(Thethaovanhoa.vn) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến 13 giờ ngày 11/9, một số nơi thuộc các tỉnh vùng núi Bắc Bộ vẫn tiếp tục có mưa vừa, lượng mưa tích lũy phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 60mm. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 11/9, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 23-25 độ Vĩ Bắc đang bị nén và đẩy dần xuống phía Nam. Vùng hội tụ gió trên cao duy trì trên khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Từ chiều tối và đêm 11-13/9, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén qua khu vực Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao, Bắc Bộ có mưa rào và dông, riêng vùng núi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 40-100mm/24h, riêng Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang có nơi trên 150mm/24h, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 1.
Tiến sỹ Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Trong những năm gần đây, các loại hình thiên tai như trượt, lở đất đá, lũ quét xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu, Thanh Hóa và một số địa phương khác gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân. Nguyên nhân gây sạt, trượt, lở đất ở Việt Nam, chủ yếu là do các hiện tượng thời tiết bất thường, trong đó có mưa lớn kéo dài xảy ra ngày càng nhiều, cùng với các hoạt động nhân sinh như phá rừng, khai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa…
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: Mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền.
Trong khi đó, SaPa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Pleiku, Quy Nhơn, Đà Lạt, Phú Quốc, Hoàng Sa, Trường Sa, chỉ số tia cực tím cực đại ở mức 9-10, nguy cơ gây hại rất cao. Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh như uống đủ nước, hạn chế ở ngoài trời buổi trưa, nên ở dưới bóng mát, che chắn khi ra ngoài, bắt buộc bôi kem chống nắng, đeo kính râm và đội mũ.
TTXVN