Bắc Trà My: Đành phải "quen" với động đất

Thứ Ba, 2/10/2012, 11:52 (GMT+7)

(TT&VH) - Bây giờ, ai hỏi đặc sản Bắc Trà My (Quảng Nam) là gì? Nhiều người dở khóc dở cười mà đáp rằng: “Động đất”. Những ngày này, vùng Bắc Trà My heo hút bỗng chốc trở nên đông đúc lạ thường.

Phóng viên, nhà báo, các đoàn nghiên cứu, các cơ quan ban ngành đi đi về về rầm rập, và cả những kết luận cũng nhộn nhịp đua nhau ra đời… Nhưng lòng dân thì rối bời, hết tâm trạng này sang nỗi lo khác.

Theo ước tính ban đầu của địa phương, có hơn 6.300 người dân Bắc Trà My thuộc 4 xã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những trận động đất liên tục. Đó mới chỉ là con số thống kê về tài sản còn tổn hại về tinh thần thì không cơ quan nào có thể đưa ra được số liệu.

Từ lo lắng, hoang mang...

Miệng nhai trầu bỏm bẻm, bà Hồ Thị Xoan (thôn 4, xã Trà Đốc) kể lại: “Lúc đầu nghe thấy tiếng nổ to lắm, không biết là cái gì. Khi thấy nhà rung mạnh, cả nhà ai cũng sợ, dân ở đây cứ tưởng là mình làm gì có tội với ông trời rồi. Giờ mới biết cái đó gọi là động đất. Thật kinh hoàng!”.

Bà kể: "Nhà có con dâu đang mang thai, mỗi lần có động đất con bé sợ một thì cả nhà sợ mười. Tôi già rồi, chết cũng không sao nhưng chỉ mong cho con cháu được khỏe mạnh. Động đất thế này, tôi lo lắm”. 



Người dân Trà Đốc giúp nhau dựng nhà chống động đất.

Có mặt tại xã Trà Đốc, chúng tôi được Chủ tịch xã Hồ Văn Lợi và mấy lãnh đạo xã dẫn đi thăm những nhà dân bị ảnh hưởng động đất. Tiếp chúng tôi ngay bậc cửa, chị Lê Thị Lý ở thôn 4, trên tay ôm đứa con nhỏ mới 1 tuổi, chưa hết bàng hoàng: “Trưa hôm vừa rồi, tôi đang chơi cùng con ở ngoài sân thì có tiếng nổ lớn, đất rung mạnh, con bé ngã ngửa ra đằng sau, khóc thét lên. Nó đập đầu xuống đất, đến giờ vẫn còn sưng to. Đêm hôm nọ cũng thế, đang ngủ thì nhà rung mạnh, con bé lại ôm mẹ khóc nức nở. Xót con lắm!”.

Chỉ tay vào vết nứt to chạy ngoằn ngoèo ngang tường, anh Hồ Văn Xô thật thà: “Lúc đầu vết nứt chỉ như một kẽ nhỏ bằng sợi tóc, bây giờ đã to bằng ngón tay rồi, mà cứ thế này thì vết nứt phải to nữa”.

Nhà có 2 con nhỏ đang học trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai của xã, nhưng gần đây anh không cho con đến trường: “Để chị em nó ở nhà trông nhau cho mình đỡ lo. Không có cái chữ nó chưa chết ngay được, còn động đất thì nguy”. Nhìn 5 đứa trẻ nheo nhóc giữa cái nắng nứt đầu ngoài trời, mà không vào nhà, chúng tôi càng hiểu thêm nỗi lo của cha mẹ chúng.

Tình trạng trẻ không dám đến trường khiến các lớp học miền núi đã thưa thớt nay lại vắng vẻ hơn. Chỉ cho chúng tôi xem vết nứt ngay giữa bức tường phía trước và chiếc bóng điện lủng lẳng trên trần nhà, cô giáo Trần Thị Kim Anh- trường mầm non Hoa Phượng (điểm trường thôn 2 - Trà Đốc) lo lắng: “Lớp có 14-15 em thôi, nhưng khi có động đất, tụi nhỏ sợ quá chạy lại ôm cô, đứa thì khóc, đứa thì sợ run bần bật. Một mình cô đã sợ rồi nhưng phải cố gắng dỗ dành tụi nhỏ cho chúng hết sợ. Trong hoàn cảnh ấy, tôi vừa rối trí vừa hoảng sợ”.

Với hai lớp học cheo leo trên sườn núi, trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (điểm trường thôn 4- Trà Đốc) như chênh vênh hơn với vết nứt trên tường và tiếng trẻ đọc bài đứt quãng. Thầy Trương Bình - Điểm trưởng điểm trường này kể: “Tôi lên đây dạy học từ năm 1987 nhưng chưa từng chứng kiến động đất bao giờ. Thầy trò gắng gượng mưa nắng với lớp học ọp ẹp suốt 15 năm. Mong mãi đến tháng 4 vừa rồi, mới có lớp học khang trang như thế này. Vậy mà giờ nó đã bị nứt, vết nứt ngày càng lớn, vừa dạy vừa lo cho học sinh”.

