Xem tranh của các họa sĩ 'bom tấn' trên thị trường mỹ thuật

Thứ Năm, 6/8/2020, 8:8 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) vào hôm nay 6/8 và kéo dài trong 10 ngày với tác phẩm của 19 họa sĩ đương đại Việt Nam. Tuy con số thực tế có thể hơn 40 người, nhưng đa số các tên tuổi trong 19 họa sĩ này đã là một bảo chứng cho thị trường mỹ thuật hiện nay.

Gian nan tranh Việt hồi hương

Gian nan tranh Việt hồi hương

Trước đây, khái niệm “tranh Việt hồi hương” được cho là viển vông, vì suốt một thời gian dài, chỉ có bán tranh ra nước ngoài, mấy khi ra nước ngoài mua tranh. Nhưng gần đây thì tình hình đã khác, vì đang có nhiều người Việt ra nước ngoài đấu giá tranh của các thế hệ tiền bối để mang về Việt Nam.

Đáng lý triển làm này đã diễn ra hồi tháng 4 vừa qua nhưng do đại dịch Covid-19 nên phải hoãn lại. Triển lãm có sự góp mặt của 12 họa sĩ ở Hà Nội là Trần Lưu Hậu (1928-2020), Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Bùi Hữu Hùng, Hồng Việt Dũng, Lê Thiết Cương, Phạm Luận, Phạm An Hải, Đinh Quân, Lê Thanh Sơn, Đào Hải Phong, Vũ Đình Tuấn. Và 7 họa sĩ ở TP.HCM là Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Tấn Cương, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Thanh Bình, Trần Văn Thảo, Lê Kinh Tài.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Giới hạn sở thích" (sơn dầu trên bố, 180cm x 150cm, 2010) của Lê Kinh Tài

Một phác họa đáng chú ý

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận xét: “Thị trường tranh Việt Nam đang trên con đường phát triển, nhất là tranh Đông Dương với những ảnh hưởng lớn mạnh. Tuy nhiên, muốn cho thị trường tranh Việt Nam mở rộng và theo đuổi kịp trào lưu, chúng ta cần những tên tuổi mới với những hướng đi cách tân. Các họa sĩ nêu tên trong cuộc triển lãm này đã có những thành công nhất định trên thị trường quốc tế, vì sáng tác của họ có thể tách rời dòng chảy hàn lâm của tranh Đông Dương để tìm cho mình một chỗ đứng riêng biệt. Nhưng đối với thị trường tranh tại Việt Nam còn đang trong tình trạng chập chững, họ cần phải được nhắc đến nhiều hơn nữa".

"Chính vì thế, tôi cho rằng cuộc triển lãm này là một đầu tư và khuyến khích cho thị trường tranh Việt Nam có những bước tiến vững chắc hơn” - ông Khôi nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Màu thời gian” (sơn dầu trên bố, 120cm x 200cm, 2020) của Phạm An Hải

Tiêu chí của triển lãm này rất cụ thể: Hướng đến những tác phẩm có dấu ấn cá nhân và bán được nhiều, có vị trí trên thị trường mỹ thuật. Kể từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đang sản sinh ra thêm thị trường thứ cấp, bên cạnh thị trường sơ cấp như đã thấy. Nhưng các triển lãm gọi tên đích danh là vị thương mại, vị thị trường như triển lãm này còn quá ít. Càng ít hơn nữa, nếu xét đến các triển lãm, các sự kiện do các cơ quan nhà nước tổ chức.

“Đây là một triển lãm nhằm để tôn vinh các họa sĩ có những ảnh hưởng đến thị trường mỹ thuật Việt Nam! Đây cũng là một động thái tốt, vì vậy cần có nhiều hơn nữa, sâu rộng hơn nữa, dưới các hình thức và các chuyên đề khác nhau để thúc đẩy sự phát triển của thị trường mỹ thuật từ phía nhà nước” - họa sĩ Phạm An Hải nói.

Hiểu sai về khái niệm thị trường

Theo họa sĩ Thành Chương: “Thị trường nghệ thuật trên thế giới đã có từ lâu. Ở ta thì giờ mới đang cố gắng để có. Thị trường là cơ sở hạ tầng của một nền nghệ thuật. Nó nuôi dưỡng và thúc đẩy nghệ thuật phát triển. Nó đem nghệ thuật và niềm vui đến cho mọi người. Thế giới luôn đánh giá họa sĩ theo giá tranh trên thị trường nghệ thuật”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Giấc mơ" (sơn mài, 120cm x 100cm, 2019) của Thành Chương

Theo dõi cộng đồng mạng mấy ngày qua, có lẽ nhiều người đang hiểu sai về khái niệm thị trường mà triển lãm này hướng đến. Rõ ràng triển lãm đã tuyển chọn được các họa sĩ thành công trên thị trường và các họa sĩ vẽ vì thị trường - cả hai đều rất quan trọng. Nếu triển lãm chỉ tuyển chọn một trong hai thì rõ ràng phiến diện. Nếu có điều gì đáng tiếc, đó là như đã đề cập ở trên, nên mở rộng số lượng (chừng 40 tác giả) và mở rộng thể loại, bởi điêu khắc, sắp đặt, đa phương tiện… cũng đã bán được giá “bom tấn” đó thôi.

Còn theo nhà môi giới mỹ thuật Philip Nguyễn Đức Tiến thì: “Đã gắn tác phẩm và tác giả với thị trường thì phải được hiểu là có số liệu thống kê tác phẩm và trị giá giao dịch trong một thời gian đủ dài, từ 5 đến 10 năm. Thống kê này phải dựa trên các dữ liệu khả tín và công khai, từ chính các họa sĩ cung cấp và từ các tổ chức thống kê độc lập. Về triển lãm này, điểm tích cực mà tôi ủng hộ là nhà tổ chức đủ mạnh dạn để gắn 19 tác giả với thị trường. Vì chỉ có thị trường mới nuôi dưỡng mỹ thuật phát triển đa dạng, cho dù nhiều các tác giả tại triển lãm này chưa hẳn đã là hàng đầu”.

Hiền Hòa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến