(Thethaovanhoa.vn) - Tuần phim 1988: năm ấy… phim gì? tại Hà Nội và chương trình Rặc ròng cung nhịp tại TP.HCM là hai sự kiện văn hóa đáng chú ý của tuần này.
Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần 2 - Bình Dương 2017 đã kết thúc và để lại nhiều dư âm trong lòng những người tham gia và cả những ai đón xem chương trình qua sóng truyền hình.
Nếu tuần phim tái giới thiệu những phim tiêu biểu của miền Bắc thời Đổi mới, thì chương trình âm nhạc phác họa lại không khí đờn ca tài tử một thời của miền Nam.
Tưởng nhớ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh
Tuần phim 1988: năm ấy… phim gì? diễn ra tại hai địa điểm của Ơ kìa Hà Nội, từ 19h30 đến 21h30, kéo dài từ ngày 25/8 từ 1/9/2019. Đây cũng là sự kiện nằm trong tuần tưởng nhớ kịch tác gia Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh. Họ cùng mất ngày 29/8/1988, ngay sau giai đoạn mà nghệ thuật và phim Việt Nam có nhiều tác phẩm tiêu biểu.
Tuần phim chọn chiếu các phim vang bóng một thời như Chuyện tử tế (đạo diễn: Trần Văn Thủy, sản xuất năm 1985, công chiếu năm 1987), Thị trấn yên tĩnh (đạo diễn: Lê Đức Tiến, 1986), Cô gái trên sông (đạo diễn: Đặng Nhật Minh, 1987), Tướng về hưu (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, 1988), Gánh xiếc rong (đạo diễn: Việt Linh, 1988), Truyện cổ tích cho tuổi 17 (đạo diễn: Xuân Sơn, 1988), Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại (đạo diễn: Nguyễn Thước, 2008).
Những phim này ngoài chất lượng nghệ thuật đã được khán giả công nhận qua năm tháng, còn một điểm thú vị ở khía cạnh tuyển chọn, đó là đưa ra được cái nhìn khá đa diện về đời sống của thập niên 1980. Trong đó có tinh thần đi tìm hai chữ “tử tế” thời bao cấp; châm biếm, đả kích thói xu nịnh, quan liêu; về chuyện tình bẽ bàng giữa cô gái bán hoa và một cán bộ kháng chiến; vị tướng về hưu bị lạc lõng trong đời sống mới; những nghệ sĩ sống lang thang; một chiến tranh không khói súng; một góc nhìn về cuộc đời, cái chết của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.
Song hành tuần lễ phim còn có mở cửa Phòng thơ Mây trắng, trưng bày các bản thảo, bút tích…; nơi đây lấy cảm hứng từ chính căn phòng 6m2 huyền thoại của gia đình Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Sẽ có tọa đàm và ra mắt cuốn hồi ký Xuân Quỳnh một nửa cuộc đời tôi của Đông Mai - chị gái Xuân Quỳnh. Ngoài đêm nhạc thể nghiệm Vũ và mưa và đêm guitar cổ điển Vườn trong phố, đêm sự kiện chính Mây trắng vẫn bay về gồm thơ, nhạc, kịch… sẽ diễn ra tối 29/8.
“Rặc ròng cung nhịp”
Hành trình Diễn xướng Nam bộ kỳ 6 với chủ đề Rặc ròng cung nhịp sẽ diễn ra lúc 19h30 ngày 31/8 tại Salon Saigon (TP.HCM). Chương trình do nhạc sĩ - nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng và ban nhạc đờn ca tài tử Sáu Hưng trình bày, với những tiết mục thể hiện rõ chất phong lưu, tài tử của thể loại nhạc này. Nhạc đờn ca tài tử có gốc tích từ nhạc lễ, ca Huế và các câu hò, điệu lý dân gian, nhưng khi đã thành hình thì lại có nét rất riêng của Nam bộ. Nó vừa giữ được tinh thần bài bản, vừa cập nhật tính ngẫu hứng, dung dị. Chữ “rặc ròng” trong tên chương trình Rặc ròng cung nhịp có thể tạm hiểu là “đặc sệt”.
Chọn các không gian ấm cúng, có tính thính phòng để trình bày, nên Diễn xướng Nam bộ thường chọn kiểu “chơi mộc” để tái hiện lại không gian âm nhạc vốn dĩ mộc mạc của vùng đất Nam bộ. Những luyến láy, trầm bổng, nhặt khoan… được các nghệ sĩ và nghệ nhân lành nghề thể hiện rất điệu nghệ.
Diễn xướng Nam bộ từng làm các chủ đề như Khảy nhịp tang tình, Hò lý phương Nam, Xướng khúc nghênh Xuân, Xây chầu đại bội, Bóng rỗi - Địa Nàng… Qua hành trình này người nghe dần dần nhận ra bản sắc, sự phong phú về âm nhạc, diễn xướng của vùng đất này. Đồng thời cũng giới thiệu về nguồn cội, sự tiếp biến, giao thoa và cách tân về nhạc cụ, hình thức diễn xướng và cách kể chuyện. Trong các yêu cầu có tính nền tảng về bảo tồn, phát triển di sản, những nhận thức có tính căn bản như thế này là rất cần thiết.
Như Hà