(Thethaovanhoa.vn) - Sau gần một thập kỷ xây dựng với chi phí ước tính 434 triệu USD, Bảo tàng Quốc gia Qatar trong hình hài của một bông hồng sa mạc sẽ khánh thành vào ngày 27/3 tới.
Du khách tới tham quan một bảo tàng nghệ thuật đương đại ở thủ đô Paris không chỉ cởi áo khoác mà thậm chí có thể lột bỏ hết quần áo mà tự do đi lại trong bảo tàng.
Lễ khánh thành hứa hẹn lung linh sắc màu huyền bí này dự kiến sẽ có sự tham dự của Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani, Quốc vương Kuwait Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah và Thủ tướng Pháp Edouard Philippe. Sau đó, bảo tàng sẽ mở cửa đón khách tham quan từ ngày 28/3.
Thiết kế nên bảo tàng đặc biệt này là kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Jean Nouvel - người trước đó cũng đã "tạo hình" cho bảo tàng Louvre ở Abu Dhabi. Trong một phát biểu trên Twitter về Bảo tàng Quốc gia Qatar, kiến trúc sư Nouvel cho biết công trình này thể hiện rõ nét sự tổng hòa của kế thừa di sản và phát triển tương lai.
Bảo tàng hình bông hồng sa mạc này là công trình độc lập có thiết kế bắt mắt nhất trong số tất cả các các tòa nhà vừa mọc lên tại Qatar - đất nước đang tích cực thay đổi diện mạo để chuẩn bị đăng caiVCK World Cup 2022. Bảo tàng Quốc gia Qatar có diện tích 52.000 m2, nằm ngay bên con đường ven biển ở khu cảng Doha, tọa lạc trên vị trí từng là cung điện của Sheikh Abdullah bin Jassim al-Thani - con trai của người đã tạo dựng nên tiểu vương quốc Qatar hiện đại.
Bảo tàng Quốc gia Qatar là công trình gây chú ý đầu tiên đối với du khách đến Qatar, khi họ di chuyển từ sân bay vào trung tâm thành phố. Dọc lối vào bảo tàng khu phá dài 900 mét, với 114 đài phun nước được chạm khắc tỉ mỉ, trong khi mái của bảo tàng trông giống như một trò chơi ghép hình khổng lồ, được tạo thành từ 76.000 tấm panel với 3.600 hình dạng và kích cỡ khác nhau.
Bên trong bảo tàng là một không gian rộng hơn 1.500 mét vuông để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Ấn tượng nhất trong số các hiện vật được triển lãm phải có lẽ là tấm thảm thêu từ thế kỷ 19, đính 1,5 triệu viên ngọc trai vùng Vịnh và bản thảo kinh Koran lâu đời nhất (từ những năm 1800) được phát hiện ở Qatar.
Theo giới chức Qatar, bảo tàng này là nơi ghi dấu lịch sử phát triển của Qatar - từ cộng đồng người Bedouin (người dân du mục gốc Arab) trong quá khứ cho tới một đất nước hiện đại, nhiều năng lượng, cũng như phản ánh sự giàu có và tham vọng lớn của quốc gia này. Ngoài ra, bảo tàng quốc gia này cũng được xem là tuyên ngôn chính trị của người Qatar trong cuộc chạy đua về văn hóa và quyền lực mềm giữa các quốc gia vùng Vịnh.
Thanh Phương/TTXVN