(Thethaovanhoa.vn) - Spotlight, bộ phim giành giải Oscar 2016, là câu chuyện có thật về các nhà báo của tờ The Globe trong cuộc chiến phanh phui các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ nhỏ trong giới linh mục. Phóng sự điều tra này được trao giải Pulitzer năm 2003 ở mục Phục vụ cộng đồng.
Pulitzer năm nay một lần nữa chứng minh báo chí vẫn luôn là vũ khí sắc bén trong tay các phóng viên khi họ tiến vào những “mặt trận” cam go trong cuộc sống thực.
Báo chí ở tiền tuyến
Sinh thời, Joseph Pulitzer phần nào giống như nhân vật Gail Wynand trong tác phẩm Suối nguồn của Ayn Rand: một chủ bút thích xuất bản những câu chuyện tình dục, xì-căng-đan nhưng đến cuối đời, ông lại học tập Alfred Nobel, lập nên một giải thưởng thật sự nghiêm túc để gỡ gạc danh tiếng.
Trong bối cảnh báo chí đang vấp phải nhiều chỉ trích, phát biểu tại lễ trao giải Pulitzer vào chiều 10/4 (giờ địa phương tại Mỹ), nhà điều hành giải Mike Pride khẳng định: “Trong những năm gần đây, tâm điểm chú ý nhắm vào sự sa sút của cả báo lớn và nhỏ. Thế nhưng, các tác phẩm chiến thắng tại Pulitzer nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không ở trong giai đoạn báo chí sa sút. Thay vào đó, chúng ta đang ở giữa một cuộc cách mạng”.
Thật vậy, những ai nín thở khi theo dõi những đoạn kịch tính trong Spotlight cần hiểu thực tế luôn khốc liệt hơn rất nhiều.
Tavon Tanner, nay đã 11 tuổi, đang cùng mẹ và chị gái đi trên vỉa hè West Polk khi bị bắn ngày 8/8/2016. Bé là nhân vật trong loạt ảnh đoạt giải Ảnh thời sự của tác giả E. Jason Wambsgans tại Pulitzer 2017
Năm nay, giải Phục vụ cộng đồng của Pulitzer trao cho loạt bài của tờ The Daily News và ProPublica nhờ phơi bày thực trạng lạm dụng luật cưỡng chế ra khỏi nhà của cảnh sát New York. “Cảnh sát New York tống cổ người dân ra khỏi nhà họ, ngay cả khi họ không phạm tội” là tựa đề bài “nổ phát súng” đầu tiên của Sarah Ryley, phóng viên 36 tuổi của tờ The Daily News. Ngay dưới đó là lời buộc tội, “và điều đó chỉ xảy ra ở các khu người thiểu số”.
Liên tục từ tháng 2/12 năm ngoái, một loạt bài khác trong cuộc điều tra do Ryley dẫn đầu đã lên báo, khiến chính quyền New York phải đưa ra những cải cách sâu rộng.
Ở mục Tin tức thời sự, tờ The East Bay Times được trao giải khi huy động tất cả mọi người, từ phóng viên điều tra tới các nghệ sĩ đưa tin về vụ cháy ở Oakland khiến 36 người thiệt mạng, tiết lộ những thiếu sót của thành phố trong việc ngăn chặn thảm họa và trao tiền cho Quỹ vì nạn nhân.
Còn giải Tin tức điều tra trao cho nhà báo Eric Eyre của tờ The Charleston Gazette-Mail vì đã dành nhiều năm, bất chấp những đe dọa, để vạch trần nạn lạm dụng thuốc kê đơn, gây ra tỷ lệ tử vong cao ở Tây Virginia…
Đặc biệt, ở mục Xã luận, nhà báo 59 tuổi Art Cullen, phóng viên kiêm biên tập viên, đồng thời sở hữu tờ báo nhỏ Storm Lake Times được vinh danh vì loạt bài “kiên trì, chuyên môn ấn tượng và lối viết hấp dẫn” đã phanh phui một vụ trọng án về môi trường ở Iowa. Ông Cullen là điển hình của một nhà báo đạo đức, sẵn sàng đả kích mọi đối tượng từ nông dân tới nhà cầm quyền sai trái.
Hơn 300 nhà báo trên khắp 6 châu lục cũng được tôn vinh vì nỗ lực vạch trần vụ Hồ sơ Panama.
Không ngần ngại động chạm những vấn đề nhạy cảm
Một trong những chủ đề nóng bỏng được theo sát tại Pulitzer năm nay là chính trị trong nước cũng như quốc tế. Trước lễ trao giải, nhiều người đã đặt câu hỏi rằng liệu David Fahrenthold, người đặt nghi vấn về “sự hào phóng của các quỹ” của ông Trump, có đoạt giải không? Câu trả lời là có.
Trong hơn 1 tháng sống tại Philippines, Daniel Berehulak đã ghi lại những hình ảnh đầy ám ảnh trong giai đoạn chính phủ nước này truy quét những kẻ buôn và sử dụng ma túy.
Ngoài ra, Pulitzer còn trao giải Tin tức quốc tế cho các phóng viên The New York Times về loạt bài nghiên cứu hoạt động của Tổng thống Nga Valadimir Putin nhằm tăng ảnh hưởng của Nga tại nước ngoài; giải Phóng sự cho nhà báo C.J. Chivers, người đã “họa bức chân dung” về một cựu chiến binh sau quãng thời gian ở Afghanistanqua với 18.102 con chữ đầy ám ảnh; giải Ảnh thời sự cho Dainiel Berehulak với những bức ảnh tàn khốc chụp lại xác người trong chiến dịch bài trừ ma túy của tổng thống Philippines Duterte.
Không những thế, giải cũng nhiều lần đề cập tới vấn đề phân biệt chủng tộc như trao giải Hoạt hình minh họa có nội dung phân biệt chủng tộc cho Jim Morin, giải Ảnh thời sự cho E. Jason Wambsgans với bức ảnh cậu bé 10 tuổi sống sót sau vụ nổ súng ở khu phố bạo lực tại Chicago, giải Phê bình cho Hilton Als vì những bài phê bình đặc biệt về vấn đề chủng tộc, giải Thơ cho Tyehimba về những mong ước của nghệ sĩ Mỹ gốc Phi, đặc biệt là giải Giả tưởng cho cuốn The Underground Railroad của Colson Whitehead, một phiên bản mới của The Beloved (Toni Morrison) về hành trình tìm tự do của nô lệ da đen Mỹ.
Tuy động đến nhiều vấn đề nhạy cảm trong Pulitzer năm nay nhưng tại sao báo chí vẫn không ít lần bị phê phán?
Câu trả lời có lẽ nằm ở lời nói của Mike Pride: “Bởi vì các nhà báo đưa ra những sự thật không dễ chịu, nên họ dễ trở thành mục tiêu đả kích. Nhưng chỉ cần bạn ngừng lại một chút để xem xét xã hội, nơi báo chí bị đàn áp, bạn có thể nhận thấy rằng dù có sai sót, một nền báo chí mạnh mẽ và tự do vẫn là nền tảng của dân chủ”.
Duy An (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa