(Thethaovanhoa.vn) - Qua bao nhiêu năm kinh nghiệm làm phim Tết, điện ảnh Hong Kong đã đúc kết ra một công thức, để từ thập niên 1980 trở đi cứ đến năm mới Âm lịch là những “bom tấn phòng vé” liên tiếp ra đời.
Công ty sản xuất Cinema City được thành lập năm 1980 là một cột mốc quan trọng trong việc xác lập các chuẩn mực
phim Tết của điện ảnh Hong Kong bắt đầu từ thập niên 1980.
Những quả bom tấn phim Tết của thập niên 1980
Bộ phim Hiệp đạo song hùng phát hành trong dịp Tết Âm lịch năm 1982, đã xác lập một kiểu mẫu thành công của phim bom tấn Tết: Có ngôi sao (diễn viên ca sĩ canto-pop Hứa Quán Kiệt, và diễn viên hài Mạch Gia).
Câu chuyện cực hài hước về thiện thắng ác, nhại lại nhiều cảnh phim nổi tiếng của Hollywood. Ngân sách sản xuất siêu khủng đầu tư cho vô số cảnh hành động ngoạn mục với nhiều phương tiện hiện đại như trực thăng, ôtô, xe máy, và có cả mẫu máy bay tiên tiến nhất.
Hiệp đạo song hùng trở thành một thương hiệu phim Tết đình đám với bốn phần tiếp theo trong những năm sau, để trở thành loạt phim Tết thành công bậc nhất của thập niên 1980.
Cũng chiếu cùng dịp Tết năm 1982, bộ phim hành động hài Long thiếu gia đã giới thiệu với khán giả Hoa ngữ một chàng diễn viên trẻ tài năng xuất thân từ đóng thế, sau này trở thành ngôi sao hành động hài hàng đầu thế giới: Thành Long. Anh đã đảm nhận tất cả các vai trò chính trong bộ phim này: Đạo diễn, biên kịch, chỉ đạo hành động, diễn viên chính…
Bộ phim Tết kinh điển nổi tiếng “Gia hữu hỷ sự” của Hong Kong
Từ sau phim này, Thành Long kết hợp với hai người bạn nữa là Hồng Kim Bảo và Nguyên Bưu để trở thành bộ ba ăn khách với nhiều siêu phẩm phim Tết của thập niên 1980: Ngôi sao may mắn (1985) phiêu lưu ở Nhật bản, Long Hổ huynh đệ (1987) phiêu lưu ở Đông Âu, Phi long mãnh tướng (1988)… Yếu tố thành công vượt bực của Thành Long là anh đã xoá bỏ hình ảnh người hùng đơn độc kiểu Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Địch Long… trong các phim võ hiệp kinh điển thập niên 1960 - 1970 của đạo diễn Trương Triệt, thay vào đó là kiểu “Hợp quần gây sức mạnh”. Thêm vào đó là anh đưa khán giả vào những cuộc phiêu lưu mạo hiểm và hài hước ở những miền đất xa lạ, theo phong cách kiểu Indiana Jones.
Nhưng kiểu phim Tết ấn tượng và được phổ biến rộng rãi nhất là phim hài gia đình. Cũng giống như bữa ăn tối gia đình vào đêm Giao thừa năm mới, những trải nghiệm điện ảnh Tết Âm lịch thiêng liêng nhất khi nó liên quan đến chủ đề sum họp gia đình. Đạo diễn Cao Chí Sâm đã làm một bộ phim với ngân sách tương đối thấp, Phú quý theo ta với cặp đôi diễn viên lớn tuổi Thẩm Điện Hà và Đổng Biêu đã bất ngờ bùng nổ phòng vé gây ngạc nhiên lớnmùa Tết năm 1987.
Bộ phim là câu chuyện ấm áp của trái tim về một gia đình trung lưu thấp bất ngờ được trúng số hàng triệu đô la. Đó luôn là ước mơ của mỗi người Hong Kong để có thể thực hiện giấc mơ di cư khi thời điểm Anh trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc năm 1997 gần kề. Phần 2 và phần 3 đã tiếp theo hai năm sau đó để biến Phú quý theo ta trở thành bộ ba phim Tết đáng xem nhất của thập niên 1980, nếu ai muốn được trải nghiệm phong tục truyền thống Tết Nguyên đán như thế nào.
Điện ảnh Hong Kong trong những năm 1980 cũng phát triển mạnh mẽ với một số bộ phim hài Tếtmang đậm màu sắc gia đìnhkhác: Thiết bảng tiêu (1984), Chúc mừng năm mới (1985), Gia đình tôi (1986), Hạnh phúc thứ tám (1988), Gia đình sum họp (1989), và Phú quý liệt xa (1986). Tất cả những bộ phim Tết đánh dấu nỗ lực táo bạo của các nhà làm phim trong việc tìm kiếm sự sáng tạo hài hước đạt doanh thu lớn, và đánh dấu sự khởi đầu tái tạo năng lượng của điện ảnh Hong Kong.
“Vua phim Tết” Châu Tinh Trì
Đỉnh cao và lụi tàn của thập kỷ 1990
Những năm 1990 có thể được xem là đỉnh cao và sự sụp đổ của điện ảnh Hong Kong -bùng nổ trong nửa đầu của thập kỷ và lụi tàn ở nửa sau của thập kỷ. Phim Tết Âm lịch ở thập kỷ này chủ yếu bị chi phối bởi một vài ngôi sao, đặc biệt là Thành Long và Châu Tinh Trì. Thành Long lúc này đã trở thành một ngôi sao quốc tế sau một loạt phim hành động hài đình đám.
Tuy được sản xuất với mật độ dày đặc nhưng các bộ phim vẫn giữ được chất lượng của thương hiệu Thành Long mỗi mùa Tết đến: Rumble In The Bronx (1995), First Strike (1996), Mr.Nice Guy (1997), Who Am I? (1998), và bộ phim hài lãng mạn Gorgeous (1999). Xuất hiện trong phim Thành Long giai đoạn này là hàng loạt các diễn viên phụ xinh đẹp, được sản xuất ở nhiều nước khác nhau, với cốt truyện liên quan đến khủng bố và tội phạm quốc tế.
Bên cạnh đó, phim hài gia đình tiếp tục thống trị một nửa kia của phòng vé phim Tết, đặc biệt với sự vui nhộn của bộ phim Gia hữu hỷ sự (1992) của “chuyên gia” phim Tết, đạo diễn Cao Chí Sâm.
Bộ phim này với sự góp mặt của các ngôi sao Châu Tinh Trì, Trương Quốc Vinh, Trương Mạn Ngọc…được xem là kinh điển trong lịch sử phim Tết Hong Kong. Phim có đủ cả hỷ nộ ái ố, những cuộc gặp gỡ lãng mạn, mâu thuẫn và giải quyết các rắc rối một cách có hậu vui vẻ ở cuối phim… Ngoài ra phim còn nhại lại một cách hài hước các biểu tượng của Hollywood lúc đó như Madonna, Julia Roberts trong Pretty Woman, và Demi Moore trong Ghost.
Gia hữu hỷ sự thành công áp đảo ở phòng vé và được khán giả cực kỳ yêu thích (ngay cả bây giờ bộ phim vẫn thỉnh thoảng được chiếu trên truyền hình trong những dịp lễ). Các phần kế tiếp những năm sau đã biến Châu Tinh Trì thành ông vua phim Tết, đẩy anh tiến đến đỉnh cao trong sự nghiệp như là một diễn viên hài, và anh gần như độc bá phim Tết suốt thập niên 1990. Hãy hỏi tất cả những người Hong Kong trên phố, bạn sẽ bắt gặp kiểu hài tỉnh rụi, lối đối đáp nhanh nhạy và cách chơi chữ bằng tiếng Quảng của Châu Tinh Trì đã ảnh hưởng đến người xem như thế nào.
Sự thật rằng tiếng cười luôn đến với mọi người bất kể tuổi tác và giới tính. Nó là yếu tố chủ đạo và cần thiết, cho những ngày lễ Tết của những nước theo truyền thống ăn Tết Âm lịch cổ truyền, chứ không riêng gì cộng đồng Hoa ngữ.
Kỷ lục doanh thu hơn nửa tỷ đô la Bắt đầu từ năm 2016, Châu Tinh Trì đạo diễn Mỹ nhân ngư và nó đã trở thành bộ phim Hoa ngữ ăn khách nhất mọi thời đại với doanh thu hơn nửa tỷ USD (553,8 triệu USD). Mùa Tết 2017 sắp tới với vai trò nhà sản xuất và biên kịch của Tây du ký ngoại truyện 2, Châu Tinh Trì nhiều khả năng vẫn tiếp tục giữ vững phong độ là “Vua phim Tết” của châu Á - dù ở bất cứ vai trò nào! |
Bá Vũ
Thể thao & Văn hóa