(Thethaovanhoa.vn) - Ra đời cách đây 50 năm, Doraemon tiếp tục chứng minh sức sống lâu bền, vượt khỏi một bộ truyện tranh thông thường, trở thành biểu tượng văn hóa nhờ nội dung gần gũi với trẻ thơ cùng giá trị giáo dục.
Comic Day 2015 (Ngày hội Truyện tranh) diễn ra tại TP.HCM vào ngày 30/8. Đây là ngày hội lớn đầu tiên của truyện tranh trong nước từ khi du nhập Doraemon và ra đời truyện tranh Việt Dũng sĩ Hesman, đều vào năm 1992.
Nửa thế kỷ, bộ truyện tranh về chú mèo máy xanh ra đời, ghi dấu ấn sâu đậm trong nền văn hóa đại chúng Nhật Bản: chú mèo Doraemon.
Doraemon đã là nhân vật giải trí thân thương của nhiều thế hệ trên khắp châu Á, không chỉ qua truyện tranh mà còn cả loạt phim hoạt hình chuyển thể, trò chơi điện tử và hàng loạt sản phẩm ăn theo khác như đồ chơi, thời trang...
Các nhà phê bình nhận xét, bộ truyện của cố tác giả Fujiko F. Fujio (tên thật là Hiroshi Fujimoto, giai đoạn đầu sáng tác chung với Motoo Abiko) mở ra cả một thế giới mới đầy tò mò, thỏa mãn trí tưởng tượng và thậm chí dự đoán đúng một số phát minh trong tương lai, dù bối cảnh của truyện là những năm 1970.
Trong vô số bảo bối được giấu trong chiếc túi không đáy đeo trước ngực của Doraemon, có nhiều thứ rất thông thường bây giờ, nhưng là phát kiến vĩ đại cách đây nửa thế kỷ, chẳng hạn như điện thoại truyền hình, máy in 3D, micro biến giọng nói thành văn bản, xe tự hành hay các thế hệ robot…
Dù được chuyển thể qua nhiều loại hình, song bộ truyện tranh gốc Doraemon vẫn được ưa chuộng hơn cả, được bởi qua đó, tâm hồn, tấm lòng và thế giới của chú mèo máy và đám bạn nhỏ hiện ra rõ nhất.
Ở chương đầu tiên của cả bộ truyện, Doraemon xuất hiện trong một hình dạng đầu nhỏ hơn thân - mang đến cảm giác "hài kịch đen": gây hài trong tình huống có phần… không nên cười. Cái gây cười ở đây còn là sự kết hợp giữa cậu bé Nobita thiếu ý chí, nhút nhát tới mức thảm hại và Doraemon ham ăn bánh rán, thi thoảng xử sự quá đỗi thờ ơ và hồn nhiên trước tình huống cấp bách của bạn mình, tạo nên cảm giác đáng chê cười.
Những câu chuyện trong Doraemon là của trẻ thơ, song cài cắm sự hiểu biết và trải nghiệm của một người trưởng thành. Lũ trẻ trong truyện Doraemon là tập hợp của những tính cách đa dạng như trong một xã hội thông thường: Suneo (Xê-kô) xảo quyệt, Gian (Chai-en) cục cằn, hay đi bắt nạt còn Shizuka (Xu-ka) thờ ơ, vô tình trước tình cảm Nobita dành cho mình.
Với một số người nước ngoài đến sống và làm việc ở Nhật, lý do đáng chú ý nhất để đọc sê-ri truyện này là để học ngoại ngữ. Nhiều người ôn luyện thi bằng JLPT (bài thi năng lực tiếng Nhật, mức cơ bản nhất là N5, nâng cao nhất là N1) luôn yêu thích việc học qua truyện tranh manga. Không nhất thiết với mục đích ghi nhớ từ mới, chỉ là đọc hiểu tiếng Nhật như một thói quen với tâm trạng thoải mái.
Nhà báo người Anh Jordan Allen chia sẻ, anh đã đọc một số bộ manga nổi tiếng, chẳng hạn như Chibi Maruko-chan nhưng khá chật vật. Cuối cùng, Doraemon là phương án thay thế hợp lý nhất, bởi ngôn ngữ được tác giả sử dụng hết sức trong sáng, đời thường và dễ hiểu.
“Dù có thể chọn bất cứ bộ truyện tranh nào, nhưng tôi cho rằng Doraemon sẽ là sê-ri mang đến nhiều niềm vui nhất. Không chỉ được hòa mình vào bối cảnh lịch sử hiện đại với một hình tượng nổi tiếng trong văn hóa đại chúng Nhật Bản, bạn còn được chứng kiến sự khác biệt của ngôn ngữ qua các thời kỳ,” nhà báo Jordan Allen nhận xét trên tờ Japan Times.
Theo tác giả, nhân vật trong truyện không nói những từ như sugoi (hay quá), yabai (chán, tệ thật) hay những câu cửa miệng khác bằng tiếng Nhật mà các youtuber ngày nay lạm dụng. Gia đình của Suneo thì nói ngôn ngữ của tầng lớp thượng lưu, trong khi các thế hệ nhà Nobita thường sử dụng các cổ ngữ của tầng lớp lãnh chúa, samurai hay nông dân thời xưa.
Ngoài ra, một ý nghĩa lớn khác của Doraemon là truyện phần nào mang đến cảm giác hoài niệm về tuổi thơ của nhiều người, một quá khứ đã xa, ở cái thời lũ trẻ không “cắm đầu” vào điện thoại, máy tính. Chúng ra ngoài, chơi bóng chày, khoe mẽ, tranh giành nhau đồ chơi, tụ tập với nhau và cùng trải qua những chuyến phiêu lưu lớn nhỏ.
Đấy có lẽ cũng là lý do chính giúp bộ truyện vẫn luôn được đón nhận sau nửa thế kỷ, và còn lâu hơn thế nữa.
Theo Vietnam+