(Thethaovanhoa.vn) -
2 tuần, 100 triệu. Chị dự toán như thế. Nhưng rồi chị cười: “Chắc chắn sẽ tốn kém hơn. Nhưng giống như khi người ta làm nhà ấy, dự toán thấp thấp thôi, mới dám làm. Khi xong, bao giờ chả gấp rưỡi, gấp đôi…”Chị tên Hạnh, sinh năm 1976, hiện vẫn chưa lập gia đình. Chị chưa mua được nhà ở Sài Gòn, vẫn đang ở nhờ nhà người quen. Chị vào Nam cách đây 3 năm: “Chị quê ở Hải Phòng, làm nghề đăng kiểm tàu. Vụ Vinashin xảy ra, công việc không còn nhiều như trước. Sếp khuyên chị vào Sài Gòn. Thấy hay hay, thế là đi…”
Hành trình tốn tiền và tốn sức
Đợt World Cup 2014 này cũng thế. Chị chưa bao giờ đặt chân tới Brazil. Lại thấy có World Cup. Thế là liên hệ với bạn ở bên này, chuẩn bị hành trang, đặt vé máy bay. Cứ thấy nơi nào hay hay, đi được là chị đi.
Tác giả và chị Hạnh trên chuyến bay từ Paris sang Sao Paulo
Tôi và nhà báo Vũ Tú bay từ Nội Bài, còn chị đi từ Tân Sơn Nhất. Cả hai cùng transit ở Charles De Gaulle thuộc Paris (Pháp). Hơn 3 tiếng ngắn ngủi ở đây hóa ra rất thú vị. Sân bay lớn khủng khiếp. Sạch, đẹp, hiện đại và văn minh. Các nhân viên ở đây rất nhiệt tình, lịch sự, khiến bạn không thể không thán phục. Thậm chí khi xuất trình giấy tờ để đáp tiếp chuyến bay từ Paris đến Sao Paulo, nhân viên sân bay còn nói “Cám ơn” bằng tiếng Việt hẳn hoi khi biết tôi đến Việt Nam. Những chi tiết nhỏ nhặt thôi, nhưng cũng đủ cho thấy họ chuyên nghiệp như thế nào.
Và khi lên máy bay, tôi đã gặp chị. Trên chuyến bay này, rất nhiều người châu Á tìm đến Brazil để xem bóng đá, có người Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Thái Lan. Chị nhận ra tôi là người Việt vì trên tay tôi vẫn cầm hộ chiếu. Rồi chúng tôi đổi chỗ ngồi gần nhau.
Chị kể chị đang làm cho công ty đăng kiểm tàu của Na Uy. Chị khoe đây là công ty đăng kiểm tàu lớn nhất thế giới. Chị hay được cử đi công tác, đi đến những nước có cảng biển, Đan Mạch, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… Nhưng đây là lần đầu tiên chị tìm đến Brazil, không phải được cử đi mà tự túc. Chị thích đi đây đi đó khám phá. Bao nhiêu tiền tiết kiệm cứ dốc hết cho các chuyến đi.
Phóng viên Thông Tấn Xã phỏng vấn chị Hạnh ở sân bay Sao Paulo
Phải là người rất chịu khó mới sang tận Brazil. Từ Việt Nam sang Pháp mất 12 tiếng. Hơn 3 tiếng transit. Rồi thêm 12 tiếng từ Pháp đến Sao Paulo. Xếp hàng, làm thủ tục check-out mất gần 2 tiếng. Đợi thêm 4 tiếng nữa đến chuyển sang chuyến bay nội địa. Chị không dừng chân ở Sao Paulo như tôi mà đi luôn đến Salvador để xem trận Tây Ban Nha - Hà Lan, mất thêm khoảng 2 tiếng bay. Để về được đến nhà của bạn chị thì mất tổng cộng không dưới 35 tiếng!
Riêng tiền vé đi về đã mất hơn 70 triệu đồng. Chắc chắn mất hơn 30 triệu đồng để ở và khám phá Brazil trong vòng 2 tuần là không đủ. Cảm nhận ban đầu khi đến Brazil là cái gì cũng đắt đỏ. Tôi đi taxi từ sân bay về nơi ở trọ đã mất 120 real, tính ra hơn 1,1 triệu đồng tiền Việt. Rồi còn tiền tiền ăn, tiền mua vé vào sân (chị mất đến 150 đô Mỹ, tức hơn 3 triệu đồng để xem trận TBN - Hà Lan)…, tóm lại là phải tiêu rất nhiều tiền.
Nhưng đam mê vượt lên trên tất cả
Như đã nói, ở Sài Gòn, chị vẫn còn ở nhờ. Chị không phải là “đại gia”. Và chị không phải là người Việt duy nhất “thích là nhích”. Tôi và chị còn gặp thêm hai anh người Việt ở sân bay Sao Paulo. Như chị, họ bay từ Sài Gòn, đến Sao Paulo, tiếp đến là Manaus để xem trận Italy - Anh. Người nào cũng mất tầm 100 triệu đồng. Rất công phu, rất tốn kém. Nhưng là một người hâm mộ bóng đá, ước mơ của họ là được đặt chân đến Brazil. Tất cả đều xác định: Được xem World Cup ở Brazil là cơ hội duy nhất trong đời.
Chị Hạnh và hai CĐV Việt Nam đến Brazil từ Thành phố Hồ Chí Minh
3 năm trước, chị không biết được tương lai của mình sẽ như thế nào khi vào Nam, một quyết định rất táo bạo lúc bấy giờ. Chỉ là thấy thích và xách balo lên đường. Giờ chị hài lòng với cuộc sống ở Sài Gòn, được làm công việc mình thích, được thỏa chí khám phá thế giới.
Thân gái một mình đến Brazil cũng là quyết định cực kỳ can đảm, mạo hiểm, nhất là khi qua báo chí chị thấy tình hình xã hội, an ninh ở Brazil là khá phức tạp. Nhưng cuối cùng, đam mê đã vượt lên tất cả.
Chị còn một ước muốn: Gặp CĐV đồng hương Hải Phòng Văn Trần Hoàn. Anh Hoàn đến với Brazil với ảnh Bác Hồ, 100 chiếc áo và cờ đỏ sao vàng, quyết nhuộm đỏ một góc khán đài. Chị rất muốn mình là một trong 100 người mặc chiếc áo đầy niềm tự hào ấy…
ĐỨC LỘC