Từ các nghi án 'đạo nhạc' ở 'Sing my song': Bình thường hay thiếu sáng tạo?

Thứ Năm, 29/3/2018, 14:13 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Mùa thứ 2 của gameshow Sing my song, chương trình tìm kiếm tài năng sáng tác mới lên sóng được 4 số. Và cũng từng ấy lần, các thí sinh tham gia bị “tố” đạo nhái.

Cú “liên hoàn phốt” này một lần nữa khơi dậy mối quan tâm về đạo nhạc, một vấn đề đã dần trở nên quá “nhàm tai” ở thị trường nhạc Việt.

Nhìn nhận đúng đắn hơn về sự tương đồng?

Nhạc sĩ Hoài Sa, giám đốc âm nhạc của chương trình Sing my song, cho rằng có sự giống hay không giữa hai ca khúc còn tùy thuộc vào quan điểm từng người. Song anh công nhận chuyện hiện nay có nhiều sáng tác nghe “na ná” nhau, bởi nhiều nguyên nhân.

“Âm nhạc bây giờ mau nổi nhưng không thể sâu sắc được như trước. Vì người sáng tác được hỗ trợ khá nhiều về công nghệ, kĩ thuật, dễ dàng mua được beat nhạc có sẵn” - nhạc sĩ Hoài Sa nhận định - “Trước đây, các nhạc sĩ học nhạc và sáng tác trên giấy thành ra ít có chuyện giống nhau. Việc sáng tác bây giờ dù rất dễ dàng nhưng cũng sẽ rất khó để chúng ta lại có được những nhạc sĩ lớn như Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn ngày trước”.

Chú thích ảnh
(Từ trái sang) Các "nạn nhân" của nghi án đạo nhạc tại Sing my song mùa thứ 2: Nguyễn Hoàng Ly, Vũ Bình Minh, Nguyễn Minh Cường và Phạm Hoàng Duy.

Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Hoài Sa nếu chỉ là sử dụng beat nhạc có sẵn làm điểm tựa cho sáng tác thì không thể gọi là đạo nhạc.

Bổ sung vào quan điểm trên, nhạc sĩ Vũ Minh Tâm, người mới đây đã được đề cử “Nhạc sĩ của năm” tại giải Âm nhạc Cống hiến 2018, nhận định: “Ngày nay các bạn mới bắt đầu viết thường dùng các vòng hòa thanh cố định để phát triển giai điệu. Đây là chuyện bình thường và phổ biến, không thể quy kết rằng đó là đạo nhạc”.

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, tại sao nhạc sĩ không sáng tạo vòng hòa âm mới. Điều này từng được nhà sản xuất âm nhạc SlimV giải thích như sau: “Mỗi điệu thức thành lập được 7 hợp âm trong hệ thống 7 hợp âm này cũng có quy luật di chuyển, và trong âm nhạc thì từ đúng luật đến hay là cả một khoảng cách rất lớn”.

“Âm nhạc hiện đại sử dụng lối viết chu kỳ ngắn lặp đi lặp lại để khiến bài hát dễ nhớ (catchy - dễ nắm bắt).Chính lối viết nhạc này cộng với việc sử dụng chung một vòng hoà âm khiến cho các sản phẩm âm nhạc ngày nay rất dễ bị giống nhau” - theo lời SlimV.

Vẫn cần chữ "tâm” của người sáng tác

Quả thật không có gì sai khi người viết nhạc hiện nay chủ động tìm đến phần mềm hỗ trợ, những bản beat được bán trên mạng hay vòng hòa thanh sẵn có để phục vụ cho tác phẩm của mình. Nhưng liệu sự đúng sai về mặt lý lẽ có phải yếu tố quyết định hàng đầu phẩm chất của một tác phẩm, hay một người nghệ sĩ?

Theo nhạc sĩ Vũ Minh Tâm, dù không sai nhưng cũng nên tránh sử dụng vòng hòa thanh cố định, quá quen thuộc. Nếu có sử dụng thì người viết nhạc cần tinh tế, sáng tạo và kiên trì để thoát ra khỏi các giai điệu quen thuộc.

Anh lấy ví dụ về một số tác phẩm nổi tiếng tuy sử dụng một vòng hòa thanh (chỉ với 4 hợp âm xuyên suốt) nhưng việc phát triển giai điệu và tiết tấu là độc lập,tinh tế và cực kì sáng tạo nên các bài hát đều có màu sắc riêng, không gian riêng, và không hề trùng lặp nhau như:Apologize (Timbaland ft. OneRepublic), Zombie (The Cranberries), Lặng Thầm Một Tình Yêu (Thanh Bùi ft Hồ Ngọc Hà)...

Đồng quan điểm, nhạc sĩ Dương Cầm, người chiến thắng hạng mục “Nhạc sĩ của năm” tại giải Âm nhạc Cống hiến 2018 khẳng định, nếu trong tâm người nhạc sĩ có ý thức sáng tạo để không trùng lặp với người khác thì sẽ làm được.

“Bạn có thể mua beat có sẵn, nó là sở hữu của bạn. Nhưng vấn đề là bạn sáng tạo để làm sao không giống với ca khúc, bản phối trước đây xây dựng trên beat này”, nhạc sĩ Dương Cầm nói.

Rõ ràng, để “kết tội” một nhạc sĩ đạo nhạc không nên chỉ dựa vào cảm quan mà cần có nền tảng chuyên môn. Trước đây Khắc Hưng, nếu không nhờ chính nhạc sĩ ca khúc gốc lên tiếng cũng sẽ phải dính “án oan” với ca khúc Đâu chỉ riêng em. Đó là bài học kinh nghiệm cho người nghe nhạc để tránh những “nhát dao” vô cớ.

Song, người nghe nhạc cũng có cái lý của họ khi đòi hỏi ở người nghệ sĩ một sự sáng tạo nhất định mang bản sắc riêng. Sẽ là dễ dàng để giải thích rằng sự trùng hợp là do vô tình hay bị ảnh hưởng. Nhưng nếu cứ liên tiếp gặp “tai nạn” như vậy, “hình hài” âm nhạc của người nhạc sĩ liệu có còn nguyên vẹn?

"Sing my song" mùa 2: Cứ lên sóng là dính "nghi án" đạo nhạc

Trong tập đầu tiên của Sing my song mùa thứ 2, sáng tác Chưa bao giờ như bây giờ của thí sinh Nguyễn Hoàng Ly bị tố đạo ca khúc I hate you, I love you.

Tập thứ hai, Hạnh phúc của bạn là gì của thí sinh Vũ Bình Minh bị cho là khá giống Chiếc bụng đói của Tiên Cookie.

Sang tập 3, thí sinh Nguyễn Minh Cường bị chỉ trích vì ca khúc I'm Sorry của anh giống với Fool của nhóm nhạc Kpop Winner.

Mới nhất, ở tập thứ 4, sáng tác Con tha thứ cho mẹ của thí sinh Phạm Hoàng Duy cũng bị cho là đạo giai điệu của For Life do nhóm nhạc Hàn Quốc EXO thể hiện.

Sing my song - Bài hát hay nhất tập 4: Cuộc chơi của các 'hit maker'

Sing my song - Bài hát hay nhất tập 4: Cuộc chơi của các 'hit maker'

Sing my song - Bài hát hay nhất tập 4 khép lại vòng Ghi âm với sự "đối đầu" của các "cây sáng tác" đình đám trong làng nhạc Việt.

Hà My

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến