(Thethaovanhoa.vn) - Giữa Mạc Tư Khoa, rừng dương như thầm lặng, mà nghe ví dặm, rằng hết giận rồi thương/Ôi câu hò quê hương, em hát chiều nay răng mà thương mà nhớ...(Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh- Thơ Đỗ Quý Doãn- nhạc Trần Hoàn).
Giờ thì tôi đã đến Moskva, đã bát phố, ghé Quảng trường Đỏ, điện Kremlin, Đồi chim sẻ xem Đức thua Mexico, đã gặp rất nhiều người Việt xa xứ, cùng nhiều đồng hương sang xem World Cup.
Moskva, như đã quen biết tự bao giờ. Tôi có hai món nợ lớn với nhiều bạn thân bên nhà mà chắc chắn phải “đền đáp”, thổi một bản sáo Giữa Mạc Tư Khoa...., và mua búp bê Matryoshka. “Sáo thì phải ra Quảng trường Đỏ thổi nó mới hoành”, chú em tham mưu.
Ôi Quảng trường Đỏ, trái tim của Moskva. Năm nào kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít, tôi cũng dán mắt vào ti vi xem những hình ảnh vĩ đại. Ấn tượng với khí tài, các cựu chiến binh, những đàn máy bay biểu diễn, bay như những cánh chim rực rỡ, qua điện Kremlin, chao nghiên trên sông Moskva, tượng Karl Marx, Nhà hát lớn... giữa những ánh mắt tự hào và tự tin của người Nga.
Lý Quang Diệu từng nhận xét: trong những thời điểm nguy nan nhất, nước Nga đã không bị các nước xâu xé nhờ sức mạnh vũ khí hạt nhân vượt trội.
Giờ đây, dù vẫn bị cô lập nhưng có thể cảm nhận rõ Moskva và Nga đã trỗi dậy rất nhanh nội lực, sự tự cường, nhất là nông nghiệp. Dĩ nhiên, mối quan hệ trên 60 năm hữu nghị, hợp tác Nga - Việt đang tiếp tục đâm chồi, nảy lộc.
Hôm qua, tôi ngồi nâng ly với anh Trần Quốc Trung, Chủ tịch Liên minh thương gia Việt Nam tại Moskva, anh Trung cho biết, thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sang tìm kiếm cơ hội hợp tác bởi viễn cảnh thành công rất lớn.
Gần đây tôi hỏi bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T, Chủ tịch Ngân hàng SHB: “anh nên xem xét mở rộng đầu tư sang Nga”. Ông Hiển trầm ngâm rồi quả quyết: “nhất trí. Nhưng bắt đầu từ đâu và nên tư duy thế nào”?
Đây là những câu hỏi khó, tôi quan sát và hỏi rất nhiều người Việt tại Nga mỗi lúc gặp. Anh Trung, người 40 năm ở Nga mà tôi kể ở trên, đã giải đáp rất cặn kẽ những yếu tố cơ bản muốn thành công ở Nga, từ bất động sản, ngân hàng, nông nghiệp...
Anh Trung còn là Phó Chủ tịch đối ngoại Hiệp Hội phân bón hữu cơ Liên bang Nga. Một trong những giấc mơ mà anh đau đáu: nông nghiệp Việt Nam trong tương lai gần sẽ căn bản sử dụng phân bón hữu cơ. Không những tiết kiệm quá nhiều tiền, mà còn bảo vệ an toàn cho người dân không phải “bỏ vào bụng” những thức ăn độc hại, bảo vệ tài nguyên đất, môi trường, nguồn nước lâu nay đã ảnh hưởng quá nghiêm trọng bởi thói quen bón phân vô cơ.
Trở lại với “món nợ” thứ hai, búp bê Matryoshka, khi tôi đưa hình ảnh “em” Matryoshka mẹ chứa trong bụng 9 đứa em, bạn bè ai cũng mê, nhờ mua.
Búp bê Matryoshka (búp bê Nga) là món quà lưu niệm nổi tiếng khắp thế giới của nước Nga mà bất kỳ du khách nào đến thăm đều muốn mua về. Đây là một bộ gồm những búp bê rỗng ruột có kích thước từ lớn đến nhỏ, được xếp lồng vào nhau.
Từ Matryoshka là cách gọi thân mật của Matryona - tên riêng dành cho phái nữ rất phổ biến trong các gia đình nông phu Nga trước kia. Con búp bê Nga giống như một cô thôn nữ khỏe mạnh với đôi má hồng mặc bộ đồ sarafan truyền thống, trên đầu khăn trùm nhằm giữ ấm suốt mùa đông dài lạnh giá. Một bộ Matryoshka cũng gợi đến hình ảnh của những người bà, người mẹ nông dân, luôn quây quần bên nhau trong một gia đình.
Matryoshka còn mang theo ý nghĩa là biểu tượng về gia đình và sự thống nhất. Đây là một điều rất quan trọng đối với Nga. Con lật đật, búp bê Nga và Matryoshka nói riêng là các món đồ chơi mà những đứa trẻ có nhân thân từng lao động xuất khẩu ở Liên Xô trước đây đều mong ước. Dĩ nhiên, Tôi đã mua những thứ đó cho một số bạn thân, và đặc biệt cho hai đứa con bé bỏng của mình.
Moskva mùa này bầu trời cao xanh, không khí mát mẻ dễ chịu. Mãi gần sáng, trăng mới treo như lưỡi liềm.
Tôi đã có một ngày đáng nhớ, trong đó có nụ hôn của cặp tình nhân Đức, trước nhà hát lớn. Đội tuyển Đức đã thua, nhưng fan của họ vẫn lạc quan tin tưởng tinh thần Đức sẽ hồi sinh để làm nên những điều kỳ vĩ tại World Cup này.
Hữu Quý (từ Moskva)