(Thethaovanhoa.vn) - Ngọc Giàu là một cô đào cải lương rất duyên. Bà không chỉ nổi tiếng trong các vai đào thương, mà còn bước sang lĩnh vực hài một cách ngon lành. Bà đóng cải lương, đóng kịch, đóng phim đều hấp dẫn như nhau.
Đại hội đại biểu Hội Sân khấu TP.HCM lần VII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) vừa kết thúc. NSND Trần Ngọc Giàu - tân Chủ tịch Hội, có cuộc trò chuyện ngắn với Thể thao & Văn hóa.
Còn nhớ, trước 1975, tuồng cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường ra đời trên sân khấu Dạ Lý Hương làm xôn xao cả Sài Gòn, sau đó được thu hình và phát trên đài truyền hình khiến cả Nam Kỳ lục tỉnh mê mẩn.
Những vai diễn để đời
Tôi còn nhớ lúc ấy mình chen với đám con nít trong xóm ngồi coi cái ti vi đen trắng, coi không biết mấy lần vì cứ phát đi phát lại đến thuộc lòng. Cặp nghệ sĩ Hùng Cường - Ngọc Giàu đẹp đôi và ăn ý vô cùng. Hùng Cường là Bạch Hải Đường, còn Ngọc Giàu là Nhung, người vợ phản trắc, được chồng yêu thương, chăm sóc đủ đầy, nhưng đã tố cáo chồng với cảnh sát và bỏ đứa con còn đỏ hỏn để đi theo tình nhân.
Về sau, gã tình nhân tên Cang (do kép đẹp Dũng Thanh Lâm thủ vai) lâm vào nghiện ngập, bắt Nhung đi làm nuôi hắn trong cảnh nghèo khổ, và đánh đập Nhung tàn nhẫn. Trong một trận xô xát, Cang đã đâm chết Nhung, đúng lúc Bạch Hải Đường vượt ngục trở về, lại đâm chết Cang trả thù cho vợ.
Câu chuyện đầy kịch tính, nhưng vẫn ngọt ngào chất cải lương, đặc biệt giọng ca của Ngọc Giàu và Hùng Cường thật trầm ấm, quyến rũ, nghe tới đâu rung động lòng người tới đó.
Ngọc Giàu nói: “Đây là dấu son trong đời nghệ thuật của tôi”. Quả thật, đây là lần hiếm hoi bà đóng vai làm người ta ghét, nhưng cuối cùng vẫn không ghét được, vì bà ca diễn quá giỏi, khiến cô Nhung từ chỗ gây ra bi kịch lại trở thành nạn nhân đáng thương. Và trong giọng ca ấy chứa đựng bao nhiêu chân thành hối lỗi, bao nhiêu tội nghiệp của dạng đàn bà nhẹ dạ, dễ bị rù quến bởi lời mật ngọt bên ngoài. Cuối cùng thì khán giả không ghét được mà lại mê mẩn cô đào.
Ngọc Giàu còn thành công trong rất nhiều vở như Anh hùng xạ điêu, Con gái chị Hằng, Nửa đời hương phấn, Nắng sớm mưa chiều, Đôi mắt người xưa… Và năm 1963 bà đoạt giải Thanh Tâm. Sau 1975 bà lại có thêm những đỉnh cao rực rỡ khác, như Thị Lộ trong Rạng ngọc Côn Sơn, bà Hai Hương trong Đời cô Lựu, người mẹ trong Tình mẫu tử, Dương Vân Nga trong Thái hậu Dương Vân Nga…
Nhưng vai diễn dễ thương cực kỳ chính là cô Bảy cán vá trong vở Đời cô Lựu. Một vai hài bất ngờ mà “để đời” luôn, đến nỗi từ đó bà chuyển sang hài và chạy sô mệt nghỉ, được gọi luôn là “danh hài”.
Năm 1984, Đời cô Lựu đi Pháp biểu diễn cho kiều bào xem, thành phần phải gọn nhẹ cho đỡ chi phí, vì vậy Ngọc Giàu đóng hai vai là bà Hai Hương và cô Bảy cán vá. Vai cô Bảy này trước kia chỉ là một vai phụ không có ấn tượng gì, nhưng vào tay Ngọc Giàu thì bà quyết làm cho nó đặc biệt hơn. Bà sáng tạo ra cái tay cán vá và giọng nói rất ngây thơ vì là gái quê đi giúp việc, kèm thêm giọng ca “đâm hơi” khiến ai nấy cười bể bụng.
Ngọc Giàu duyên dáng không thể tưởng, cho đến 35 năm nay bà vẫn được mời biểu diễn vai này trong các trích đoạn, trong các chương trình. Từ vai cô Bảy cán vá, bà rẽ luôn sang lĩnh vực hài kịch, đóng tiểu phẩm hoặc kịch dài đều ăn khách. Bà nói: “Duyên nợ bất ngờ! Tui không tưởng được có ngày tui thành… hề”. Từ đào chánh mà thành “hề” là một điều quá kinh ngạc. “Hề” là từ ngữ ngày xưa trong cải lương, bây giờ gọi là “hài”. Hài giờ hái ra tiền, được ái mộ dữ dội, không có gì mặc cảm. Ngọc Giàu diễn hài đẳng cấp đến nỗi các danh hài còn nể.
“Sự nghiệp” đầu đời của người con hiếu thảo
Ngọc Giàu sinh năm 1944 tại Thủ Thiêm, Sài Gòn. Nhà rất nghèo, cha của bà lái xe hủ lô (xe lu cán nhựa đường), còn mẹ thì mò cua bắt ốc nuôi một bầy con. Năm 7 tuổi, một hôm Ngọc Giàu thay mẹ xách cơm từ nhà ra đường để cha ăn. Giữa cảnh trưa nắng chang chang như đổ lửa, đường nhựa nơi cha làm việc bốc hơi nóng kinh người, Ngọc Giàu đứng khóc nức nở vì quá thương cha vất vả. Cô bé khấn: “Ông trời ơi, ông phù hộ cho con tìm được việc làm để đỡ đần cho cha. Làm gì cũng được miễn là mỗi tháng con có 5 đồng cho cha con được nghỉ ngơi”. 5 đồng là lương của cha lúc đó. Trong đầu óc non nớt của cô bé không biết mình nhỏ xíu mà làm việc gì được, nhưng lòng hiếu thảo đã xui cô bé khấn như vậy.
Không ngờ, năm Ngọc Giàu 10 tuổi phép màu đã đến y như lời khấn nguyện. Bà chủ quán bar Lệ Liễu bên quận 1 nghe đồn Thủ Thiêm có con nhỏ ca vọng cổ hay lắm, bèn tìm đến tận nơi. Nghe Ngọc Giàu ca xong, bà đề nghị ngay với gia đình Ngọc Giàu để cô bé hát cho Lệ Liễu mỗi tháng thù lao 10 đồng. Thế là từ đó, cả gia đình sống nhờ vào nghề hát của Ngọc Giàu, khá dần lên.
Ngọc Giàu đi hát cho nhiều gánh, nơi nào cũng trả tiền trước cho ông anh đem về cất nhà, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi nấng chị em. Cho đến gần 70 tuổi vẫn thấy bà phụng dưỡng cha chu đáo và chu cấp cho họ hàng khi cần thiết. Đến năm 103 tuổi, cha của Ngọc Giàu mới qua đời.
Hồi ông cụ còn sống, mỗi khi tới nhà, tôi đều thấy ông cụ nằm trên chiếc giường nhỏ đặt ngay phòng khách, còn Ngọc Giàu thì đi tới đi lui hỏi han cha, có khi đùa giỡn cho ông nghe. Bà nói: “Ông thích nhất là nghe tôi ca vọng cổ bằng giọng Huế. Không ai ca kiểu này đâu, nên tôi phải tổ chức live show cho một khán giả duy nhất, hi hi hi…”
Cha Ngọc Giàu gốc Huế, nên ông thèm nghe vọng cổ kiểu Huế. Sau này Ngọc Giàu có thu âm lại mấy bài như vậy, vô cùng lạ lẫm và độc đáo, quyến rũ. Ngọc Giàu “cưng” cha lắm, bà nâng niu cha một cách dịu dàng và hài hước, tôi cứ thấy ông cụ cười mãn nguyện.
Tìm được một bờ vai
Ngọc Giàu lận đận thời trẻ, có chồng rồi chia tay, rồi con gái chết, bà như điên dại. Sau này, bà kết hôn với một nhạc công của đoàn hát, và sống hạnh phúc mấy chục năm nay. Con gái bà (với người chồng sau) cũng sinh cháu ngoại cho bà, gia đình êm ấm. Hai vợ chồng quấn quít nhau không rời, buổi sáng hai người đi tập thể dục, buổi trưa cùng nấu ăn, hoặc ra ngoài ăn quán, khỏe re.
Buổi tối hễ bà đi hát thì ông lấy xe chở đi, còn không hát thì hai người ở nhà coi ti vi. Căn nhà trong một con hẻm thông thoáng tại quận 1, TP.HCM, tuy không lớn lắm nhưng đủ cho đôi vợ chồng lau dọn vừa sức. Bà nói: “Không cần thuê người, dọn dẹp coi như vận động vậy mà. Căn nhà này có bóng dáng cha tôi, nên tôi giữ nguyên”.
Ông xã của Ngọc Giàu đẹp trai, hiền lành, ít nói, nhưng vẫn cởi mở, vui vẻ. Từ lâu ông đã lui về hậu phương, không theo gánh hát nữa, để ở nhà chăm sóc cho vợ và cha vợ. Ông nói: “Nếu làm được một bờ vai an lành cho người phụ nữ của mình thì cũng tốt rồi. Tôi cũng không nhớ nghề lắm, thỉnh thoảng có thèm chơi nhạc thì chơi một chút xíu cũng đủ”.
Ông lặng lẽ sống bên bà, thanh thản làm một hậu phương như thế. Nhiều hôm từ rạp hát ra, thấy bà còn nguyên bộ mặt son phấn ngồi sau xe ôm eo chồng để chạy về nhà, thấy thương làm sao. Hạnh phúc hình như không có tuổi!
(Hỏi đáp quá khứ - hiện tại - tương lai)
Tôi chỉ muốn làm cái mới, nếu không làm được thì dừng
* Bà có hài lòng với cuộc sống hiện nay không?
- Làm nghệ sĩ nếu nổi tiếng thì thường trắc trở về gia đình, ông trời cho cái này thì mất cái kia. Nhưng tôi đã được đền bù rồi, tôi cảm ơn trời Phật và tổ nghiệp. Giờ tôi ít đi hát hơn vì đã ngoài 70, nhưng tôi không buồn. Chồng, vợ, con, cháu sum vầy là mãn nguyện nhất.
* Nếu thời gian quay lại thì bà ao ước gì?
- Tôi mong cha tôi còn sống. Tôi chỉ muốn phụng dưỡng ông mãi mãi. Báo hiếu không bao giờ đủ so với công lao sinh thành dưỡng dục.
* Về các tác phẩm nổi tiếng đã qua thì bà còn mong muốn gì nữa không?
- Thôi thôi (bà xua tay), đừng viết hoài nữa nha em. Cái gì đáng làm thì đã làm rồi, thời gian là đi tới. Tôi chỉ muốn làm cái mới thôi, nếu không làm được thì dừng. Cách đây mấy năm, tôi có ra mắt một album vọng cổ Đèn khuya cùng với nghệ sĩ Quang Thành được nhiều người khen ngợi. Giờ không có tác phẩm mới thì thôi, tôi không muốn nhắc đến những tác phẩm đã qua nữa. Nó đã làm tròn nhiệm vụ của nó”.
|
Hoàng Kim