Thứ trưởng Vương Duy Biên: Từ tượng đài Trần Hưng Đạo đến 'điêu khắc ý tưởng'

Thứ Bảy, 18/11/2017, 11:30 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Trở thành Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, rồi Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL; nhưng trên hết, Vương Duy Biên vẫn là nghệ sĩ. Và giờ đây khi "độ chín" đã tới, anh quyết định "khai mở" toàn bộ đời sống tinh thần của mình, những sáng tác ấp ủ nhiều năm qua, từ tranh lụa, sơn mài đến điêu khắc "ý tưởng" trong một không gian nghệ thuật đặc biệt tại tư gia ở Sóc Sơn, Hà Nội từ 17 - 20/11/2017.

Họa sĩ, nhà điêu khắc Vương Duy Biên. Ảnh: vanhien​​​​​​​
Họa sĩ, nhà điêu khắc Vương Duy Biên. Ảnh: vanhien

Thập kỷ 1990, Cuộc thi thiết kế tượng đài Trần Hưng Đạo tại thành phố Nam Định đã kết thúc với phần thắng thuộc về một cái tên còn khá mới mẻ lúc bấy giờ: Vương Duy Biên. Lúc đó anh mới ngoài 30 và đang công tác tại Nhà hát Múa rối Trung ương, nên tôi cứ nghĩ anh là người "ngoại đạo" với điêu khắc.

Thể hiện vị danh tướng huyền thoại từ thế kỷ XIII bằng ngôn ngữ hiện thực là một thách thức với hậu thế. "Tôi đã thể hiện chân dung Đức Thánh Trần bằng linh cảm" - chàng thư sinh với đôi kính cận hào hoa ngày ấy bày tỏ trên báo Thể thao & Văn hóa ngày đó.

Lễ khánh thành tượng đài Trần Hưng Đạo tại Nam Định năm 2000
Lễ khánh thành tượng đài Trần Hưng Đạo tại Nam Định năm 2000

2 thập kỷ đã trôi qua, và điều kỳ lạ là dường như "linh cảm" của anh giờ đã trở thành "khuôn mẫu" trong sự hình dung của nhiều người trong chúng ta về danh tướng Trần Hưng Đạo: tay phải cầm Hịch tướng sĩ, tay trái tì lên đốc kiếm. Cho nên không có gì khó hiểu lắm khi mẫu tượng đài của anh đã được "nhân bản" ra Trường Sa để giờ đây uy linh Đức Thánh Trần đang trấn giữ nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc.

Tượng đài Trần Hưng Đạo bên hàng cây phong ba tại Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa . Ảnh Bùi Ngọc Hải
Tượng đài Trần Hưng Đạo bên hàng cây phong ba tại Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa. Ảnh Bùi Ngọc Hải

“Bức tượng đã thể hiện sự trí dũng của bậc danh tướng, nhưng cũng thể hiện được tinh thần của dân tộc Việt Nam, một dân tộc không bao giờ muốn chiến tranh, luôn yêu chuộng hòa bình nhưng cũng luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù xâm lược” – anh tâm niệm.

Và cũng từ sau tượng đài Trần Hưng Đạo, tôi đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về Vương Duy Biên. Nổi tiếng là hoạ sĩ vẽ tranh lụa (ngay từ năm 1993, anh đã tổ chức triển lãm tranh lụa cá nhân tại Hà Nội và khá “ăn khách”, sau đó là hàng loạt những triển lãm cá nhân chất lượng của Vương Duy Biên được tổ chức ở nước ngoài như: Ba Lan, Nhật Bản, Pháp, Đức, Trung Quốc…).

Nhưng không dừng ở đó, cùng với sự tối giản của lụa và sơn mài, anh bộc lộ sự tài hoa hiếm có của mình với vai trò đạo diễn vở múa rối "Hồn quê", một sự kết hợp kỳ lạ giữa rối nước truyền thống với nghệ thuật sắp đặt hiện đại. Tôi luôn nghĩ rằng “Hồn quê” hay sau đó là “Chuyện tò he” chính là sự trả nghĩa của anh với nghệ thuật múa rối, nơi anh gắn bó nhiều năm với tư cách hoạ sĩ, Phó giám đốc rồi Giám đốc Nhà hát, nhưng ở đó vẫn không che giấu được khao khát sáng tạo của cá nhân anh.

Thật khó để xác định Vương Duy Biên đã "đổi mới" múa rối bằng cách đưa thêm nghệ thuật sắp đặt vào hay chính bộ môn nghệ thuật này, nhất là tạo hình quân rối, đã chi phối các sáng tác hiện đại của anh trên tranh sơn mài và cả trong điêu khắc "ý tưởng".

