Trong buổi họp khẩn cấp của liên Bộ nhằm bàn bạc và thống nhất công tác đón lao động Việt Nam từ Libya diễn ra tại Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chiều nay, 28/2, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, còn gần 4.000 lao động Việt Nam vẫn đang bị “kẹt” ở Libya.
Vẫn còn lao động Việt Nam bị "kẹt" tại Libya. (Ảnh: Thanh Bình/Vietnam+) |
Công tác sơ tán gặp nhiều khó khăn do thiếu phương tiện vận chuyển, thủ tục. Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự kiến, nếu cần sẽ thuê thêm máy bay quân sự để vận chuyển người về nước.
Theo Bộ trưởng, hiện đã có 5 đoàn công tác được thành lập với nhiệm vụ đến các nước gần biên giới Libya để đón lao động Việt Nam đã và đang di chuyển đến để chờ đưa về nước.
“Ngay tối nay sẽ có đoàn công tác bay đi Tunisia, Ai Cập và Hi Lạp… là những nước có biên giới với Libya và đang tạm tiếp nhận lao động Việt Nam,” Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.
Theo báo cáo nhanh của Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), đến trưa nay, đã có 8.161 lao động Việt Nam đã và đang di tản sang các các nước láng giềng. Cụ thể đã có 991 lao động sang Ai Cập, 242 người đang nhập cảnh vào Hy Lạp, 1.378 người nhập cảnh Malta, 557 người đang ở Thổ Nhĩ Kỳ; 292 đã sang Tunisia và 300 người nữa đang trung chuyển biên giới nước này…
“Vẫn còn gần 4.000 lao động Việt Nam còn mắc kẹt lại ở Libya, trong đó khoảng 2.000 người sẽ có được kế hoạch sơ tán trong những ngày tới. Từ nay đến 3/3 sẽ có hơn 1.000 lao động nữa sẽ về đến Việt Nam,” ông Quỳnh cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ đạo, để nhanh chóng đưa được số lao động ta còn đang kẹt lại Libya về nước an toàn sẽ huy động mọi phương tiện máy bay, tàu thủy, thậm chí nếu được sẽ thuê trực thăng ở Libya để đón lao động.
“Cần nhờ hoặc thuê thêm phương tiện của những nước bạn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia… cũng đang đón lao động của họ về nước,” Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.
Hiện Bộ Ngoại giao cũng đang tiến hành lo visa cho đoàn công tác đi Ai Cập đón lao động do thủ tục vào nước này tương đối khắt khe và kéo dài…
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, vấn đề nhờ đến sự trợ giúp mạnh mẽ hơn nữa từ phía Tổ chức di dân quốc tế (IOM) cũng được đặt ra, bởi IOM rất có kinh nghiệm và có kinh phí khá lớn để giải quyết những sự việc như hiện nay.
Theo Vietnam+