(Thethaovanhoa.vn) - Nếu bạn cần một bản tổng kết nhỏ về một tháng World Cup diễn ra trên đất Nga, dưới đây sẽ là những gạch đầu dòng cơ bản, từ những câu chuyện chuyên môn đến một vài điều bên lề.
VAR không hủy hoại bóng đá
… nhưng VAR cũng chẳng cải thiện đáng kể chất lượng các trận đấu. Điểm tích cực nằm ở một số tình huống như việc khước từ quả phạt đền cho Neymar & Brazil, nhưng nó cũng kéo dài thời gian trận đấu, và không thiếu những quyết định hoặc bị bỏ qua hoặc không hợp lý. Chẳng hạn, tình huống Ilya Kutepov của Nga bị Sergio Ramos của Tây Ban Nha phạm lỗi rõ ràng trong vòng cấm. VAR không hề tạo ra thay đổi nào. FIFA khẳng định “Rất hài lòng với VAR”, còn cầu thủ Nordin Amrabat ngược lại “Đó là thứ rác rưởi” hay Gary Neville lên tiếng “Nó không phù hợp chút nào”. VAR rõ ràng trở thành tâm điểm của kỳ World Cup trên đất Nga, và không ngạc nhiên nếu công nghệ này tiếp tục gây tranh cãi ở các giải đấu tiếp theo.
Kép phụ lên tiếng
Cuộc chiến giữa Ronaldo và Messi rốt cuộc không diễn ra. Ngày 30/6 trở thành cột mốc đáng quên khi cả hai đều lần lượt rời nước Nga sau vòng 1/8, trong khi Kylian Mbappe tỏa sáng với 2 bàn chỉ trong 4 phút. Mbappe, người sẽ bước sang tuổi 23 ở kỳ World Cup tiếp theo tại Qatar, không hề quan tâm đến cơ hội giành Quả bóng Vàng: “Tôi không quan tâm đến điều đó. Tôi chỉ muốn vô địch World Cup”.
Anh giải quyết nỗi sợ luân lưu
Rốt cuộc nỗi ám ảnh luân lưu của tuyển Anh được giải quyết chỉ bằng một cách tiếp cận tinh thần mới dựa trên những con kỳ lân dạng đồ chơi có thể bơm phồng lên, một con gà dạng cao su và những bài tập củng cố niềm tin. Như lời nhà văn nổi tiếng của Ireland Oscar Wilde, đó là một dạng “tái sinh cảm xúc”, kết hợp với những cuộc nói chuyện. Kết quả? Anh đã thắng Colombia ở vòng 1/8 trên chấm 11 mét.
Luca Modric không hề mong manh
World Cup đã không còn chỗ cho những ngôi sao như Cristiano Ronaldo, Leo Messi hay Neymar Jr, bởi vì tài năng của họ đã quá nhỏ bé trước những tập thể đã được định hình để giành chiến thắng.
Sau chiến thắng trước tuyển Anh, Luka Modric tỏ ra hả hê: “Họ, những tay phóng viên người Anh, các chuyên gia trên truyền hình, nói ra rả về Croatia. Chúng tôi đọc được hết tất cả và tự nhủ: Được rồi, hãy xem đội bóng nào mệt mỏi hơn”. Modric kết thúc trận đấu với Anh sau khi nâng tổng quãng đường di chuyển qua 6 trận ở World Cup lên con số 63 km, nhiều hơn bất cứ cầu thủ nào khác ở kỳ World Cup này: “Họ (tuyển Anh) nên khiêm tốn và biết tôn trọng đối thủ hơn”.
Những pha đóng kịch lên ngôi
Những pha ngã vờ của Neymar tại World Cup 2018 trở thành đề tài lý tưởng cho hàng loạt ảnh chế. Sự xuất hiện của công nghệ VAR không làm chùn bước những kịch sĩ như anh: “Tôi chẳng quan tâm đến những lời chỉ trích. Đó chỉ là một nỗ lực nhằm hạ thấp uy tín của tôi”. Ngoài Neymar, không thể bỏ qua Luis Suarez, với cú đúp ngã vờ trong trận Uruguay gặp Ai Cập, hay Pepe, phản ứng rất nhanh nhạy sau khi bị phạm lỗi ở trận Bồ Đào Nha gặp Morocco.
Đừng quá tham lam
Đó là bài học dành cho Julen Lopetegui. Ông bị sa thải ngay trước trận đấu đầu tiên của đội tuyển Tây Ban Nha ở World Cup 2018, khi Real Madrid công bố vị HLV 51 tuổi này là người kế nhiệm Zinedine Zidane mùa tới. Lopetegui thừa nhận đó là ngày buồn nhất trong cuộc đời ông kể từ lúc mẹ ông qua đời. Người đứng đầu Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha Luis Rubiales thì khẳng định không còn lựa chọn nào khác: “Đó không phải là cách ứng xử phù hợp”. Đoạn kết không êm đẹp của Lopetegui với đội tuyển Tây Ban Nha, nhưng đó là điều Real Madrid cần. Họ tránh được khoản tiền 2 triệu euro phá vỡ hợp đồng.
World Cup tạo danh tiếng cho Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định việc làm chủ nhà World Cup “Giúp xóa bỏ những định kiến về Nga. Đó là một quốc gia thân thiện”. Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đồng tình với nhận định này: “Kỳ World Cup này làm thay đổi suy nghĩ về nước Nga từ những nước phương Tây. Đó là một quốc gia ấm áp và thân thiện. Kể cả những cảnh sát Nga cũng sẵn sàng nở nụ cười. Tôi cảm thấy vui như một đứa trẻ đứng ở một cửa hàng đồ chơi”.
Nói không với phân biệt chủng tộc
FIFA luôn không dung thứ với bất cứ hành vi phân biệt chủng tộc nào. Kỳ World Cup này họ thẳng tay đưa ra những hình phạt: Phạt nước chủ nhà Nga 8.500 euro vì băng rôn mang thông điệp về Chủ nghĩa quốc xã, Mexico chịu phạt tương tự với những lời lẽ phân biệt đồng tính, Thụy Điển bị phạt 60.000 euro vì nhãn hàng tất không được cấp phép, còn Croatia bị phạt số tiền tương tự vì để hình ảnh các cầu thủ sử dụng loại bia không chính thức của World Cup xuất hiện trên ống kính.
Câu chuyện đại sứ Maradona
Huyền thoại Diego Maradona chưa bao giờ là một đề tài nhàm chán, và câu chuyện ông làm đại sứ của FIFA ở World Cup 2018 cũng không phải ngoại lệ. Ông không ngần ngại bộc lộ cảm xúc và lăng mạ các cổ động viên, như cử chỉ có hàm ý phân biệt chủng tộc hướng về các cổ động viên Hàn Quốc, đồng thời chỉ trích một trọng tài FIFA là kẻ cắp. Góc nhìn của Maradona về giải đấu trên đất Nga: “Tôi muốn gửi một nụ hôn tới tất cả mọi người, cảm ơn vì đã ủng hộ tôi”.
Khẩu hiệu trên xe bus trở thành vấn đề
Hyundai, đơn vị tài trợ cho các khẩu hiệu (slogan) trên xe bus của các đội tuyển, đã đưa ra khẩu hiệu trên chiếc xe bus của đội tuyển Đức hồi tháng Năm: “Khẩu hiệu này thực sự nói lên tinh thần đoàn kết và thống nhất của đội tuyển Đức”. Sau đó, đội tuyển Đức lại di chuyển bằng xe bus ra sân bay với một chiếc xe bus mang khẩu hiệu: “Hãy viết lịch sử cùng nhau”. Mỉa mai thay, lịch sử ở đây chính là việc nhà vô địch World Cup sớm dừng bước ở vòng bảng tại kỳ World Cup kế tiếp.
Con vật không nên dự đoán World Cup
Các con vật tạo ra cơn sốt với những dự đoán tại World Cup 2018 đều phải chịu số phận thảm thương. Con bạch tuộc Rabio đã bị bán đi và làm thịt dù dự đoán chính xác kết quả ba trận vòng bảng của đội tuyển Nhật Bản. Con mèo White Spot ở Trung Quốc đã chết sau khi dự đoán chính xác 7 trong 10 trận ở World Cup, trong khi chú lợn Marcus của Anh trở thành đề tài chế giễu trên mạng xã hội sau khi dự đoán sai kết quả trận tứ kết giữa Anh và Thụy Điển.
Ấn tượng từ đội tuyển Nhật Bản
Nhật Bản không chỉ trải qua một kỳ World Cup thành công về mặt chuyên môn, khi trở thành đại diện châu Á duy nhất vượt qua vòng bảng. Họ để lại những ấn tượng tốt đẹp trong từng hành động nhỏ nhặt. Các cổ động viên Nhật có thể rất tiếc nuối trận thua ngược 2-3 trước Bỉ ở vòng 1/8. Gạt đi những giọt nước mắt, các cầu thủ và ban huấn luyện đội Nhật đã dọn dẹp sạch sẽ phòng thay đồ, rồi để lại một dòng ngắn gọn: “Spasiba (từ cảm ơn trong tiếng Nga)” cho đội ngũ nhân viên. Trên khán đài, các cổ động viên Nhật cũng thu dọn rác ở chỗ ngồi của mình.
Kỳ World Cup không chỉ có thắng thua
Mỗi kỳ World Cup không chỉ là câu chuyện của người thắng kẻ thua. Khi quốc ca Panama cất lên trên sân Nizhny Novgorod trước trận đấu đầu tiên tại một kỳ World Cup gặp Bỉ, những bình luận viên trong cabin bình luận đã bật khóc và ôm chầm lấy nhau. Ở trận gặp Anh, sau khi Felipe Baloy ghi bàn thắng đầu tiên cho Panama ở một kỳ World Cup, một bình luận viên đã nghẹn lời: “Đội tuyển Panama đã ghi bàn. Bàn thắng đầu tiên tại World Cup”.
Đức Hùng