(Thethaovanhoa.vn) - Tôi đến Rostov khi trận đấu cuối cùng của World Cup được tổ chức ở đây vừa kết thúc. Thành phố như vừa ngái ngủ sau một giấc mơ dài mà họ không muốn tỉnh dậy, bởi bóng đá đã đưa họ một lần nữa lên bản đồ thế giới, rất nhiều năm sau văn hào Mikhail Solokhov lấy sông Don và vùng Kuban rộng lớn làm bối cảnh cho tác phẩm kinh điển "Sông Don êm đềm".
"Chẳng có nơi nào yên bình hơn Rostov"
Cái nắng ập đến ngay từ sân bay Platov. Rostov nóng bỏng hơn nhiều với Moskva cách đó hơn 1 nghìn cây số và hai tiếng bay. Cái nóng tiếp tục hoành hành trên chiếc xe bus 12 chỗ chạy từ đó về thành phố, khi nó không có điều hòa và gió chỉ có thể lọt vào khi xe chạy thông qua cửa sổ mở hé ở trên trần. Người bạn đồng hành ngồi cạnh tôi, một cô gái Nga rất xinh đẹp (tiếc thay, cô đi với mẹ, ngồi cách đó vài hàng ghế!), thỉnh thoảng khẽ thở dài và lấy tay phất phất cho có gió, khi chiếc xe lao đi, để lại hai bên những khu rừng, những cánh đồng lúa mì chạy khắp chân trời, của một vùng đất rộng lớn được mệnh danh là "cái rổ bánh mỳ của nước Nga". Thế rồi, con sông tôi yêu mến qua tác phẩm của Solokhov hiện ra bên cửa sổ, uốn lượn hiền hòa trong chốc lát, rồi lại biến mất sau một rừng cây.
Vùng sông Don đấy, vùng đất huyền thoại chạy trên một phần lãnh thổ rộng lớn phía Nam nước Nga, vừa là trấn biên với các quốc gia, các lãnh thổ Hồi giáo phía đó, vừa là nơi giao thoa mạnh mẽ của các nền văn hóa, các sắc tộc, tôn giáo và biết bao câu chuyện của lịch sử. Chỉ cần nhìn số hành khách trên xe thôi là cũng có thể nhận ra không phải ai trong số đó cũng là người Nga, vì khuôn mặt của họ khác, âm điệu ngôn ngữ của họ cũng khác, và cách ăn mặc cũng khác.
Khi chỉ còn cách thành phố mấy cây số, xe bỗng dừng lại trước một trạm kiểm soát lưu động. Một cảnh sát mặt cau có bước lên xe và yêu cầu tất cả trình giấy tờ. Hộ chiếu của tôi bị giữ lâu nhất. Cô gái xinh xắn ngồi bên bảo, việc này đã diễn ra từ nhiều năm nay để chống nguy cơ khủng bố. "Có thể anh chưa quen", cô cười, bảo, "nhưng chúng tôi thì thấy thế là bình thường. Người ta có thể chặn bất cứ ai lại để kiểm tra, nếu thấy khả nghi". Và rồi, tay cảnh sát quay lại xe, trả lại giấy tờ của tôi, mặt vẫn không nở một nụ cười.
Đúng thế, kể từ ngày Liên Xô tan rã vào năm 1991, đã có quá nhiều biến động ở vùng đất này, sau nhiều thập kỷ êm đềm. Chủ nghĩa ly khai đã xuất hiện ở nhiều nước cộng hòa của các sắc tộc. Hai cuộc chiến tranh đẫm máu đã nổ ra ở Chesnya, và các lực lượng khủng bố người Chechen đã reo giắc nỗi sợ hãi bằng các cuộc tấn công ở Moskva hay Nam Ossetia trước khi bị tiêu diệt.
Cộng đồng người Việt đông đảo tại Nga tất nhiên là cũng không đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến giành “miếng bánh” World Cup 2018.
Việc tổ chức thành công Thế vận hội mùa Đông ở Sochi 2014, cách Rostov 500 km, và các trận đấu của World Cup 2018 ở đây cho thấy, những mối hiểm họa về an ninh đã bị đẩy lùi, và những điều mà báo chí Phương Tây phóng đại về nguy cơ khủng bố không hề tồn tại. Bà chủ nhà của tôi ở Rostov, một người phụ nữ xinh đẹp khác (tôi chưa thấy một phụ nữ nào ở Nga không xinh) nói chuyện với tôi qua app Google Translate, bảo rằng, mới hôm nọ thôi, cả một khách sạn ở Rostov đã phải sơ tán sau một cú điện thoại. Nhưng hóa ra, đấy là báo động giả. "Chẳng có nơi nào yên bình hơn Rostov này", cô nói. Tôi tin cô.
World Cup đã từng đi qua nơi này...
Ở cái thành phố phương Nam mà buổi chiều mát rượi này, thế giới mới chỉ biết đến họ gần đây thôi. Sự sụp đổ của Liên Xô đã tạo điều kiện cho những nơi xa xôi này của nước Nga mở cửa với thế giới bên ngoài, khi người ta bắt đầu đến đây, thường là vì theo chân các đội bóng của họ thi đấu với đội FC Rostov ở Champions League (các fan của Bayern và M.U chắc chắn đồng ý với điều này ở mùa 2015-16), rồi World Cup, và người ta hy vọng rồi đây, Rostov sẽ có nhiều khách du lịch hơn nữa. Thành phố không lớn, yên bình, không có nhiều danh lam thắng cảnh, nhưng lại quyến rũ đến lạ, với những đại lộ lớn rợp bóng cây, những quán cà phê nho nhỏ bên hè, có cả một thư viện nhìn bên ngoài khắc khổ và khô khan, nhưng bên trong lại một không gian tuyệt vời để trao đổi văn hóa và kết bạn. Những bức tượng các vĩ nhân đặt trên các đại lộ gợi nhớ cho những ai thích lịch sử và văn hóa hiểu rằng, Rostov có những gắn bó chặt chẽ với họ.
Chẳng hạn tượng Pushkin đặt ở đầu đại lộ Pushkinskaya, như một lời cảm ơn của thành phố đối với cha đẻ của ngôn ngữ Nga hiện đại, người đã viết cho vùng đất này những vần thơ trong "Gửi sông Don". Ở một con phố khác, có bức tượng tướng Budyony cưỡi ngựa. Viên tướng kỵ binh ấy là một trong những nhân vật lỗi lạc của Hồng quân Xô viết trong cuộc nội chiến khốc liệt ở đây những năm 1920. Và đương nhiên, tượng Solokhov. Nhà văn huyền thoại ấy được tôn thờ ở thành phố này. Bộ tiểu thuyết "Sông Don êm đềm" của ông không chỉ là một đóng góp cho nền văn học Liên Xô và thế giới (tiểu thuyết này đoạt giải Nobel văn học năm 1965) mà còn gợi lại một thời đẫm máu và rối ren trong lịch sử nước Nga những năm 1920, với dòng Don là một chứng nhân.
Tượng của Solokhov được đặt bên dòng sông Don, như đang ngắm dòng sông và suy ngẫm. Sông Don ngày ấy tàn khốc thế nào, Budyony và biết bao người đã sống ở đây hồi đó hiểu quá rõ. Nhưng bây giờ, chiến tranh đã qua, sự êm đềm đã trở lại. Và nếu có chút gì đó ầm ỹ, thì đấy là vì những nhạc hội mùa hè được tổ chức bên sông, ở một sân khấu lớn ngay đối diện với tượng Solokhov.
... Tôi ngồi uống bia trong quán Golodranets ở trung tâm thành phố và nói chuyện với mấy thanh niên Nga. Bia Nga ở Rostov ngon tuyệt vời, và những câu chuyện cùng với họ, cùng món raki (tôm hùm đất) nổi tiếng của vùng đất này, giúp cho một buổi tối trôi qua rất nhanh. Người ta bảo rằng, người Nga không quá hiếu khách và rất lạnh lùng với người nước ngoài, một phần là quá khứ hàng thập kỷ đóng cửa với bên ngoài do Chiến tranh Lạnh. Nhưng tôi không cảm nhận thấy điều ấy ở Rostov, có lẽ một phần là vì, ở những thành phố nhỏ và xa xôi như vùng đất Phương Nam ít du khách này, người ta muốn cho tất cả thấy mình dễ thương hơn chăng? Tôi không cảm thấy thế, dù lúc đầu họ đã nhầm tôi với người Nhật, một phần vì Nhật đá trận cuối cùng của họ ở World Cup tại đây (và thua Bỉ), phần vì người Nga ủng hộ đội Nhật.
Chúng tôi nói về bóng đá, về cuộc sống, về cả một thời quá khứ đau thương của vùng đất này những năm tháng sau Cách mạng tháng Mười. Một người đàn ông trung niên cũng tiếp chuyện, qua phiên dịch là một sinh viên Nga. Ông bảo, ông nội ông là người Cossack chống chính quyền Xô viết, nhưng đã được tha thứ khi trở về với chính quyền cách mạng vào năm 1922. Tôi chợt nhớ đến Grigori Melekhov của "Sông Đông êm đềm". Anh đã trở về với con anh, làng của anh, sau những năm dài lẩn trốn cách mạng, nhưng số phận của anh ra sao sau đó, có được tha thứ hay bị xử bắn, Solokhov không hề viết tới.
Tôi rời quán ăn và lại lững thững đi dọc bờ sông Don, cứ nghĩ mãi về những năm tháng ấy và những trận cuồng phong ly khai sau này ở quanh vùng đất này. Gió bên sông thổi mát rượi. Khu sân khấu trước tượng Solokhov vang tiếng nhạc của một cô gái cover bài hát của Lady Gaga. Xa xa, bên kia sông, sân Rostov Arena rực rỡ ánh đèn, gợi nhớ đến một kỳ World Cup đã từng lướt qua nơi này...
Anh Ngọc (từ Rostov trên sông Don)