Không gian nghệ thuật đặc biệt tại tư gia ở Sóc Sơn, Hà Nội của anh hẳn sẽ là nơi anh trở về "là chính mình".

Hóa ra anh chưa vì công việc trên quan trường mà đánh mất nghề như nhiều người làm nghệ thuật bước vào quan lộ. Những sáng tác của anh đã nói lên điều đó. Và điều khá bất ngờ là vài cụm tượng của anh làm tôi giật mình. Anh còn nguyên chất của một nghệ sĩ phản biện bằng tác phẩm.

Tôi có cảm giác tác phẩm của anh lăn xả vào thời cuộc với nhiều gửi gắm nhắn nhủ nhưng nhẹ nhàng khoan thai của cái đầu tỉnh táo có văn hóa và có tri thức cuộc sống. Sự hóm hỉnh, giễu nhại ấy phảng phất từ trong nghệ thuật hài hước của truyền thống.

Anh tâm sự: "Tôi làm điêu khắc ý tưởng"! Anh không nói tôi cũng nhận ra ngay. Trong phòng chứa những tác phẩm đang sáng tác nhiều nhất là sơn mài, rồi tranh lụa, nhưng số đang hình thành cho những cụm tác phẩm điêu khắc thì theo tôi, nó vô tiền khoáng hậu, mở ra một lối thênh thang là điêu khắc ý tưởng thì rất tuyệt diệu. Nó đang hình thành những câu chuyện xã hội bằng tranh, cái mà ít người làm. Nó đang như một mảnh đất hoang chưa mấy ai khai phá và anh đã định dạng cho nó một cách minh triết như anh đã làm, đang làm và sẽ làm.

Xin lấy ra đây một số tác phẩm anh đang làm sau những ngày bận rộn ở quan trường, những ý tưởng mà tôi nghĩ là xã hội đang rất cần những tiếng nói mạnh mẽ này.

Tác phẩm "Chiếc ghế"  (điêu khắc Vương Duy Biên)
Tác phẩm "Chiếc ghế"  (điêu khắc Vương Duy Biên)

Ở tác phẩm Chiếc ghế, theo góc độ hữu hình thì là 1 chiếc ghế đang dần chìm trên mặt nước, những bọt nước nổi lên, người trên ghế không thấy đâu. Vậy là thân phận nhân vật không có mặt đã rõ! Tác phẩm cho ta luôn một suy tưởng vô hình mà thật triết lý: Bền vững nhất lâu dài nhất có lẽ không cần ghế mà ngồi ngay trên mặt đất thôi nhé. Tác phẩm để lại một dư âm buồn vui đan xen.

Tác phẩm "Kéo cưa lừa xẻ" (điêu khắc Vương Duy Biên)
Tác phẩm "Kéo cưa lừa xẻ" (điêu khắc Vương Duy Biên)

Ở tác phẩm Kéo cưa lừa xẻ, mới nhìn thật đơn giản, đó chỉ là một trò chơi trong ý tưởng mà không có thật trong cuộc sống. Đó là tượng hai thằng bé say sưa cưa một quả khế! Vật cứng nhất, cắt thứ mềm mại nhất, chả nhẽ chỉ là trò chơi, còn gì ẩn ý sau hình tượng này không? Tác giả nói với tôi: tượng này vui vui anh nhỉ, cưa quả khế chứ đừng cưa bom mà mất mạng! Một trò chơi vui vẻ khỏe người phải không?

Nhưng tôi giật mình nghĩ ngay: Không phải thế đâu, bạn định đùa tôi chăng?

Nhớ bài hát của Đỗ Trung Quân: "Quê hương là chùm khế ngọt/ cho tôi trèo hái mỗi ngày". Lại nhớ câu đồng dao "Kéo cưa lừa xẻ/ Ai khỏe về ăn cơm vua/ Ai thua thì về tí mẹ". Tuyệt vời!

Cùng một tác giả, lúc hài hước, lúc chính luận khiến người xem phải suy ngẫm nhiều trước các vấn đề được đặt ra và để tìm thấy câu trả lời cho mình. Có thể giống nhau mà có thể cũng khác nhau, nhưng rồi vẫn có điểm hội tụ như chiếc kính lúp lấy được lửa từ điểm hội tụ ánh sáng đó.

Nghệ thuật là sự phát hiện của nghệ sĩ, đến người thưởng thức tiếp một phát hiện nữa và sự bàn tán khôn cùng trên một tác phẩm đã định dạng!

Cưa khế an toàn ư? Đúng là an toàn hơn cưa bom thật…??! Nếu như ở ta, có một số vùng chơi chữ hoặc nói lái… thì Vương Duy Biên cũng chơi một thứ hình tượng thật hóm hỉnh: Quả khế thật mềm nhưng phải dùng cưa, mà lại là 2 cậu bé ngồi cưa… Anh cười với tôi: các em có thích cưa thì cưa khế thôi… đừng cưa bom mà nguy hiểm!? Có lẽ đó là một lời cảnh tỉnh nhẹ như thơ... Có phải thế không?

Đó là nghệ thuật đi vào cuộc sống. Đó là thứ nghệ thuật hàm chứa triết lí nhân sinh đậm đặc. Nhẹ nhàng mà sâu như vực thẳm. Tác phẩm dựa trên sự sắc sảo của văn hóa dân gian, có sức truyền cảm nhanh và đầy sức thuyết phục.

Ở tác phẩm Chum kinh nghiệm. Kinh nghiệm như những sợi dây được rút ra từ cái chum, hỏi trong cái chum hũ nút đó có bao nhiêu kinh nghiệm, thế mà mấy ông rút mãi không hết. Đó là một sự thật đã diễn ra trong nhiều năm tháng qua: sửa sai, sai sửa… Cái vòng luẩn quẩn đó xảy ra loanh quanh trong cái chum chắc là đầy chặt “kinh nghiệm”…

Tác phẩm "Chum kinh nghiệm" (điêu khắc Vương Duy Biên)
Tác phẩm "Chum kinh nghiệm" (điêu khắc Vương Duy Biên)

Đứng bên những tác phẩm này khiến người ta phải suy ngẫm về thế sự. Tác phẩm như một bài chính luận, còn hay và dễ hiểu hơn chữ nghĩa. Nói cho cùng nó cao và mạnh hơn chữ nghĩa vì dễ hiểu và ai cũng hiểu được!

Ở tác phẩm Mãn nguyện. Hì hục bắc thang leo lên cái ghế to quá khổ so với mình nhưng... lại khá mãn nguyện vì đã đạt được một điều có vẻ như quá sức. Bức tượng này sẽ là mở đầu cho một cụm liên hoàn câu chuyện về chiếc ghế, bao nhiêu kiểu ghế và bấy nhiêu cách lý giải về sự thành công hay thất bại!

Tác phẩm "Mãn nguyện" (điêu khắc Vương Duy Biên)
Tác phẩm "Mãn nguyện" (điêu khắc Vương Duy Biên)

Ở tác phẩm Ai bảo tôi không làm được?, câu chuyện ở đây rất hài hước, rất hay: Anh chàng đứng trong xô, nghiến răng dùng cơ bắp đang cố gắng nhấc cái xô lên, vẻ căng thẳng nhưng mù quáng, muốn thề sẽ làm được.

Tác phẩm "Ai bảo tôi không làm được?" (điêu khắc Vương Duy Biên)
Tác phẩm "Ai bảo tôi không làm được?" (điêu khắc Vương Duy Biên)

Họa sĩ Nguyễn Hoàng ở Sài Gòn xem xong phát biểu: “Nhà điêu khắc thiên tài người Pháp A Rodin (1840 - 1917) có tác phẩm bằng đồng có ý tưởng: người thanh niên nắm tóc mình cố gắng nhấc thân người khỏi mặt đất - tất nhiên không thành! Trong sáng tạo nghệ thuật nhiều ý tưởng trùng hợp nhưng hình thức biểu đạt khác nhau - Âu là lẽ thường tình!”

Tôi xin nối lời họa sĩ Nguyễn Hoàng: “Tác phẩm luôn là những câu trả lời cho một vấn đề cuộc sống đặt ra, và sáng tác của nghệ sĩ là câu trả lời những vấn đề đặt ra đó bằng hình ảnh mình tạo ra. Góc nhìn phương Tây và phương Đông khác nhau thì sẽ có những lý giải khác nhau. Nhìn tác phẩm này rồi liên hệ với cuộc sống hiện tại thấy có sự bi thảm đến tức cười cho những loại người não ngắn, đang cố làm cái việc vô bổ, nhầm lẫn trạng thái thành bi kịch! Còn nếu có ảnh hưởng thì đó là sự tiếp nối suy nghĩ của những nghệ sĩ mỗi thời đại! Người vĩ đại là biết đứng lên vai người khác...

Vâng, lại giật mình, vì câu chuyện phải diễn giải bằng nhiều trang giấy cũng không thuyết phục và dễ hiểu bằng hình ảnh anh chàng cơ bắp nắm chặt cái quai xô muốn nhấc mình lên, khi bản thân anh ta đứng trong xô. Xử lý một số vấn đề "nổi cộm" ở đâu đó có cái gì đó na ná câu chuyện này, bi và hài được đẩy lên cao độ!

Tôi chỉ lẩy ra 5 bức tượng mà anh đã làm để thấy được sự đa dạng trong suy tư của anh đã gửi gắm vào những tác phẩm…mà mỗi tác phẩm là một thông điệp nhỏ lại gợi được những suy ngẫm rộng hơn…

Thăm không gian nghệ thuật của Vương Duy Biên, nó vượt khuôn khổ của việc lãng du mà thành một buổi học thấm thía về sáng tạo của người làm nghệ thuật. Thực tế bạn tôi là người trong cuộc và anh nhìn thấy rất rõ về cái vực thẳm đáng ngờ của cuộc sồng hiện hữu, cũng như lờ mờ nhìn thấy sự giải thoát.

Tôi không muốn nói thêm về những tranh anh vẽ, và cả một sân khấu nhỏ có thể biểu diễn ca trù, múa rối trong khuôn viên nhà anh dù đó còn là câu chuyện dài sẽ rất thú vị mà tôi dành cho một dịp khác. Tôi e rằng nếu kể hết nó sẽ làm loãng đi cái ấn tượng “Điêu khắc ý tưởng” của anh khiến tôi vô cùng thích thú.

Những sân khấu, những tranh sơn mài anh đang làm, những bức lụa dở dang từ những năm khó khăn còn đó… tôi sẽ không kể lể trong bài viết này…Mà tôi nghĩ đó là chuẩn bị lâu dài của anh cho cuộc đời nghệ sĩ của mình khi rời quan trường. Đó là cái sâu xa của cuộc sống anh đã đặt ra trong các tác phẩm “ Điêu khắc ý tưởng” đã hình thành trong anh vuông vắn và khúc triết. “Quan nhất thời, dân vạn đại’- Ở cuộc sống quan trường mà không quên cái gốc gác nghề của mình, không quên cái bản thể làm nên mình thì đó là hạnh phúc bền vững của bạn tôi. Chức mừng anh!

Tôi ước một ngày nào đó những tác phẩm này sẽ hiện diện ở những công viên văn hóa, ở những quảng trường đi dạo. Nó là những phản biện sắc nét làm cho mỗi người có thể rút ra cho mình nhưng suy ngẫm nhân văn trong cuộc sống mỗi khi xem tượng. Những bức tượng không để mua vui, mà là trí tuệ sắc sảo chỉ ra những chân trời mới cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn!

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Cụ nội là nhà hoạt động văn hóa Vương Duy Trinh, bố là nhà phê bình mỹ thuật Vương Như Chiêm – nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mẹ là nhà báo, nhà văn Lý Thị Trung – nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô, Vương Duy Biên và người anh cả - Vương Học Báo đều là nhà điêu khắc.

Có một điểm chung giữa hai anh em điêu khắc gia "nhà họ Vương" đó là Việt Nam có 2 danh tướng lừng lẫy là Trần Hưng Đạo và Quang Trung thì hai anh em "nhà họ Vương" đã "đóng đinh" chân dung họ bằng 2 công trình tượng đài lớn.

Tượng đài Hoàng đế Quang Trung tại Gò Đống Đa của nhà điêu khắc Vương Học  Báo (Ảnh: Phương Anh)
Tượng đài Hoàng đế Quang Trung tại Gò Đống Đa của nhà điêu khắc Vương Học  Báo (Ảnh: Phương Anh)

Tại không gian nghệ thuật của em trai, khi trò chuyện về tượng đài vua Quang Trung tại gò Đống Đa, Hà Nội, tác giả Vương Học Báo hóm hỉnh chia sẻ: ai biết chân dung của vua Quang Trung thế kỷ XVIII như thế nào đâu? Thế nên tôi sáng tác tượng đài Quang Trung là căn cứ theo... mô tả của công chúa Ngọc Hân, vợ Ngài mô tả về Ngài thì hẳn là chính xác rồi: "Mà nay áo vải cờ đào/Giúp dân dựng nước xiết bao công trình".

Từ những tư liệu ít ỏi, bằng năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ, thậm chí bằng cả sự linh cảm đặc biệt, họ đã cống hiến cho công chúng mẫu tượng đài đi vào lòng người. Với Vương Duy Biên, sự nghiệp của anh trải rộng từ lụa, sơn mài đến sắp đặt múa rối, từ điêu khắc tượng đài hiện thực đến điêu khắc "ý tưởng" - cũng tức là trải rộng từ truyền thống tới hiện đại.

Thứ trưởng Vương Duy Biên nói về lùm xùm Hoa hậu Đại dương: BTC sai, thí sinh không sai

Thứ trưởng Vương Duy Biên nói về lùm xùm Hoa hậu Đại dương: BTC sai, thí sinh không sai

Như báo Thể thao & Văn hoá đã thông tin, hôm nay, Thứ trưởng Vương Duy Biên đã có những chia sẻ với báo giới xung quanh những lùm xùm ở các cuộc thi hoa hậu gần đây.

Đỗ Đức – Nguyễn Mỹ

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến