(Thethaovanhoa.vn) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 1 giờ ngày 30/10, vị trí tâm siêu bão Yutu ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 123,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông đảo Lu-Dông Philippines.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 31/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 118,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 16. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 320km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 120km tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 01 giờ ngày 31/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 118,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 270km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 90km tính từ vùng tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển Đông Bắc Biển Đông từ sáng nay (30/10) có mưa bão, gió mạnh cấp 7-9, từ chiều nay mạnh dần lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 14,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai ở khu vực Đông Bắc Biển Đông: Cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 01 giờ ngày 01/11, vị trí tâm bão ở khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 01 giờ ngày 02/11, vị trí tâm bão ở khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13.
Yêu cầu liên tục cập nhật thông tin diễn biến bão Yutu
Chiều 29/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành Công điện số 54 về việc ứng phó với bão gần Biển Đông (bão Yutu).
Theo đó, để chủ động ứng phó với diễn biến của bão Yutu, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện, tầu, thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, vị trí, hướng di chuyển của bão Yutu để chủ động phòng, tránh; không đi vào nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong khoảng 17 giờ ngày 31/10 phía Bắc vĩ tuyến 14,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 117,5 độ Kinh Đông và sẽ được điều chỉnh tại các bản tin của cơ quan Trung tâm dự báo.
Đồng thời, tổ chức rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện trên biển, nhất là các tàu hoạt động xa bờ; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi trú tránh; triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và công trình hạ tầng, nhà cửa trên các đảo. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường việc thông tin và hướng dẫn di chuyển, neo đậu đối với các tàu vận tải, tàu hàng, tàu vãng lai để tránh thiệt hại đáng tiếc như Cơn bão số 12 năm 2017.
Bộ Ngoại giao liên hệ với các quốc gia và vùng lãnh thổ liên quan để hỗ trợ việc tàu thuyền trú tránh đảm bảo an toàn khi có yêu cầu.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cập nhật thường xuyên, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo về bão để cung cấp cho các cơ quan, đơn vị liên quan.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Thông tin duyên hải và các cơ quan thông tấn, báo chí của trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền, chủ và thuyền trưởng các phương tiện, tầu, thuyền hoạt động trên biển, người dân biết để chủ động phòng tránh.
Bên cạnh đó, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Dự báo thời tiết - Ngày và đêm 30/10/2018
Hà Nội
Ít mây, ngày nắng, đêm không mưa. Gió đông bắc cấp 3. Sáng sớm và đêm trời lạnh. Độ ẩm từ 45 - 85%. Nhiệt độ thấp nhất từ 19 - 22oC. Nhiệt độ cao nhất từ 28 - 31oC.
Phía Tây Bắc Bộ
Mây thay đổi, ngày nắng, đêm có mưa rào vài nơi. Gió nhẹ. Sáng sớm và đêm trời rét. Độ ẩm từ 50 - 95%. Nhiệt độ thấp nhất từ 19 - 22 độ, có nơi dưới 18oC. Nhiệt độ cao nhất từ 28 - 31oC.
Phía Đông Bắc Bộ
Ít mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa. Gió đông bắc cấp 3, vùng ven biển cấp 4. Sáng sớm và đêm trời rét. Độ ẩm từ 40 - 89%. Nhiệt độ thấp nhất từ Nhiệt độ thấp nhất từ 18 đến 21 độ, vùng núi 16-18oC. Nhiệt độ cao nhất từ 28 - 31oC.
Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế
Mây thay đổi, ngày nắng, đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió bắc đến tây bắc cấp 2-3. Độ ẩm từ 55 - 92%. Nhiệt độ thấp nhất từ 22 - 25oC. Nhiệt độ cao nhất từ 28 - 31oC.
Đà Nẵng đến Bình Thuận
Mây thay đổi, ngày nắng, đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông bắc cấp 2-3. Độ ẩm từ 55 - 93%. Nhiệt độ thấp nhất từ 23 - 26oC. Nhiệt độ cao nhất từ 29 - 32oC.
Tây Nguyên
Ít mây, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông bắc cấp 2-3. Độ ẩm từ 55 - 94%. Nhiệt độ thấp nhất từ 16 - 19oC. Nhiệt độ cao nhất từ 28 - 31oC.
Nam Bộ
Mây thay đổi, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông bắc cấp 2-3. Độ ẩm từ 55 - 95%. Nhiệt độ thấp nhất từ 24 - 27oC. Nhiệt độ cao nhất từ 31 - 34, có nơi trên 34oC.
Dự báo bão, áp thấp nhiệt đới cuối năm 2018
Theo bản tin dự báo thời tiết mùa của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 10 đến hết năm 2018 còn có khả năng xuất hiện khoảng 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và có khoảng 1 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, tập trung ở khu vực Trung Bộ. Những tháng cuối năm 2018 nhiều khả năng hoạt động của bão và ATNĐ trên vùng biển phía Nam Biển Đông không nhiều như năm 2016 và 2017. Vì vậy, cần chuẩn bị đề phòng sự xuất hiện của bão số 7 trong thời gian tới.
Ngoài bão và ATNĐ gây mưa lớn, gió mạnh trên biển và đất liền, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác sẽ có khả năng xảy ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt các hiện tượng dông lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ.
Ngoài ra, trên các khu vực ven biển và các vùng biển khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có thể sẽ xuất hiện gió mạnh do hoạt động của gió mùa Đông Bắc gây ra.
Thảo Nhi