(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm “Bóng di sản” của nhóm họa sỹ 33A đã khai mạc chiều 22/5, tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Thông tin từ Hội Mỹ thuật Việt Nam ngày 20/5 cho biết: Triển lãm Mỹ thuật Khu vực I (Hà Nội) lần thứ 25 năm 2020, gồm triển lãm các chuyên ngành đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng và hội họa sẽ diễn ra vào tháng 8/2020 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật - 16 Ngô Quyền, Hà Nội.
Triển lãm “Bóng di sản” là một hoạt động nằm trong dự án dài hơi mang tên “Đánh thức di sản” của nhóm họa sỹ 33A trên khắp mọi miền đất nước. Nhóm đã chọn điểm đến đầu tiên là làng Cựu, xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội.
Triển lãm lần này trưng bày hơn 50 tác phẩm của 9 họa sỹ gồm: Dương Tuấn, Bùi Văn Tuất, Chu Viết Cường, Minh Đông, Cấn Mạnh Tưởng, Đạt Phú, Tuấn Đạt, Nguyễn Thế Long và Nguyễn Minh (Minh Phố). Các tác phẩm được các họa sỹ sáng tác từ chuyến điền dã đến làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), ngôi làng có tuổi đời 500 năm, đang đứng trước nguy cơ mai một dần những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
Đại diện nhóm họa sỹ 33A cho biết, để có những tác phẩm này, nhóm đã dành thời gian đi điền dã, ăn ở và sinh hoạt cùng người dân làng Cựu. Các nghệ sỹ đi quanh làng, thăm thú, nhìn ngắm và hít thở cả màu thời gian của những vật thể mà anh em nghệ sỹ gọi đó là di sản văn hóa. Họ hòa vào cuộc sống của làng Cựu như người dân thực thụ của ngôi làng có kiến trúc Việt cổ và kiến trúc Pháp độc đáo, riêng biệt.
Từ chuyến điền dã này, những góc hình mang những nỗi niềm về số phận ngôi làng cổ trước cuộc sống hiện đại được các họa sỹ thể hiện qua các bức tranh muôn màu muôn vẻ, với mong muốn cất giữ vẻ đẹp và các giá trị văn hóa của ngôi làng…
Họa sỹ Dương Tuấn, đại diện nhóm họa sỹ 33A chia sẻ, sau khi đặt chân tới ngôi làng các nghệ sỹ trong nhóm luôn đau đáu, quẩn quanh với câu hỏi: Nếu ngày nào đấy, những ngôi làng này, những mái cổng này, những bờ tường rêu phong cổ kính này hoàn toàn mất đi thì sẽ ra sao? vì thế, bằng cây cọ với những nét vẽ, những góc nhìn riêng nhóm đã lưu lại "Bóng di sản" và đặt triển lãm cùng tên. Bởi theo các họa sỹ, những cái còn lại sau thời gian đó chính là văn hóa. Văn hóa là dòng chảy mà ở đó nó mang trong mình cả những giai đoạn lịch sử, phản ánh đời sống, tinh thần, quan niệm xã hội...
Thông qua triển lãm, các nghệ sĩ 33A mong muốn gửi thông điệp đến công chúng: “Bóng di sản” phải chăng chỉ còn là những chứng tích vật thể và phi vật thể của một thời kỳ, một vùng miền văn hóa đã và đang bị lãng quên, bị phai mờ, hay vẫn là dòng chảy của một giá trị văn hóa bền vững, mãi trường tồn, như mạch nước ngầm thấm đẫm trong chúng ta?
Triển lãm “Bóng di sản” kéo dài đến hết ngày 26/5.
Phương Lan