(Thethaovanhoa.vn) - Khi Edmund Hillary và Tenzing Norgay trở thành những người đầu tiên leo lên đỉnh Everest cách đây 60 năm, một cuộc chiến ngầm dữ dội đã xảy ra giữa các nhà báo đang tìm cách đưa tin về câu chuyện chấn động này. 6 thập kỷ sau sự kiện, chi tiết về cuộc chiến đó mới dần được hé lộ ra với dư luận.
Trong hàng thập kỷ, Everest đã là mục tiêu chinh phục số một của các nhà leo núi và kỳ tích hạ gục "quái vật độ cao" này hiển nhiên sẽ thu hút sự chú ý của mọi phóng viên.
Bức ảnh biểu tượng của Jackson đã xuất hiện trên nhiều tờ báo của thế giới vào năm 1953
Bí mật tới phút chót
Khi Edmund Hillary và Tenzing Norgay thực hiện hành trình chinh phục Everest, tờ The Times của Anh đã tài trợ chuyến đi và họ có quyền tiếp cận độc quyền với đội leo núi. Khi tin tức đưa từ đỉnh núi xuống rằng Hillary và Tenzing đã thành công, phóng viên của tờ báo là James Morris, đã muốn chuyển thông điệp tới báo của ông trước các đối thủ.
Nhưng trong các đối thủ này có kỳ phùng địch thủ của Morris là phóng viên Peter Jackson của hãng tin Reuters. Giờ đã 87 tuổi và sống ở phía Nam London, Jackson lần đầu kể với BBC về việc ông đã làm cách nào để vẫn trở thành phóng viên đầu tiên chụp được ảnh về các nhà leo núi và đăng chúng trước các đối thủ.
Trong 60 năm qua, ông giữ tất cả các bức ảnh của mình trong một hộp giấy và phần lớn chưa từng được xuất bản. Vài bức trong số đó có ghi lại hành trình dài và gian khổ của ông dọc theo dãy Himalaya, theo hướng Everest để đưa tin về câu chuyện.
Ông kể rằng đã phải thuê tới 11 người thồ hàng mang trang thiết bị và nhu yếu phẩm cho mình. 1 trong số đó đã mang theo một hòm nặng đầy tiền xu bởi người dân dọc theo các vùng núi ở Himalaya không dùng tiền giấy mà vẫn chuộng tiền xu. Người khác mang theo một đài radio di động và pin dự phòng.
Sau vài tuần leo núi và vượt qua các con sông hung dữ, Jackson đã tới Tu viện Thyangboche ở chân Everest. Các nhà sư ở tu viện này đã chăm sóc ông trong khi ông chờ đợi tin tức. Ông kể rằng cảm giác chờ đợi vô cùng khổ sở.
"Tôi ngồi dưới ánh nắng Mặt trời, trước mặt là khung cảnh tuyệt đẹp của Everest. Nhưng tôi chẳng thu được điều gì bởi người của tờ Times đã kín như bưng, kiên quyết không tiết lộ ra điều gì cả" - ông kể.
Nhà báo Peter Jackson hiện đang sống cuộc sống hưu trí ở phía Nam London
Mẹo lừa tinh vi
2 tuần sau khi Jackson tới tu viện, một người đưa tin chạy qua nơi này, mang theo một bức điện khẩn. Jackson tìm hiểu và biết rằng người đưa tin đã được trả 200 rupee - một số tiền lớn khi đó, để tới Kathmandu trong vòng 6 ngày. Ông lập tức nghi ngờ ngọn núi có thể đã bị chinh phục.
Ông bèn đi tới thị trấn Namche Bazar nằm gần đó, nơi một viên sĩ quan cảnh sát phụ trách hoạt động liên lạc cho ông xem tin mật kể trên. "Tin đó nói rằng “điều kiện thời tiết xấu vì tuyết rơi nhiều, trại tiền tiêu đã bị bỏ lại, ngày hôm qua'" - Jackson kể - "Viên cảnh sát nói rằng tôi cũng có thể gửi tin trên về báo. Nhưng tôi đã không làm vậy. Tôi cảm giác có điều gì đó không đúng. Tôi nghĩ rằng họ đã lên tới đỉnh núi".
