(Thethaovanhoa.vn) - Chiều qua 5/9, nhà đấu giá Chọn đã tổ chức buổi đối chứng quanh vụ một bức tranh giả mạo chữ ký của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương được đem đấu giá với mức khởi điểm 3.000 USD.
Thực tế, bức tranh này đã không được đấu giá thành công và bị phát hiện sự giả mạo ngay sau khi lên sàn.
“Tranh giả” đến từ đâu?
Đầu tháng 7 vừa qua, nhà sưu tập Phạm Việt Phương (Hà Nội) gửi đến Chọn một bức tranh lụa chân dung bé gái, tên tác phẩm: “Con gái nhà văn Dương Thu Hương”, tác giả Vũ Giáng Hương, sáng tác năm 1995, chữ kí “g Huong 95” góc dưới phải, mức giá đề xuất 3000 USD.
Biên bản giao nhận tác phẩm với các nội dung do Nhà sưu tập Phạm Việt Phương cung cấp như trên có đầy đủ chữ kí của Nhà sưu tập và nhân viên Nhà đấu giá. Sau khâu thẩm định sơ bộ, tác phẩm đã được trưng bày công khai trước công chúng tại nhà đấu giá Chọn số 17 Trần Quốc Toản (Hà Nội) từ ngày 23/7 đến ngày 28/7.
Ngày 29/7, bức tranh này được bổ sung vào danh sách tác phẩm đấu giá trong phiên đấu số 15: lot 21 với mức giá khởi điểm 3000 USD). Tuy nhiên tranh không được giao dịch.
Đến ngày 3/9, hoạ sĩ trẻ Nguyễn Văn Đông đã tăng tải lên trang Facebook cá nhân nội dung khẳng định bức tranh lụa này không phải tranh của cố hoạ sĩ Vũ Giáng Hương mà là một bức tranh chép lại từ tác phẩm của anh. Theo lời Đông, anh cũng comment vào facebook của Chọn nhưng lập tức bị xóa.
Tại buổi đối chứng chiều qua, Đông cho biết: vào tháng 1/2018, anh nhận lời vẽ (thực ra là chép lại từ một bức ảnh) chân dung sơn dầu bé gái đang cầm một tờ giấy theo đơn đặt hàng của gia đình chị Phạm Quỳnh. Bé gái trong tên Bảo Khánh, con gái nhỏ của chị Quỳnh. Tất cả các bằng chứng liên quan đến đơn đặt hàng này hiện Đông vẫn còn giữ.
Đến tháng 4/2018, hoạ sĩ Đông cho phép một sinh viên nữ trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tên là Bùi Thị Hằng chuyển thể bức chân dung bé Bảo Khánh từ sơn dầu sang lụa để làm bài tập tại trường nhưng dặn kỹ là không được ký tên tác giả vào bức tranh.
Trước lập luận của ông Trần Quốc Hùng, (đại diện Chọn) cho rằng lẽ ra ngoài việc comment trên fanpage về bức tranh, Đông nên liên hệ với Chọn thông báo về việc này, anh phản ứng và cho rằng chính nhà đấu giá phải chủ động và có trách nhiệm trong việc xác minh khi nhận được phản hồi.
Chưa có hồi kết
Báo chí đặt câu hỏi với Phạm Việt Phương (cũng có mặt) về xuất xứ của bức tranh lụa, cũng như lý do mua. Nhà sưu tập này trả lời rằng mới chỉ gặp người bán tranh 2 lần, số điện thoại của người đó giờ không liên lạc được, và anh mua bức tranh chỉ vì nhà toàn con trai, nhìn thấy một bức tranh vẽ một bé gái rất đáng yêu nên thích - chứ không không chắc đó có phải là tranh thật của họa sĩ Vũ Giáng Hương hay không!?
Trả lời câu hỏi về quá trình thẩm định tranh của Chọn, ông Trần Quốc Hùng, cho biết: chủ yếu bằng mắt, bằng kinh nghiệm và bởi các thành viên hội đồng thẩm định! Nhưng khi được hỏi về sự vắng mặt của các thành viên thẩm định này trong buổi đối chứng, ông Hùng cho biết: vì sự an toàn của họ nên không thể công khai danh tính các thành viên hội đồng thẩm định!
Thực tế, hai bức tranh chỉ vẽ một nguyên mẫu một bé gái 7 tuổi, nhưng thời gian sáng tác tác phẩm lại rất xa nhau: tranh ký tên họa sĩ Vũ Giáng Hương đề năm 1995, còn tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Đông vẽ theo đơn đặt hàng mới chỉ từ 1/2018. Chỉ cần mời nguyên mẫu của hai bức tranh đến là có thể phần nào làm rõ những lùm xùm, tuy nhiên Chọn đã không mời hoặc chưa nghĩ tới cách này!?
Ngoài ra, khi được yêu cầu giải thích vì sao đại diện gia đình họa sĩ Vũ Giáng Hương, gia đình chị Phạm Quỳnh, bé Bảo Khánh và đặc biệt là cô sinh viên Bùi Thị Hằng không có mặt như ghi trong thư mời gửi báo chí, ông Hùng chỉ trả lời rằng, “gia đình họa sĩ Vũ Giáng Hương rất thiện chí, sắp tới sẽ tổ chức triển lãm và in sách của bà”. Còn gia đình chị Phạm Quỳnh, bé Bảo Khánh, sinh viên Bùi Thị Hằng là trách nhiệm của họa sĩ Đông.
Trước câu trả lời này, họa sĩ Nguyễn Văn Đông nói: “Trách nhiệm làm rõ việc này là của nhà đấu giá nên việc mời hội đồng thẩm định hay những người có liên quan là việc của họ. Em đến đây vì khi Chọn công bố tác phẩm có chữ ký của họa sĩ Vũ Giáng Hương, em cũng đã rất mệt trước nhiều ý kiến cho rằng em chép tranh của bà”. Sau đó, họa sĩ bất ngờ cung cấp cho báo chí tin nhắn của con gái họa sĩ Vũ Giáng Hương yêu cầu anh làm cho ra nhẽ vụ này vì cho rằng bức tranh mà Chọn mang ra đấu giá không phải là tranh của mẹ mình.
Ngoài ra, họa sĩ Đông còn cho hay, anh đã liên hệ với sinh viên Bùi Thị Hằng hỏi về bức tranh thì được cô sinh viên cho biết đã bán cho một người lạ mà không ký tên lên tranh như anh dặn trước đó.
Rõ ràng, dù buổi đối chứng vẫn chưa có kết quả cuối cùng, nhà đấu giá Chọn đã đánh mất khá nhiều uy tín trong câu chuyện này.
Phạm Huy
Thị trường mỹ thuật trong nước lại nóng lên câu chuyện tranh giả, tranh nhái gây bức xúc cả người trong nghề và giới sưu tầm. Sự việc này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng vì chưa có chế tài xử lý nên việc dẹp nạn tranh giả không hề đơn giản.