(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 30/9 đến 02/10/2018 (tức ngày 21, 22, 23/8 năm Mậu Tuất) tại Khu Di tích Lịch sử Lam Kinh, Thanh Hóa sẽ diễn ra lễ kỷ niệm và lễ hội Lam Kinh năm 2018 với quy mô cấp tỉnh.
Đáng chú ý, năm 2018 là năm kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 585 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Chính lễ sẽ diễn ra vào lúc 8h00' ngày 01/10/2018 (tức ngày 22/8 năm Mậu Tuất) với các phần: rước kiệu vua Lê Thái Tổ và kiệu Trung Túc Vương Lê Lai theo nghi thức truyền thống, dâng hương, dâng chúc văn tế lễ và phần hội với chủ đề "Khởi nghĩa Lam Sơn - Thiên anh hùng ca giữ nước; ngoài ra còn có chuỗi các sự kiện: Hội chợ khởi nghiệp Họ Lê Việt Nam; Hội thi tìm hiểu truyền thống cội nguồn Lê Tộc; Liên hoan nghệ thuật quần chúng Họ Lê Việt Nam; Hội thảo khoa học với chủ đề "Anh hùng dân tộc Lê Lợi và nhân dân Thanh Hóa trong thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn"...
Lễ hội là dịp tôn vinh và tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, tướng sĩ và nhân dân có công lao to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước,là cách để lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử cũng như bày tỏ lòng biết ơn của con cháu đối với những vị vua, tướng đã anh dũng hi sinh vì sự tự do của nước nhà.
Để chuẩn bị cho sự kiện ý nghĩa này, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch, thành lập Ban tổ chức lễ hội, triển khai các nội dung công việc chuẩn bị cho lễ hội một cách khoa học, bài bản trên tinh thần ý nghĩa, trang trọng, thiết thực và tiết kiệm.
Tỉnh đã tổ chức nghe báo cáo kịch bản lễ hội, chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị các điều kiện cho việc tổ chức lễ hội, chỉ đạo huyện Thọ Xuân, Ban quản lý di tích Lam Kinh chỉnh trang lại khuôn viên di tích, lên phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, phương án phân luồng phương tiện giao thông đảm bảo cho việc tổ chức Lễ kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn và Lễ hội Lam Kinh năm 2018 diễn ra thành công, mang lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và nhân dân tham gia dự lễ.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh rộng 200 ha (nằm trên địa phận huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá), được xem là chiếc "nôi vàng" của những sự tích ngọc. Chuyện về một nhà sư già mách Lê Lợi táng linh xa vào mảnh đất hình quốc ấn. Thế đất xoáy ốc, trước mặt có núi Chiêu làm hương án, tả có núi Rồng chầu về, hữu có núi Hồ chầu lại, tay phải Hồ Thuỷ, tay trái Long Sơn liên kết như chuỗi hạt châu phát ngôi Thiên tử.
Chuyện về cây gươm thần do Lê Thận, người dân chài lưới trên sông dâng tặng, 10 năm theo Lê Lợi tung hoành trận mạc, để rồi sau khi đất nước thanh bình trả lại Rùa vàng làm nên sự tích Hồ Hoàn Kiếm giữa lòng thủ đô.
Chuyện về lá rau cải in hình quả Quốc ấn, người vợ Lê Lợi làm vườn bắt được quả ấn vàng có chữ Lê Lợi đề trên lưng ấn. Chuyện về cô gái áo trắng chết nằm bên sông hóa hồ ly đánh lạc hướng kéo đàn chó ngao cùng lũ giặc Minh chạy ra khỏi nơi Lê Lợi đang ẩn nấp, cứu nhà vua một phen thoát hiểm.
Chuyện về Lê Lai, lãnh tụ thứ hai của nghĩa quân, một trong số mười tám người ở Hội thề Lũng Nhai, đổi áo bào, nhận cái chết về mình, liều mình cứu chúa.
Huy Thông