Thăng trầm và những cuộc cải cách bất thành của chữ Quốc ngữ

Thứ Tư, 29/11/2017, 10:0 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) -  Trong dòng chảy vài trăm năm kể từ khi hình thành, chữ Quốc ngữ đã có những thay đổi nhất định. Và, trước khi có đề xuất "cải tiến" bảng chữ cái của PGS Bùi Hiền, một số chuyên gia cũng đã nghiên cứu và thử nghiệm điều này...

PSG.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, đã có cuộc chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về vấn đề trên. Ông nói:

- Thực tế, tất cả các bộ chữ tượng thanh trên thế giới, đặc biệt là các bộ chữ sử dụng hệ mẫu tự La tinh, đều bộc lộ những điểm bất hợp lý khi sử dụng. Bởi, khi xây dựng các bộ chữ này, người ta không thể có sự chính xác tuyệt đối trong việc khảo sát, đánh giá hệ thống âm vị hay chọn các con chữ phù hợp.

Tiếng Việt cũng vậy. Trong lịch sử, các nhà truyền giáo Phương Tây dù rất xuất sắc khi mô tả, quan sát và thể hiện hệ thống âm vị tiếng Việt thì họ cũng vẫn có những sai sót của mình. Nhất là khi, vì hệ thống chữ Latin không đủ tương ứng với hệ thống âm vị tiếng Việt nên người ta phải sáng tạo chữ khác để ghi cho đủ như: đ, ă, ô, ơ, ư, nh, th, tr..

 Tuy nhiên, khi được sử dụng trong đời sống và bộc lộ những điểm bất hợp lý, chữ Quốc ngữ cũng đã có những thay đổi nhất định theo thời gian. Có điều, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra theo cơ chế "tự điều chỉnh" của cộng đồng, chứ không thể áp đặt.

Chú thích ảnh
PSG.TS Phạm Văn Tình

* Cụ thể, cơ chế "tự điều chỉnh" diễn ra như thế nào?

- Nôm na thì đó là sự lựa chọn để tìm ra cách viết hợp lý nhất. Chẳng hạn, những âm vị có tới 3 kí hiệu như c, q, k cũng dần được định hình về cách dùng cho từng kí hiệu. Hoặc, trong quá khứ, đã có thời gian chúng ta dùng dấu gạch ngang giữa một từ ghép, ví dụ "cộng – hòa". Rồi, tên của tôi là Phạm Văn Tình, thì cũng đã từng có thời điểm được viết là Phạm văn tình hoặc Phạm văn Tình, tức là không viết hoa toàn bộ.

Cơ chế "tự điều chỉnh" ấy chủ yếu là do cộng đồng tự lựa chọn theo hướng mà họ coi là tiện dụng và hợp lý nhất. Chẳng hạn, dấu gạch ngang giữ một từ ghép sẽ gây bất tiện hơn khi viết. Còn nếu viết hoa toàn bộ một tên riêng, như "Trúc Khê Ngô Văn Triện" chẳng hạn, người ta sẽ hiểu được rằng đó là một tổ hợp từ khu biệt và nằm chung trong một khối.

* Vậy, trong sự phát triển của mình, chữ Quốc ngữ đã qua những giai đoạn thay đổi thế nào về cách viết?

- Để xác định cụ thể những thời điểm thay đổi trong dòng chảy của ngôn ngữ thì rất khó. Tuy nhiên, từ góc độ lịch sử, tôi nghĩ năm 1945 là một cột mốc quan trọng. Trước đó, chúng ta ở tình trạng mà giới chuyên môn gọi là "tam ngữ bất bình đẳng", tức là sử dụng cùng lúc 3 chữ viết: chữ Hán cho nhà Nho, chữ Pháp cho chính quyền và giới tây học, chữ Quốc ngữ cho lớp bình dân và một số người theo trường phái duy tân.

Chú thích ảnh
Đề xuất cải cách chữ của học giả Nguyễn Bạt Tụy vào giữa thế kỷ trước, với bài "Thu điếu" của Nguyễn Khuyến được viết theo cách mới.

Tuy nhiên, khi nước Việt Nam giành độc lập, chữ Quốc ngữ được sử dụng chính thức nên có cơ hội thể hiện mình, cũng như được cộng đồng nhìn nhận và trau dồi. Càng được toàn dân chú ý và quan tâm, nó càng trở nên tinh lọc và được loại bớt những gì phiền phức.

Tất nhiên, như đã nói, quá trình tinh lọc ấy diễn ra theo cơ chế "tự điều chỉnh" – vốn là đặc tính rất lớn của ngôn ngữ và chữ viết. Thực tế, đã có những chuyên gia đề xuất cải cách chữ viết, nhưng đều không thành công.

* Ông có thể thử lý giải về thất bại của những đề xuất cải cách này?

- Những người đề xuất cải cách đều là những học giả lớn và đáng tôn trọng như Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bạt Tụy, GS Hoàng Phê. Nhưng, khi đã được cộng đồng sử dụng quá lâu, việc thay đổi chữ viết sẽ chịu sức ép vô cùng lớn và rất khó để mọi người đồng thuận – dù người ta vẫn "đoán" được chữ cải tiến ấy.

Thẳng thắn, trong vấn đề chữ viết, cộng đồng luôn là yếu tố quyết định. Ví dụ, về lý thuyết, việc bổ sung các như J, F, Z vào bảng chữ cái cũng rất hợp lý. Nhưng, từ thời sơ khai, những từ ấy đã không có trong cuốntừ điển Việt - Bồ  - La của Alexandre de Rhodes. Và, khi nhìn thấy những chữ "lạc đội hình" như vậy trong tiếng Việt, người ta luôn cảm thấy khó có thể bằng lòng.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện.

Một số đề xuất cải cách chữ viết từ đầu  thế kỷ XX

 - Đầu thế kỷ XX, tại Hội nghị Quốc tế khảo cứu về Viễn Đông, đã có người đề xuất phương án thay một số con chữ như K thay cho C, Q; Z thay cho Đ, J thay cho GI.

- Quãng năm 1919, một số học giả như Dương Tự Nguyên, Nguyễn Văn Vĩnh cũng có các đề xuất cải tiến, chẳng hạn viết AA thay cho Â, EE thay cho Ê.

- Năm 1949, nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy đưa ra cuốn sách "Chữ và văn Việt khoa học", đề nghị dựa trên một số nguyên tắc âm học để thay đổi hệ thống chữ Quốc ngữ.

- Năm 1960, GS Hoàng Phê đưa ra đề án cải tiến chữ viết. Theo PGS Phạm Văn Tình, đề án này dài tới 60 trang, được viết khá công phu, với những cơ sở luận chứng khá rõ ràng,trong đó có đề xuất bỏ H trong GH, NGH; dùng F thay PH, dùng D thay Đthay Y trong I trong hầu hết  các từ trừ AY, ÂY

Cải tiến chữ Quốc ngữ: Dùng tiếng nói của người Hà Nội làm chuẩn thì quá sai

Cải tiến chữ Quốc ngữ: Dùng tiếng nói của người Hà Nội làm chuẩn thì quá sai

Ở phạm trù văn hóa, nói dùng tiếng nói của người Hà Nội làm chuẩn thì quá sai, bởi mấy lý do sau: Một là tiếng nói của người Hà Nội không phải tiếng nói đại diện cho cả dân tộc vì đó là tiếng địa phương.

Cúc Đường (thực hiện)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến