Chiều 11/3, "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải (Đội trưởng CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, Thượng tá Nguyễn Văn Liêm, Phó Trưởng Công an quận 12 (TP.HCM) đã gửi thông báo đến Công an tỉnh Bình Dương và nhóm 10 “hiệp sĩ” cùng các bên liên quan về vụ nghi “cưỡng đoạt tài sản” theo đơn tố cáo của một đương sự, khẳng định sau khi xác minh, Công an Q12 - TP. Hồ Chí Minh kết luận không đủ chứng cứ để khởi tố vụ án. Trước đó, tối ngày 17/8/2012, Đinh Đắc Lộc (SN 1983, ngụ phường Đa Kao, quận 1, TPHCM) nhờ các “hiệp sĩ” Bình Dương đứng ra chứng kiến một việc trả tiền để lấy lại chiếc xe Innova (BS52Z- 0540) do anh Lộc làm chủ sở hữu nhưng bị Nguyễn Văn Hiệp (ngụ quận Bình Thạnh - TPHCM) chiếm giữ hơn một năm không chịu trả. Sau đó, có người gọi cho Lộc bảo muốn chuộc xe thì đưa 240 triệu đồng.
Nghi ngờ đây là vụ lừa đảo, Lộc nhờ các "hiệp sĩ" giúp đỡ. Nhóm “hiệp sĩ” CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa cử người đi cùng Lộc đến gặp ông Nguyễn Văn Hiệp tại quán cà phê Chợt Nhớ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3 - TPHCM). Lộc cho biết đã giao 240 triệu đồng cho Hiệp và bà Huỳnh Thị Mai Phương (ngụ quận Tân Bình).
Các “hiệp sĩ” chụp lại thời điểm ông Lộc chuẩn bị tiền đem đi chuộc xeSau khi lấy tiền, Hiệp chở bà Phương bằng xe máy đến ngã tư đường Song Hành, quận 12 dừng xe thì có khoảng 10 thanh niên là “ hiệp sĩ” Bình Dương được Lộc cho biết chiếc xe Innova sau khi nhận lại bị luộc quá nhiều đồ nên các “ hiệp sĩ” mời các bên gồm Hiệp, Phương cùng Lộc đến phường Trung Mỹ Tây (Q12. TPHCM) để giải quyết vụ việc.
Tại đây, Phương phát hiện Lộc mở cốp xe máy lấy tiền để bên trong nên giật lại nhưng Lộc đã lên ô tô tẩu thoát. Đến ngày 18/8, Huỳnh Thị Mai Phương làm đơn tố cáo các “hiệp sĩ” cưỡng đoạt tài sản. Việc các “hiệp sĩ” can thiệp vào một vụ việc nằm ngoài địa bàn nơi sinh hoạt khiến dư luận trái chiều làm lung lay “mô hình” câu lạc bộ phòng tối tội phạm ở Bình Dương.
Tuy nhiên, qua xác minh điều tra, Cơ quan công an Q12 ( TPHCM) khẳng định: Nguyễn Văn Hiệp đã có hành vi buộc Đinh Đắc Lộc phải đưa số tiền 240 triệu đồng (hình thức cho vay) thì mới giao lại chiếc ô tô Innova do Lộc chủ sở hữu. Lộc muốn nhận lại xe nên viết giấy vay nợ theo yêu cầu của Hiệp và việc vay nợ này là một giao dịch dân sự.
Trong đó có một số tờ tiền rõ số serie
Tuy nhiên, giao dịch bị vô hiệu do hai bên không trung thực ngay từ đầu. Do đó, việc Hiệp phải trả tiền cho Lộc hay Lộc tự lấy lại tiền đều giống nhau. Chính vì không tự nguyện, không ngay tình, nên trước khi giao tiền cho Hiệp, Lộc đã phải nhờ đến nhóm 10 “hiệp sĩ” Bình Dương đi cùng, như những người làm chứng. Qua điều tra, Hiệp cũng không yêu cầu Lộc trả lại số tiền nói trên.
Theo báo cáo của Công an, Hiệp đang chiếm giữ chiếc xe Innova không thuộc quyền sở hữu của mình, không được chủ sở hữu Đinh Đắc Lộc giao cho quyền quản lý, sử dụng, khai thác là chiếm giữ tài sản trái phép của người khác. Hiệp còn ép buộc Lộc trả thêm một khoản tiền (dưới hình thức cho vay) để nhận lại tài sản mà Hiệp đang chiếm giữ trái phép là vi phạm pháp luật.
Riêng vợ Hiệp là Thành (chị gái Phương) yêu cầu lấy lại số tiền trên, nhưng qua thẩm tra 240 triệu đồng chuyền quyền sở hữu từ Hiệp sang cho Thành không rõ ràng. Vì vậy, Hiệp và Phương yêu cầu Cơ quan điều tra buộc Lộc trả lại số tiền 240 triệu là không đủ căn cứ và không đủ chứng cứ buộc tội nhóm "hiệp sĩ" liên quan vụ “cưỡng đoạt tài sản”.
Riêng nhóm “hiệp sĩ” sẽ được xử lý vi phạm hành chính vì vượt khỏi địa bàn để “hành hiệp”.
Dương Chí Tưởng