5 ngày nghỉ Tết, cả nước xảy ra 138 vụ tai nạn giao thông, làm chết 102 người

Thứ Hai, 27/1/2020, 21:0 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Trọng Thái cho biết, từ 14 giờ ngày 26/1 đến 10 giờ sáng 27/1, cả nước xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông, làm chết 19 người, bị thương 43 người. So với cùng kỳ Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tăng cả ba tiêu chí, trong đó tăng 1 vụ (3,1%), 3 người chết (18,7%), 3 người bị thương (7,5%). Có 32 vụ xảy ra trên tuyến đường bộ, làm chết 19 người, bị thương 43 người. Đường thủy xảy ra 1 vụ tai nạn, không gây thiệt hại về người.

4 ngày nghỉ Tết: 105 vụ tai nạn giao thông, 83 người chết

4 ngày nghỉ Tết: 105 vụ tai nạn giao thông, 83 người chết

Trước tình hình số người thiệt mạng do tai nạn giao thông gia tăng đột biến, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, Ủy ban đang đề nghị các cơ quan chức năng phân tích đánh giá nguyên nhân về các vụ tai nạn.

Sau 5 ngày nghỉ Tết nguyên đán Canh Tý 2020, cả nước xảy ra 138 vụ tai nạn giao thông, làm chết 102 người, bị thương 108 người. So sánh với cùng kỳ (từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 3  tháng Giêng) của năm 2019 đã giảm 13 vụ (8,6%), tăng 12 người chết (13,3%), giảm 32 người bị thương (22,8%).

Chú thích ảnh

Đáng chú ý, khoảng 21 giờ 45 ngày 25/1 (mùng 1 Tết), tại Km 1302+150 quốc lộ 1A thuộc địa phận khu phố Trường Xuân, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, xe ô tô khách giường nằm biển kiểm soát 51B-280.01 do lái xe Thái Tấn Khoa, sinh năm 1971, trú tại 22 Trệt, phường 5, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh điều khiển (trên xe chở 46 người, trong đó có 12 trẻ em dưới 11 tuổi) lưu hành hướng Nam - Bắc về Quảng Ngãi đã tự đâm vào lề đường bên phải hướng lưu hành, làm xe lật nghiêng, gây tai nạn.

Vụ tai nạn làm 15 người bị thương (có 3 trẻ em) đang cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên và 11 người khác bị thương nhẹ được sơ cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tuy An, xe ô tô bị hư hỏng (đang thống kê thiệt hại tài sản). Nguyên nhân vụ tai nạn đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ theo quy định.

Trong ngày, lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương tiếp tục bố trí các Tổ công tác do lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông làm tổ trưởng làm nhiệm vụ đôn đốc, nắm tình hình trật tự an toàn giao thông tại khu vực nội thành, tập trung vào các bến xe, tuyến quốc lộ, đường cao tốc kết nối với cửa ngõ ra vào tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đảm bảo thông suốt, không xảy ra ùn tắc giao thông.

Cảnh sát giao thông Công an các địa phương đã kiểm tra, xử lý 2.243 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ; phạt tiền gần 2 tỷ đồng; tạm giữ 19 xe ôtô, 315 xe máy; tước 319 giấy phép lái xe các loại. Trong đó, 35 địa phương báo cáo kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn, xử lý 582 trường hợp (Hà Nội 14 trường hợp, Đắk Lắk 70 trường hợp, Lâm Đồng 43 trường hợp). Trên tuyến đường thủy, lực lượng Cảnh sát đường thủy kiểm tra, xử lý 223 trường hợp vi phạm, phạt tiền 256 triệu đồng. Các đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông đã bố trí các ca tuần tra kiểm soát cơ động, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, kiểm tra nồng độ cồn 117 lượt phương tiện, không phát hiện vi phạm.

Đánh giá tình hình giao thông qua 5 ngày nghỉ, ông Nguyễn Trọng Thái cho biết, về cơ bản được bảo đảm tốt, tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng liên quan tới nồng độ cồn đã giảm sâu so với các năm trước.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy số ca cấp cứu do tai nạn giao thông đã giảm trên 15%, riêng ngày 3 Tết giảm gần 28%. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn giao thông có nạn nhân tử vong và bị thương nặng chủ yếu là liên quan tới vi phạm quy định nồng độ cồn, tốc độ khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện tại một số địa phương, đặc biệt tại các vùng nông thôn.

Theo chân Tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an thành phố Hà Nội) kiểm soát nồng độ cồn tại ngã ba đường Giải Phóng – Kim Đồng, chúng tôi nhận thấy lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đã đông hơn những ngày đầu Tết nguyên đán nhưng người dân tuân thủ Luật Giao thông đường bộ khá tốt, đặc biệt là việc thực hiện quy định đã uống rượu bia – không lái xe. Qua kiểm tra 10 người điều khiển phương tiện giao thông gồm cả xe ôtô con, xe bus và xe máy cho thấy chỉ có 2 trường hợp điều khiển xe máy có vi phạm nồng độ cồn.

Nhiều người cho biết, do nắm được quy định về xử phạt người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức xử phạt nặng nên không dám điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn. Cả hai trường hợp vi phạm nồng độ cồn đều ở ngưỡng thấp nhất, từ 0,052 – 0,07mg/l khí thở, bị phạt 2,5 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày và tước giấy phép lái xe 11 tháng. Tuy nhiên, việc xử phạt đối với người vi phạm nồng độ cồn vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Ông Hoàng Văn T ở Văn Điển (Hà Nội) được Cảnh sát giao thông mời vào kiểm tra nồng độ cồn. Qua kiểm tra, ông vi phạm nồng độ cồn 0,07mg/l khí thở.

Khi được mời ký vào biên bản xử phạt, ông T nhất quyết không ký và bỏ đi với câu nói “xe tôi mua cho con gái có 2 triệu bạc, tôi cho xe luôn đấy”. Sau khi được người nhà thuyết phục, ông quay trở lại xin Cảnh sát giao thông bỏ qua lỗi vi phạm này, với lý giải chỉ nhấp tí rượu trước khi đi, không bị say và vẫn làm chủ được tay lái. Một lần nữa, các chiến sỹ Cảnh sát giao thông thuyết phục ông ký vào biên bản vi phạm, song, ông T vẫn không chịu ký, đòi trả lại bằng lái xe và lại lên tiếng “biếu xe cho các ông”. Không đạt được mục đích, ông T bỏ đi với lời chửi bới thậm tệ.

Đại úy Phùng Ngọc Hiệp, Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong quá trình kiểm soát nồng độ cồn, rất nhiều trường hợp không hợp tác, thậm chí chống đối, gây khó khăn cho người thi hành công vụ.

Có người còn sử dụng mọi quan hệ để tác động. Song, Tổ công tác vẫn kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. So với cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông giảm đáng kể, từ khi có Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người dân đã có ý thức hơn trong việc sử dụng rượu, bia.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến