Văn hóa tuần này: Xem Liên hoan Chèo và nhạc kịch 'Kim Vân Kiều'

Thứ Hai, 16/9/2019, 6:57 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Xem nghe thấy đọc tuần này có 2 sự kiện đáng chú ý: Biểu diễn vở nhạc kịch musical Kim Vân Kiều tại TP.HCM và Liên hoan nghệ thuật sân khấu Chèo toàn quốc năm 2019 diễn ra tại tỉnh Bắc Giang…

Các nghệ sĩ Pháp đưa Truyện Kiều lên sân khấu nhạc kịch

Các nghệ sĩ Pháp đưa Truyện Kiều lên sân khấu nhạc kịch

Kim Vân Kiều sẽ được giới thiệu tới khán giả Việt Nam vào tối 20 và 21/9 tại Trung tâm văn học nghệ thuật TP.HCM, Sân khấu kịch Idecaf (TP.HCM) và ngày 25/9 tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội).

1. Vở nhạc kịch Kim Vân Kiều dựa theo tác phẩm gốc của đại thi hào Nguyễn Du, nhưng do đạo diễn và các diễn viên nước ngoài dàn dựng và biểu diễn bằng tiếng Pháp. Kim Vân Kiều đã có 5 đêm diễn vào tháng 6/2017 rất thành công ở Paris (Pháp).

Lần này đến Việt Nam, Kim Vân Kiều có 3 đêm diễn (20h ngày 20/9 tại 81 Trần Quốc Thảo, TP.HCM; 20h ngày 21/9 tại IDECAF, TP.HCM và 20h ngày 25/9 tại L’Espace, Hà Nội). Phiên bản biểu diễn tại Việt Nam có phụ đề tiếng Việt.

Có 6 diễn viên đến từ Nhà hát L’Attrape Theatre (Paris, Pháp) là: Sarah Bloch, Pascal Ducrozier, Guillaume Francois, Odile Heimbuger, Aini Iften và Nicolas Simeha. Mỗi nghệ sĩ đảm nhiệm nhiều vai để diễn đạt tất cả các nhân vật trong Truyện Kiều như: Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Thúy Kiều, Thúy Vân, Đạm Tiên, Sở Khanh, Hoạn Thư, Tú Bà…

Chú thích ảnh
Một cảnh trong nhạc kịch musical “Kim Vân Kiều”

Đặc điểm của nhạc kịch này là các nghệ sĩ biểu diễn với sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như:Kịch nói, múa, khiêu vũ, hát và cả chơi nhạc cụ. Âm nhạc là sự kết hợp yếu tố Tây phương và Đông phương thông qua phần trình diễn ca khúc, nhạc cụ của các nghệ sĩ nước ngoài và phần trình diễn sáo, đàn nguyệt, đàn bầu, bộ gõ của 2 nghệ sĩ Mai Thanh Sơn (Nhạc viện TP.HCM) va Mai Thành Nam (đoàn nhạc gõ Phù Đổng).

Trong nhạc kịch này, đạo diễn Christophe Thiry đã sáng tạo ra 2 nàng Kiều: “Nàng Kiều” Kiou là một phụ nữ trẻ châu Phi bị cưỡng bức và “nàng Kiều” Kiew là một phụ nữ phải chịu đựng những nỗi khổ của xã hội mang “giấc mơ Mỹ”. Cả hai nàng Kiều đều nói lên tiếng nói về tự do, sự công bằng và khát vọng về hạnh phúc tình yêu.

Những ca khúc trong Kim Vân Kiều được 3 nhạc sĩ sáng tác: Katharina Wittkowska, Mộng Trang và đặc biệt là Jazzy Dạ Lam (Nguyễn Thảo Hương), gương mặt khá quen thuộc với showbiz Việt.

Việc Truyện Kiều của Nguyễn Du được dàn dựng thành nhạc kịch musical ở nước ngoài một lần nữa nói lên giá trị nhân văn của tác phẩm đã vượt khỏi biên giới vốn có của nó cả về địa lý lẫn loại hình nghệ thuật và là niềm tự hào xứng đáng của văn học Việt Nam.

2. Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 (Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) đã khai mạc tại thành phố BắcGiang và sẽ kéo dài tới ngày 28/9 tới đây. Đây là liên hoan được tổ chức 3 năm/lần và dành cho toàn bộ các đơn vị nghệ thuật chèo trên cả nước.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong vở “Người con của Vạn Thắng Vương” - Nhà hát Chèo Ninh Bình

Là bộ môn sân khấu truyền thống đặc phát triển mạnh tại khu vực phía Bắc, nghệ thuật chèo luôn gắn với các cốt truyện dân gian, lịch sử có yếu tố trữ tình cao. Còn lại, trong vài thập kỷ gần đây, những đề tài hiện đại cũng đã từng bước xuất hiện trên sân khấu chèo, tuy nhiên vẫn còn khá hạn chế do những khó khăn đặc thù trong nghệ thuật thể hiện.

Thực tế, dù Liên hoan yêu cầu các vở diễn tham dự không sử dụng các kịch bản nước ngoài vàphải được dàn dựng từ năm 2016 đến nay, đa phần trong số26 vở diễn dự thi (của 16 đơn vị) cũng đều chọn các đề tài dân gian, lịch sử. Như nhận xét của các chuyên gia, đó là điều dễ hiểu - khi trong bối cảnh khó khăn chung của sân khấu hiện tại, các đơn vị nghệ thuật chèo cũng không dễ tiến hành những thử nghiệm để dàn dựng một vở chèo hiện đại trên sân khấu.

Do vậy, trong số ít các vở chèo chọn đề tài hiện đại tại Liên hoan, nhiều người đặt kì vọng vào vở Điều còn lại (tác giả: tiến sĩ Đăng Chương; đạo diễn: NSƯT Tuấn Cường của Nhà hát Chèo Hà Nội). Đây là vở chèo chọn câu chuyện về bi kịch của những người phụ nữ tại hậu phương trong chiến tranh và được đầu tư dàn dựng khá công phu. Theo lời NSƯT Tuấn Cường, dù lấy đề tài hiện đại,vở diễn vẫn mang đậm chất “chèo” với chiều sâu về số phận nhân vật và chất trữ tình của câu chuyện.

Ngoài Điều còn lại, một số vở diễn tại Liên hoan cũng được chú ý, bao gồm Vân dại (Nhà hát Chèo Việt Nam), Hào khí Bạch Đằng (Đoàn Chèo Hải Phòng), Tiếng hát Trương Chi (Nhà hát Chèo Hải Dương), Kiều Loan (Nhà hát Chèo Hà Nội), Trọn nghĩa non sông (Nhà hát Chèo Thái Bình), Người con của Vạn Thắng Vương (Nhà hát Chèo Ninh Bình), Công lý không gục ngã (Nhà hát Chèo Quân đội), Người con gái Kinh Bắc (Nhà hát Chèo Bắc Giang)...

Bình Minh - Sơn Tùng

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến