(Thethaovanhoa.vn) - Là trí thức Hán học, với lòng tự tôn dân tộc, Nguyễn Du luôn ý thức đưa lời ăn tiếng nói của quần chúng nhân dân vào Truyện Kiều. Vì thế, những khẩu ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao quen thuộc vốn là các đơn vị có giá trị biểu cảm, mang tính cố định đã được ông vận dụng một cách khéo léo, thuần thục, nhuần nhị khiến tác phẩm trở nên dễ hiểu, bình dị, đi vào đời sống nhân dân một cách tự nhiên, gần gũi, đạt hiệu quả cao trong việc thể hiện tư tưởng, tình cảm và đặc biệt mang đậm tâm thức, văn hóa dân tộc. Đặc biệt, ông đã vận dụng rất thành công thành ngữ…
Kiệt tác Truyện Kiều đã đi vào đời sống sâu sắc, bền bỉ. Làm nên thành công này trước hết phải kể đến sự sáng tạo của Nguyễn Du trong việc sử dụng nghệ thuật ngôn từ. Nhà thơ sử dụng nhiều chất liệu của ca dao, tục ngữ nhưng cũng từ Truyện Kiều, nhân dân ta có thêm nhiều thành ngữ mới trong đời sống hàng ngày.
Thành ngữ là một đơn vị ngôn ngữ ổn định về hình thức (cũng có trường hợp biến đổi làm tăng thêm giá trị biểu cảm), phản ánh các khái niệm, hiện tượng mà đặc trưng cơ bản của nó là tính hình tượng được xây dựng trên cơ sở của ẩn dụ và so sánh.
Thành ngữ thể hiện lời ăn, tiếng nói của quần chúng nhân dân, lối suy nghĩ đặc thù của dân tộc xuất hiện với tần suất lớn trong mọi không gian cuộc sống, góp phần khắc họa thành công nhân vật và hiện thực đời sống.
Theo một nghiên cứu, thạc sĩ Võ Minh Hải đã thống kê trong tổng số 1.102 ngữ liệu được khảo sát, Nguyễn Du sử dụng 445 thành ngữ, trong đó có 170 thành ngữ nguồn gốc từ văn học dân gian Việt Nam, 162 thành ngữ có xuất xứ từ văn học bác học Trung Hoa và 113 thành ngữ tạo mới. Theo đó, Nguyễn Du đã vận dụng 445 thành ngữ có 3, 4, 5, 6, 7, 8 âm tiết, đưa vào Truyện Kiều một cách khéo léo, nhuần nhụy bằng nhiều cách. Các dạng thức ngữ liệu văn hóa được các tác giả sử dụng khá đa dạng, phong phú. Xét từ phương diện nguồn gốc, các ngữ liệu văn hóa được sử dụng trong ngôn ngữ nghệ thuật truyện Nôm bao gồm ngữ liệu nguyên dạng (Hán Việt) và ngữ liệu được chuyển dịch (bán Hán Việt, thuần Việt).
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du dùng 332 thành ngữ sử dụng nguyên dạng (Hán Việt và thuần Việt), đã sáng tạo sử dụng 113 thành ngữ biến thể của chúng thông qua những thao tác như tách, xen, ghép, thêm/bớt từ... như một phương tiện tu từ mà không mất đi vẻ cân đối, nhịp nhàng vốn có của câu thơ. Vì thế, khi thì Nguyễn Du lấy trọn vẹn cả thành ngữ; khi giữ lấy ý, nhưng thay đổi cách diễn đạt; khi sử dụng cả thành ngữ thuần Việt lẫn thành ngữ Hán Việt và có xu hướng Việt hóa những thành ngữ Hán Việt. Nhờ thế, những thành ngữ được đưa vào Truyện Kiều đa dạng, đặc sắc, có giá trị biểu đạt cao và đặc biệt là những đóng góp quan trọng của Nguyễn Du cho kho tàng ngôn ngữ dân tộc trên con đường hiện đại hóa.
Xin minh chứng ý kiến trên qua khảo sát một số trường hợp Nguyễn Du sử dụng thành ngữ trong Truyện Kiều.
* Nguyễn Du lấy trọn vẹn cả thành ngữ, giữ nguyên dạng thành ngữ Hán Việt tạo màu sắc cổ kính, uy nghiêm:
* Nguyễn Du thường giữ nguyên thành ngữ đưa vào Truyện Kiều tạo thành khối vững chắc mà câu thơ vẫn uyển chuyển, hài hòa.
(*) con số đầu các câu là vị trí câu thơ trong Truyện Kiều
Đón đọc kỳ 3: Nguyễn Du sáng tạo thành ngữ, Việt hóa thành ngữ Hán Việt
“Truyện Kiều” – cuốn kinh điển mà mọi người đều biết
Trở thành đỉnh cao văn học Việt Nam, Truyện Kiều của Nguyễn Du có tính phổ cập rộng rãi trong nhân dân. Phạm vi ứng dụng của Truyện Kiều vào đời sống khá phổ biến và đa dạng.
Có thể khó thống kê chính xác số người thuộc Truyện Kiều, nhưng không khó để khẳng định bất cứ xóm thôn Việt Nam nào cũng biết Truyện Kiều; bất kỳ thế hệ người Việt nào cũng từng đọc, từng nghe, từng thuộc ít thì dăm ba câu, dài thì cả cuốn Truyện Kiều dài 3.254 câu lục bát, kể cả đọc ngược từ câu cuối cùng số 3.253-3.254 “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh” lên câu số 1-2 “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”.
Vì thế cũng không lạ có những cụ già không hề biết chữ, nhưng vẫn thuộc làu làu cả cuốn Truyện Kiều.
Giáo sư Đặng Thai Mai đã nhận định chính xác điều đó: “Người dân Việt Nam bất kỳ thuộc về tầng lớp nào, không ai là không thích nghe kể Truyện Kiều, ngâm Kiều, lảy Kiều. Người ta nhớ lấy từng câu, từng đoạn và dẫn dụng vào câu chuyện hàng ngày. Khi nói đến nhân tình thế thái”.
Truyện Kiều đã vượt biên giới Việt Nam đến với các quốc gia. Phải hiểu Truyện Kiều sâu sắc đến mức nào một học giả nước ngoài mới có nhận định sâu sắc đến như vậy. “Truyện Kiều là cuốn sách kinh điển, nhưng là thứ kinh điển mà mọi người đều biết. Người nông dân nơi đồng ruộng cũng có thể ngâm thuộc lòng từng đoạn Kiều…” (J.Buđaren)…
|
PSG-TS Lê Thị Bích Hồng