Cô giáo Đỗ Thị Bích tâm sự: “Tôi có hai đứa con nhỏ, đứa lớp 2, đứa lớp 6. Nhà ở tận thị trấn, tôi đi dạy ở đây, vừa lo cho học trò vừa lo cho con ở nhà. Mỗi sáng bước ra khỏi nhà lại mang không biết bao nhiêu lo sợ”. Khi được hỏi có thấy động đất không, em Lê Thị Liền (9 tuổi) rụt rè trả lời: “Đêm đi ngủ, có động đất, con sợ quá gọi “Nơn ơi” (Mẹ ơi-PV). Thứ 7, Chủ nhật con không phải lên rẫy như mọi khi nữa”.

Có trường cũng không được đi học, có nương rẫy không dám lên làm, có nhà không dám ở, cơm canh đã trong bát còn bị trào ra ngoài. Mọi sinh hoạt của người dân Bắc Trà My giờ đây đã thay đổi không ngờ.

… đến phải quen thôi

Đi đâu quanh Bắc Trà My này, từ quán ăn, ngoài chợ… đâu đâu người ta cũng nói mãi một chuyện mà không biết chán: động đất. Động đất ở đây, dù sao cũng diễn ra trong thời gian không ngắn ngủi, người ta hoang mang chán rồi, lo sợ chán rồi, thì phải... quen thôi.



Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, điểm trường thôn 3A xã Trà Đốc vốn đã vắng nay càng thưa thớt học sinh

Đến thôn 1, Trà Đốc, chúng tôi sà vào chỗ cánh đàn ông đang tụ tập uống rượu quanh bếp lửa. Trong không khí cuộc rượu, họ vui vẻ kể cho chúng tôi nghe từ chuyện xa xưa lập thôn, xây nhà, chuyện cây trên rừng, cá dưới suối… Nhưng khi chúng tôi hỏi về động đất, không khí đột ngột chùng xuống. Anh Hồ Ngọc Phúc nói: “Sợ động đất lắm chứ nhưng hũ gạo đã hết rồi, phải đi lên cái nương thôi. Bụng mình và bụng chúng nó ở nhà sắp đói rồi”.

Đã 54 tuổi, ông Hồ Văn Day (thôn 4- Trà Đốc) vừa bổ củi phăm phăm sau nhà vừa nói: “Lúc đầu cũng sợ lắm đấy, nhưng biết chạy đi đâu, vẫn phải làm chứ sao”.

Từ ngày có chuyện động đất, tình cảm của người dân nơi đây dường như được hâm nóng lên. Nhà xây gạch, đá nứt toác tường, cột và xà cũng rời nhau, người dân cảm thấy ở nhà gỗ bớt nguy hiểm hơn. Nên những nhà nào có nhà bếp, chuồng gà…làm bằng gỗ đều tranh thủ dọn dẹp sạch sẽ để xuống ngủ cho chắc. Còn những nhà nào đã lỡ không còn nhà gỗ, thì hàng xóm xung quanh lại rủ nhau giúp dựng nhà. Vừa chẻ tre, vót cọc, anh Hồ Văn Duối vừa hồ hởi: “Mấy anh em hàng xóm này đều sang giúp mình làm nhà đấy. Nếu một mình xoay sở thì cả tháng trời mới xong, mỗi người một chân một tay loáng cái đã gần có nhà để ở”.

Cô giáo Đào Thị Hà- Hiệu trưởng trường THCS Lê Hồng Phong (Trà Đốc) cho biết, sau khi được vận động, các em học sinh đã đến lớp đông đủ hơn. Dù khi đang học, có động đất xảy ra, các em cũng không còn hoảng sợ nhiều như trước mà biết cách giúp nhau chạy ra khỏi phòng nhanh chóng.

Đúng là động đất buộc người dân phải thích nghi với hoàn cảnh. Nói như anh Hồ Văn Hiệu (thôn 1- Trà Đốc): "Bao nhiêu việc có thể làm thì chính quyền cũng làm rồi. Thôi! Kệ trời đất muốn làm gì thì làm. Có phải riêng nhà mình đâu mà cả huyện này đều dính động đất cả. Mình cứ phải làm việc nuôi cái bụng đã”.

Lại nhớ, trong buổi họp báo về đánh giá an toàn, ổn định đập và kết quả khảo sát động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2, đại diện EVN đã khẳng định: EVN không có phương án sơ tán dân cư vì động đất chỉ là động đất kích thích. Hy vọng EVN đúng!

Nhưng nếu EVN không đúng thì sao?

Hồng Thúy
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến