(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Tranh Tết Kỷ Hợi đang trưng bày tại Nhà sách Cá Chép (115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) và sẽ kéo dài đến hết ngày 23/1. 60 tranh được trưng bày xoay quanh chủ đề con linh vật của năm Kỷ Hợi của 30 họa sĩ trong đó có: Thành Chương, Lê Trí Dũng, Đặng Thu An, Ngụy Đình Hà…
Triển lãm Tranh Tết Kỷ Hợi diễn ra từ 15-23/1 tại Đông A Gallery (Nhà sách Cá Chép – 115 -Nguyễn Thái Học, Hà Nội) giới thiệu 57 tác phẩm của 30 họa sĩ đương đại Việt Nam xoay quanh chủ đề “Hợi” – con giáp của năm 2019.
Theo Âm lịch, theo chu kỳ 12 năm là một giáp , mỗi năm ứng với một con vật. Năm nay năm Hợi, năm ứng với con lợn. Lợn là biểu tượng con vật trong năm, lợn hay ăn chóng lớn, lợn đàn, lợn độc đều có khoáy âm dương hài hòa trong ngũ hành để mọi việc đều an lành tốt đẹp. Cách nhìn đó được thể hiện đậm nét trong tranh Đông Hồ mỗi khi Tết về…
Trước đây họa sĩ “nuôi” con giáp đều đặn nhất có lẽ là cụ Nguyễn Tư Nghiêm. Năm vào mùa Tết họa sĩ cũng cho ra mắt con giáp theo cách nhìn của mình, đều đặn như nhịp chày thời gian đếm năm đếm tháng. Mọi người vẽ con giáp theo ngẫu hứng, nhưng với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm thì con giáp được cách điệu theo những vốn cổ điêu khắc còn đọng lại trên đình làng. Nên sự hoàn thiện trong cách nhìn con giáp có lẽ với Nguyễn Tư Nghiêm vẫn là thể thống nhất cao hơn cả.
Lê Trí Dũng là họa sĩ thứ hai cũng nối bước nhịp nhàng, miệt mài với con giáp trong nhiều năm nay. Nhiều người có tranh con giáp của ông, giờ chập lại cũng có một bộ với thể thống nhất khá cao trong cách định vị của riêng mình. Con giáp của ông Nghiêm trầm mặc len lỏi trong tiềm thức một dĩ vãng xa xưa thì con giáp của họa sĩ Lê Trí Dũng tươi tắn nhảy nhót theo nhịp điệu trang trí đầy sắc Xuân mới mẻ hiện đại, vui với mùa Tết đến.
Năm nay, 30 họa sĩ từ Bắc đến Nam cho bày một phòng tranh chào đón năm Hợi ở gallery tầng 4 nhà sách Cá Chép, phố NguyễnThái Học, Hà Nội, được giới thiệu là phòng tranh Tết của họa sĩ đương đại. Đó là phòng tranh của các họa sĩ đi tiên phong trong việc cách tân đổi mới cách nhìn đa đạng đa chiều về con giáp “Hợi”.
Theo họa sĩ An Hải, một thành viên trong Ban tổ chức cuộc hội ngộ này viết trên trang Faceboook của mình thì đó không hẳn là tranh Tết, mà là tranh vẽ về con lợn chào đón năm hợi của mỗi họa sĩ, nó đa đạng đa chiều như cuộc đời thường để họa sĩ rộng đường sáng tạo.
Ở triển lãm trên 60 tranh lợn này người ta thấy lợn ôm nhau nhảy, lợn quý bà nằm trên đi văng sang trọng, lợn đàn và những gương mặt lợn đầy cảm xúc hiền lành có, tham ăn có, buồn rầu có, hí hửng có, thậm chí có cả lợn rừng!
Lợn vẽ bằng vài nét chấm phá có, và những chú lợn được mô tả như thật với sắc thái tình cảm như vật sống chứ không trừu tượng mơ hồ cũng có. Cả một thế giới lợn trên sơn mài, sơn dầu, acrylic và màu nước trên giấy điệp… Thật đa dạng về thể hiện, phong phú về chất liệu và cùng với những khuôn khổ nhỏ xinh xắn để người yêu tranh, yêu con giáp có thể bê về nhà chơi Tết với số tiền đủ sức chịu đựng. Một cuộc gặp gỡ hay kết thúc năm “Tuất” mở ra một năm mới nhiều hy vọng về sự thay đổi của đất nước.
Hôm nay cách nhìn con giáp không nệ cổ như xưa, mà nó đã đi vào cuộc sống đời thường. Một triển làm con giáp tiếp nối theo triển lãm năm trước, con “Tuất” chắc sẽ hình thành đầu tiên, sẽ tiếp các triển lãm sau thành một chu kỳ vui chơi cho mỹ thuật cũng rất đáng được khích lệ và tiếp nối trong những Xuân sau.
Đỗ Đức (họa sĩ)