Sân khấu phía Nam mùa dịch Covid-19: 'Còn sống còn cựa quậy'

Thứ Năm, 11/2/2021, 9:17 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Năm nay, sân khấu “tổng kết” năm thấy quá nhiều khó khăn, bởi dịch Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, những nghệ sĩ sân khấu đã cựa quậy với một ý chí vô cùng đáng nể. Xem ra, mảnh đất nghệ thuật miền Nam tiềm ẩn một sức mạnh không đo lường được, đặc biệt là lĩnh vực xã hội hóa, các nghệ sĩ đã tự bơi, tự chòi đạp trong thị trường khắc nghiệt để được sáng đèn mỗi đêm.

Từ 'cái nôi' sân khấu - điện ảnh Việt Nam (kỳ 17): Hành trình 40 năm 'Đêm trắng'

Từ 'cái nôi' sân khấu - điện ảnh Việt Nam (kỳ 17): Hành trình 40 năm 'Đêm trắng'

Vở kịch Đêm trắng của Nhà hát Kịch Việt Nam do NSƯT Xuân Bắc đạo diễn đã chạm đến trái tim công chúng khi khắc họa thành công hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh với một thông điệp nhân văn “trừng trị để giáo huấn”...

Tết 2020 các đơn vị sân khấu xã hội hóa tưng bừng mở màn công diễn vở mới. Mỗi đơn vị đầu tư từ 300 triệu cho tới bạc tỉ vào các tác phẩm diễn tết, bởi mỗi vở phải trên 100 triệu, và thường thì mỗi đơn vị dựng 2 vở, hoặc nhiều hơn thì 3 vở. Diễn tại sân khấu nhỏ mới có giá đó, chứ đem ra Nhà hát Bến Thành thì bạc tỉ là bình thường, chẳng hạn vở cải lương Đam mê và quyền  lực của bà bầu Kim Ngân. 

Thất thu ngay từ đầu năm

Năm nào cũng vậy, mọi người đều mong diễn mùa Tết kéo dài cho tới hết mùa Xuân thì mới hy vọng lấy lại phần nào vốn liếng, để rồi vào mùa mưa coi như bù lỗ hoặc cầm chừng là may. Chính vì vậy, nồi cơm của ông bà bầu lẫn nghệ sĩ đều trông cậy vào mùa Tết.

Nhưng không ngờ, mới diễn có vài suất thì dịch Covid-19 tràn tới, hạn chế tụ tập đông người, rồi giãn cách xã hội, thế là các sân khấu đành đóng cửa. Vở Đam mê và quyền lực thì diễn đúng một suất hoành tráng, khán giả cực kỳ thú vị với chuyện thâm cung của Chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ, cũng đành tiếc rẻ chia tay không biết bao giờ sân khấu sáng đèn trở lại. 

Bà bầu Kim Ngân, cũng là “đào chính”, đóng vai Đặng Thị Huệ, than: “Các sân khấu kịch có địa điểm cố định còn đỡ, chứ như tôi muốn diễn thì phải hợp đồng thuê mặt bằng trước rất lâu mới giành được chỗ ở Nhà hát Bến Thành. Nhưng tình hình không biết ngày nào hết dịch, làm sao chúng tôi dám ký hợp đồng. Anh em tập tuồng quá vất vả, mà bị ngưng thật là tội nghiệp”. 

Chú thích ảnh
Vở “Đam mê và quyền lực” của sân khấu Kim Ngân. ảnh: H.K

Anh em nghệ sĩ thì tội nghiệp cho bà bầu đã nhốt vốn vào đó quá lớn. Đó là điểm an ủi, mùa dịch mọi người bỗng thấy thương nhau hơn, người này lo lắng cho người kia, trong khi bản thân mình cũng gồng người gánh chịu. 

Đạo diễn Hồng Trang còn tội hơn nữa, chị “làm bầu” cho nhóm kịch Đời, chuyên diễn trong quán cà phê, mà quán đóng cửa, nên anh em tứ tán. “Bình thường cát sê mỗi người chỉ có 150-200.000đ, mà giờ cũng không có luôn. Vừa đói vừa nhớ nghề. Vì diễn trong quán cà phê chúng tôi được diễn chính kịch như lòng mình mơ ước” - Hồng Trang than thở.

NSƯT Mỹ Uyên, NSƯT Thành Hội không những thất thu mà còn móc tiền túi ra hỗ trợ một phần lương cho anh em công nhân, hậu đài, bởi họ không thể chạy show gì được. Có người chạy xe ôm, đi làm thuê cầm cự qua ngày. Còn diễn viên cũng phải bỏ chữ sĩ diện, mà đi bán hàng online, hoặc buôn bán lặt vặt. Ai có mối quan hệ tốt một chút thì có vai đóng phim. Bởi phim quay từng phân đoạn, tập trung ít người, nên có thể hoạt động được trong mùa Covid-19. Tuy nhiên, phim cũng đóng máy khá nhiều, số còn hoạt động không đủ cho các nghệ sĩ chạy show. Thật là một năm vất vả.

Chú thích ảnh
Vở “Ngược gió” của Thế Giới Trẻ. ảnh: H.K

Quẫy đạp để bùng lên

Tháng 5, dịch tạm lắng xuống, sân khấu dè dặt mở cửa. Khán giả chỉ vào lai rai, vì tâm lý vẫn còn sợ sệt. Nhiều suất phải bù lỗ, nhưng các ông bà bầu vẫn cắn răng gánh chịu. Đến tháng 7, dịch lại phát hiện ở Đà Nẵng, sân khấu lại tiếp tục co cụm. 

Nhưng tháng 9 trở đi, sức sống lại bùng lên. Đây là mùa mà các đơn vị hằng năm vẫn dàn dựng một loạt vở mới, gọi là kế hoạch giữa năm, và họ đã “giữ lời” với khán giả. Hoàng Thái Thanh dựng Bàn tay của trời cực kỳ công phu, mới mẻ. IDECAF dựng Cậu đồngNgười lạ, người thương, rồi người dưng sâu sắc và cảm động. 5B làm luôn 4 chương trình gồm hai vở Bồ công anhChạy tràn đầy cảm xúc, đẹp lung linh, đồng thời ra mắt chùm hài kịch ngắn và vở kịch thiếu nhi. Thế Giới Trẻ dựng vở Ngược gió đặc sệt màu sắc miền Tây Nam bộ và làm khán giả khóc như mưa. Sân khấu cải lương Sen Việt dựng vở Truyền tích Cổ Loa xưa và Án tình đầy suy gẫm.

NSƯT Mỹ Uyên nói: “Chúng tôi ráng xốc không khí lên sau mùa dịch ảm đạm. Tự động viên nhau lấy lại tinh thần”.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Ái Như

Đạo diễn Ái Như: “Ngồi than hoài cũng đâu giải quyết được gì, cứ xông vô làm thôi. Thật sự đôi lúc kiệt quệ đến nỗi mình không biết mình còn tồn tại đến bao lâu. Nhưng còn sống ngày nào là cựa quậy ngày đó, sân khấu phải sáng đèn một cách tử tế”. 

Phải nói là một loạt vở chất lượng đã ra đời ngay trong mùa dịch, chứng tỏ sức sống mãnh liệt của người làm nghệ thuật phía Nam. Và đúng như Ái Như nói, làm nghệ thuật tử tế là điều mà các sân khấu xã hội hóa vẫn giữ vững lập trường. Thỉnh thoảng cũng có vở vui vui dễ tính chen vào, nhưng nhìn đại thể kịch mục vẫn là đa số vở gây dấu ấn tốt đẹp. 

Đạo diễn Hồng Trang tâm sự: “Ngay cả chúng tôi tuy diễn kịch cà phê nhưng nhất quyết không làm ẩu. Dù Covid-19 có tấn công cơ thể nhưng không tấn công được nghệ thuật. Covid rồi sẽ trôi qua, nhưng nghệ thuật sẽ còn lại lâu dài, nghệ sĩ không thể tự giết mình bằng sự dễ dãi”.

Và bây giờ, các đơn vị xã hội hóa đang chuẩn bị dựng vở cho mùa Tết 2021, hy vọng năm mới này sẽ hồi sinh tốt hơn. Sau 365 ngày bị dồn vào chân tường, họ vẫn quẫy đạp đến cùng, không chịu bó tay.

Cú hích cho sân khấu từ Bộ VH,TT&DL

 Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam là 2 trong số 12 nhà hát trực thuộc Bộ VH, TT&DL nhận được sự hỗ trợ đặc biệt sau đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Theo đó, để giải quyết những khó khăn trước mắt trong việc kéo khán giả trở lại rạp diễn, Bộ VH,TT&DL đã triển khai chương trình hỗ trợ cho 12 Nhà hát này luân phiên tổ chức biểu diễn tại những sân khấu lớn của Hà Nội như Nhà hát Lớn, nhà hát Âu Cơ, Nhà hát Chèo Kim Mã... Ngoài ra, nhiều đơn vị trực thuộc Bộ VH,TT&DL cũng mua vé ủng hộ cho các đêm diễn.

Theo chương trình này, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã có một số đêm diễn tại Nhà hát Lớn Việt Nam với vở cải lương Chuyện tình Khâu Vai. Trong khi đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng tổ chức một số đêm diễn cho chương trình Cướp biển 2020 tại Rạp xiếc Trung ương. Như chia sẻ của đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên, đây là sự hỗ trợ về tinh thần vô cùng giá trị của ngành văn hóa ở thời điểm toàn xã hội đang cố gắng khắc phục hậu quả và lấy lại nhịp hoạt động trong mùa dịch.

Hoàng Kim
TT&VH Xuân Tân Sửu 2021

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến