(Thethaovanhoa.vn) - Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 15/11, bão số 13 đã làm 18 người bị thương khi chằng chống nhà (Quảng Trị có 7 người, Quảng Nam - 3, Quảng Bình - 8); 5 nhà tạm bị sập (Thừa Thiên - Huế có 3 nhà, Đà Nẵng - 2); 1.505 nhà bị tốc mái (Thừa Thiên - Huế có1.248 nhà, Quảng Trị - 252, Đà Nẵng - 4, Quảng Nam - 1); 13 tàu, thuyền bị chìm tại khu neo đậu (Thừa Thiên - Huế có 11 tàu, thuyền), Đà Nẵng - 1, Quảng Bình -1).
Chiều 15/11, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, sau khi đổ bộ vào đất liền, cơn bão số 13 mặc dù suy giảm cấp nhưng vẫn gây mưa to kèm gió lớn.
Để tiếp tục ứng phó với áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu sau bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12/11 và số 1601/CĐ-TTg ngày 14/11, trong đó tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ sau bão; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị ứng phó với thiên tai đặc biệt là mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất khi có yêu cầu.
Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của áp thấp, mưa lũ sau bão có trách nhiệm kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn hồ chứa, hệ thống đê biển, nhất là các hồ chứa xung yếu, đã đầy nước, các khu vực đề điều trọng điểm; tiếp tục tổ chức vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhằm đảm bảo an toàn công trình và chủ động cắt lũ cho hạ du; kiểm tra, điều tiết giao thông đảm bảo an toàn về người và phương tiện khi mưa, lũ sau bão; đảm bảo an ninh trật tự tại những khu vực sơ tán dân đi và đến.
Thắng Trung/TTXVN