Trên đường trở lại tu viện, Jackson đã gặp Morris đang trở lại Kathmandu. Phóng viên của tờ Times khẳng định rằng cuộc chinh phục đã thất bại. Song chỉ trong ngày tiếp theo, đài phát thanh Toàn Ấn Độ đã loan tin Everest bị chinh phục. Và ngay trước đó, tờ Times đã đăng tin này, đúng ngày đăng quang của Nữ hoàng Anh Elizabeth II (2/6/1953).
Linh tính của Jackson đã hoàn toàn chuẩn xác. Tin nhắn mà người đưa tin gửi đi đã được soạn theo những ám hiệu mà chỉ người của tờ Times mới biết được. Cụ thể "điều kiện thời tiết xấu vì nhiều tuyết" là mật mã ám chỉ Hillary. "Trại tiền tiêu bị bỏ lại" chỉ Tenzing.
Có điều Morris đã chưa kịp chụp ảnh của các nhà leo núi mà vội vã trở lại Kathmandu để loan tin câu chuyện của ông. Jackson bèn chờ các nhà leo núi trở lại tu viện và đã vô cùng vui sướng khi gặp họ. Thời điểm ông có cuộc gặp với 2 nhà leo núi huyền thoại này, hoàn toàn không có phóng viên nào hiện diện ở tu viện. Chính tại đây, ông đã phỏng vấn Hillary và Tenzing rồi chụp bức ảnh biểu tượng, khi họ cười cùng nhau.
"Hillary nói với tôi rằng: 'Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi cảm thấy mình khỏe dã man" - Jackson kể. Ông cho biết đã đổi từ "khỏe dã man" thành "rất khỏe" vì tòa soạn đằng nào cũng không đăng từ đó.
"Tenzing thì nói rằng ông đã rất hạnh phúc nhưng không mệt... Ông cũng cho biết rằng sau khi thử leo Everest tới 7 lần, ông sẽ không thử chinh phục ngọn núi này thêm một lần nữa" - Jackson nhớ lại. Đêm đó, Jackson ở lại cùng đội leo núi rồi theo chân họ tới Kathmandu để chụp thêm ảnh.
Ai lên đỉnh trước?
Hillary và Tenzing đã được vô số người vây quanh dọc theo đường đi và hàng loạt các nhà báo đã tìm cách nói chuyện với họ. Cả hai người đàn ông, vẫn mặc đồ leo núi, tiếp tục được diện kiến với Vua Mahendra của Nepal.
Người dân địa phương thậm chí đã giăng một tấm băng-rôn có cảnh Tenzing đang đứng trên đỉnh Everest và không hề có hình Hillary. Tinh thần dân tộc khi đó tăng cao ở Nepal. Người ta còn phỏng đoán rất dữ về việc ai đã đặt chân lên đỉnh núi trước.
Jackson nói rằng trong đêm ở tu viện, ông đã được nghe kể rằng hai nhà leo núi đã phối hợp với nhau hết sức hoàn hảo và đã cùng nhau lên tới một điểm chỉ cách đỉnh núi chỉ khoảng 1 mét. Tại đây, Tenzing đã đề nghị rằng Hillary lên đỉnh trước mình. Sau đó Tenzing cũng bước lên đỉnh, mang theo các lá cờ của Anh, Ấn Độ và Nepal.
Đoàn chinh phục Everest có một nhiếp ảnh gia chính thức. Nhưng các bức ảnh của ông này chỉ được xuất bản sau khi cả đội leo núi đã trở về nhà. Về phần mình, tác phẩm của Jackson lần đầu xuất hiện trên tờ Sunday Express trước khi có mặt trên các tờ báo khắp thế giới. Không lâu sau đó, ông đã nhận được một lá điện chúc mừng từ chính đối thủ của mình là Morris, phóng viên tờ Times.
Tường Linh (theo BBC)
Thể thao & Văn hóa