia sẻ của trẻ.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam chia sẻ, môi trường mạng là một thế giới lớn về tri thức, thông tin, là thành tựu của thế giới nhân loại. Vì vậy, nên để trẻ được tiếp xúc với thế giới mạng nhưng cần hướng dẫn cho các em cách sử dụng mạng an toàn. Cha mẹ, nhà trường cần hướng dẫn trẻ cách tham gia môi trường mạng tốt nhất, giúp trẻ nhận biết được những rủi ro, cạm bẫy trên môi trường mạng từ đó hạn chế đến mức tối đa những rủi ro cho trẻ.
Nhiều hoạt động để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Tại hội thảo, Giám đốc Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững Nguyễn Phương Linh đã giới thiệu chương trình "SNET 2018 - Think before you share", sử dụng mạng xã hội thông minh, an toàn do Viện và Cục Trẻ em phối hợp thực hiện. Chương trình nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng và kết nối sự tham gia của các bên liên quan (trẻ em, gia đình, nhà trường, các nhà hoạch định chính sách) về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Chương trình hướng tới các nhóm mục tiêu: Trẻ em từ 13 - 18 tuổi và thanh niên 18 - 24 tuổi; cha mẹ và người chăm sóc trẻ; giáo viên và các nhà giáo dục; các nhà hoạch định chính sách; các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế...
Chương trình sử dụng phương pháp tiếp cận: "Trao quyền cho trẻ em - những công dân số làm chủ công nghệ!". Trong thời gian từ tháng 4 - tháng 12/2018, chương trình sẽ tổ chức nhiều hoạt động để hướng tới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như: Tập huấn nâng cao nhận thức, đào tạo giảng viên nguồn; tổ chức các diễn đàn, hội thảo; tổ chức các chiến dịch truyền thông mạng xã hội; tổ chức các cuộc thi...
Chương trình đặt mục tiêu đào tạo cho 40 thanh niên trở thành tập huấn viên nguồn; 300.000 thanh niên tiếp cận được với chiến dịch; 35.000 học sinh trong độ tuổi 12-18 được tập huấn về an toàn trên môi trường mạng; nâng cao năng lực bảo vệ trẻ trên môi trường mạng cho 250.000 cha mẹ; 60 người nổi tiếng và nhà báo được tập huấn về truyền thông nhằm tiếp cận hàng nghìn người theo dõi.
Bên cạnh đó, chương trình sẽ tiếp cận 500.000 tài khoản facebook thông qua chiến dịch "Thinh before you share" và dự kiến triển khai chiến dịch ở 10 tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Ngoài ra, chương trình cũng tổ chức tập huấn cho 1.500 giáo viên và 100 đại diện của các Tổ chức phi chính phủ; tăng cường sự tham gia của các tổ chức, các cơ quan Nhà nước...
Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Nga cho biết, Lễ phát động "Tháng hành động vì trẻ em năm 2018" sẽ được tổ chức vào ngày 27/5, tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 có chủ đề "Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số". Tháng hành động vì trẻ em năm nay truyền đi 8 thông điệp: Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tố cáo mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; mùa Hè không còn trẻ em đuối nước; mùa Hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em; vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số; công nghệ số - thông tin và tri thức lành mạnh, an toàn cho trẻ em phát triển; sử dụng mạng xã hội vì cuộc sống an toàn, lành mạnh của trẻ em; lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.
Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức thường niên vào tháng 6 để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.
TTXVN/Minh Huệ
Ngày 11/5, tại phiên phúc thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tuyên giảm án cho bị cáo Nguyễn Khắc Thủy – người có hành vi dâm ô với 4 bé gái tại khu chung cư Lakeside từ 3 năm tù giam xuống 18 tháng tù treo. Bản án đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có trao đổi xung quanh vụ việc này.