(Thethaovanhoa.vn) - Ban đầu, tôi đã nghĩ rằng, chuyến đi ấy sẽ rất buồn tẻ, nên đã chuẩn bị rất kỹ càng những thứ để tự giải trí cho mình trên chuyến tàu dài hơn hai tiếng ra khỏi Moskva. Nhưng hoá ra, đấy là phần rất thú vị của một chuyến đi dã ngoại cuối tuần thật tuyệt, trên mảnh đất này.
Sàn catwalk trên các toa tàu
Tàu rời ga Belorussky khi trời đã sáng hẳn, nhưng Moskva thì vẫn đang ngái ngủ. Đấy là một buổi sáng cuối tuần trong trẻo và mát mẻ ở một vùng trung tâm thành phố, với những người lái xe taxi còn hơi ngái ngủ, những nhân viên an ninh đứng ở các cửa từ kiểm tra kim loại không giấu nổi vẻ mệt mỏi vì dậy sớm, chỉ có những hành khách trên chuyến tàu đang lững thững đi bộ ra ga, tay xách nách mang đủ thứ-chắc chỉ thiếu mỗi lợn gà nữa thôi, là tươi tỉnh, vui vẻ và đầy sức sống.
Họ không còn trẻ nữa. Họ là những người già đi một mình, những hành khách quen thuộc của những chuyến tàu mà các toa và đầu máy thật cũ kỹ gợi lên những ký ức thời Xô viết, những người sẽ lấp đầy khoảng không gian mà tôi cứ ngỡ là buồn tẻ trong hành trình ra ngoại ô Moskva của mình, khi biết chắc là tàu đi rất chậm, ga nào cũng dừng và không có toilet trong khoang.
Anh bạn đi cùng bảo, thanh niên không mấy khi đi trên những con tàu chậm rì rì và giá vé rẻ như cho như thế này, những người thích tiện nghi cũng thế. Họ thích đến các điểm xa thành phố bằng xe ô tô. Nhưng những người về hưu này thì chọn các con tàu làm thứ đưa mình đến đích, hoặc từ đó trở về. Có khi họ sống trong bán kính từ 50 đến 70 cây số từ Moskva và đến thăm con hoặc làm các công việc đơn giản ở thủ đô nước Nga, hoặc họ đến các "dacha" (nhà nghỉ ngoại ô) của mình vào cuối tuần.
Tôi gật gù mỉm cười nghĩ đến những toa tàu nhếch nhác, khai mù và chật kín hành khách ở Nam Phi trên hành trình đã qua nhiều năm về trước; đến những con tàu hiện đại hơn ở Ukraina nhưng vắng tanh hành khách vì người dân bình thường không quá sung túc để mua vé trên những hành trình không quá dài, và nghĩ đến cả những con tàu chợ lúc nào cũng trễ giờ ở Italy tôi đã đi nhiều lần trước đây. Nhưng chuyến tàu này không thế, bởi ngay từ đầu những hành khách của nó đã khiến thế giới của tôi xao động và không thể không quan sát họ, không thể đơn giản nghĩ rằng, ta lên tàu và ngả đầu vào thành toa, chợp mắt một chút để giết thời gian, thế là xong.
Đấy là một toa tàu đặc biệt, không phải chỉ vì bạn ngồi lọt thỏm giữa một thế giới của những người tóc đã bạc trắng, người thì ngồi đọc báo, người nói huyên thuyên đủ mọi thứ chuyện, người thì tranh thủ ngáy, mà vì hành lang giữa hai hàng ghế của nó không khác gì một sàn catwalk. Không có người mẫu nào làm mặt lạnh lùng bước đi trên đó, chỉ có những người bán hàng rong biến cái thế giới già nua và đang rung ầm ầm trên đường ray cũ kỹ này thành của họ.
Cứ mỗi năm phút, lại có một giọng luyến thoắng cất lên ở một đầu toa, khiến bạn nhổm dậy xem đấy là ai. Lúc thì một cô ăn vận rất chỉn chu xuất hiện ở đầu này của toa, nói rõ dài khiến bạn không hiểu cô ấy là ai, và rồi cô giơ lên một nắm kính lão. À, hoá ra cô bán kính. Ngay lập tức, có ông già hỏi mua. Một anh bán kem xuất hiện ngay sau đó ở đầu toa đối diện, giơ lên cái kem, giơ lên chai nước. Rồi một chú hát rong mang cây đàn accordion lên và ca lên những bản tình ca của những năm 1980, thời của những bài như "Triệu triệu bông hồng".
Thêm một ông bán dao gọt hoa quả, rồi một bà cô bán quần đùi và tất. Nhiều lắm, những người như thế, và bạn chợt hiểu ra rằng, dù việc bán hàng rong trên các chuyến tàu chợ ở Nga bị cấm, nhưng người ta vẫn làm ngơ cho họ đi trên các sàn catwalk hết toa nọ đến toa kia, tiếp thị các sản phẩm hướng đến các đối tượng đã được họ lựa chọn rất kỹ, vì một lý do đơn giản, những thứ ấy luôn có khách mua. Và tại sao họ lại mua? Vì tiện lợi vô cùng, vì những nơi họ tới không có những thứ đó, và vì rất rẻ nữa.
Quanh đi quẩn lại, cuối cùng là Putin
Người phụ nữ phúc hậu có mái tóc trắng và môi tô son đỏ chót ngồi trước mặt tôi là một hàng khách quen của chuyến tàu. Bà đi trên đó hàng ngày và biết rõ từng người bán hàng rong, đến mức biết tường tận người "trình diễn" sắp tới là ai, để khi đi qua, hỏi "bà đã có cái quần lót cho tôi chưa", và ca cẩm "tôi phải mua tất, vì đàn ông đi tốn tất lắm". Chúng tôi nói đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới biển, chẳng hiểu thế nào cuối cùng, lại quay về nói chuyện cuộc sống ở Nga.
Bà bảo rằng, cuộc sống ở nước Nga bây giờ đã tốt hơn nhiều những ngày xưa, tất cả là nhờ Tổng thống Vladimir Putin. "Nhưng rồi ông ấy cũng phải già, phải về hưu", bà thở dài, "không có Putin thì chỉ còn chờ Chúa trời nữa thôi. Chúng tôi chỉ mong ông ấy làm Tổng thống mãi". Ông hành khách tóc bạc phơ ngồi cạnh, từ đầu đến giờ chỉ ngồi đọc những trang báo chính trị và không đếm xỉa đến trang cuối của nó đang nói về World Cup, gật đầu tỏ vẻ tán thưởng. Chẳng có gì là mãi mãi cả, tiếc thay.
Ai đó đã nói với tôi rằng, không ít người già ở Nga vẫn hoài niệm về một thời Liên Xô, vẫn sống trong những ký ức xưa cũ của thời kỳ trước Perestroika và Gorbachev. Chính những người cao tuổi đi cùng mà chúng tôi nói chuyện cũng thế. Nhưng họ hiểu là không thể sống trong quá khứ, như con tàu họ đang đi chỉ hướng về phía trước, và dù có thể vẫn cảm thấy đang bị gạt ra ngoài lề trong cuộc sống hiện tại, nhưng họ vẫn đứng về phía người lãnh đạo tối cao của một nước Nga đang căng mình trong cuộc chiến chống lại sự cô lập của Phương Tây.
Cả gia đình của bà giáo đều làm trong quân đội Nga, và bà tự hào về sức mạnh của nước Nga. Mà một phần sức mạnh ấy, tôi có thể thấy ngay trong toa xe này, với một tiểu đội học viên quân đội mặc quân phục đang hành quân đi đâu đó, ngồi im như thóc trong một góc, với người chỉ huy trẻ lùn tịt có cái nhìn cau có mà kể từ lúc tàu chạy chẳng thấy khi nào ngồi.
Con tàu cứ xình xịch đi, lướt qua hai bên những cánh đồng bạt ngàn dưới bầu trời hơi nặng nước của một ngày chắc chắn sẽ có mưa, qua những chợ cóc mà những người trung tuổi tạo nên ngay ở sân ga để bán nhiều thứ, chủ yếu là quần áo cũ, qua cả những nhà ga cũ kỹ hoặc đang được tu sửa lại. Nông thôn nước Nga hiện lên chầm chậm qua những ô cửa và cứ mỗi sân ga dừng lại, lại thấy một phần của cuộc sống nước Nga ở đó, chầm chập nhưng không buồn tẻ, giản dị và yên ắng, với những người chờ tàu hoặc xuống tàu, những nhân viên đường sắt béo ú và ngái ngủ, những người trung niên khệ nệ xách đủ mọi thứ đồ, những chiếc xe Lada hay Zhiguli cũ rích chạy trên con lộ song song với đường tàu. Rời khỏi Moskva là một thế giới hoàn toàn khác, thanh bình, trong trẻo và rất nhẹ nhàng, với những câu chuyện không dứt về cuộc sống của họ, về nước Nga và cả về Putin.
Tàu vắng dần. Các cụ lần lượt xuống ở các ga xép. Bà ngồi đối diện đã chia tay chúng tôi để về nhà. Một cô gái xinh đẹp nghiêng hẳn một bên người xách cái túi dứa đựng đủ thứ linh tinh lên sân ga, và nhoẻn cười khi được một người đàn ông trung niên đề nghị sẽ xách hộ cô. Toa tàu gần như sạch bóng người, trở lại cái vẻ yên bình vốn có trước khi được lấp đầy bởi những hành khách đáng yêu ấy. Ông già ngồi ở hàng ghế chếch kế bên đã thôi ngáy tự lúc nào, vươn vai sung sướng, không quên nhổ một bãi nước bọt ra hai bàn tay, xoa xoa vào nhau và rồi vuốt lên mặt, lên tóc, môi nở nụ cười sảng khoái, không hề biết có một người đang kín đáo nhìn ông không chớp mắt là tôi.
Chào buổi sáng ngoại ô Moskva...
Anh Ngọc (từ Mozhaysk, ngoại ô Moskva)