Phú Quang, trong ánh chớp mùa Xuân (Kỳ 5 & hết): Giải thưởng - trao và nhận

Thứ Tư, 8/12/2021, 10:30 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - 40 năm cống hiến cho âm nhạc, trở thành một biểu tượng của tình yêu Hà Nội. Nhưng cho đến giờ, Phú Quang chưa được trao Giải thưởng Nhà nước là thiệt thòi. Bởi thế trong những ngày tháng 10/2020 đến nay, dù không máu mủ, tôi vẫn cứ lao vào thúc giục việc xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét giải thưởng này cho chú.

Phú Quang, trong ánh chớp mùa Xuân: Đại gia đình âm nhạc danh giá

Phú Quang, trong ánh chớp mùa Xuân: Đại gia đình âm nhạc danh giá

Phú Quang thường mời các con diễn trong đêm nhạc của mình. Dù là nghệ sĩ biểu diễn có tiếng, Trinh Hương – Bùi Công Duy vẫn bị bố nắn chỉnh khắt khe. Ông nói: "Mời con, là cái cớ đẹp để có kỷ niệm cha con, một cách khoe con sang trọng. Chứ không phải theo kiểu "của nhà trồng", "cây nhà lá vườn", tập cật lực, trả cát-xê đầy đủ".

LTS: Sáng nay, 8/12/2021, nhạc sĩ Phú Quang qua đời sau gần 2 năm chống chọi bệnh hiểm nghèo. Báo Thể thao & Văn hoá (TTXVN) trân trọng giới thiệu lại bài viết dài kỳ về Phú Quang của nhà thơ Vi Thuỳ Linh.

1. Mùa Thu 2020, mùa đẹp nhất của Hà Nội, mùa Thu đầu tiên Phú Quang không được đi dạo, ngắm phố phường. Đến khi nào Phú Quang được xuất viện, trở về? Không có câu trả lời. Đến khi nào Phú Quang có thể chơi đàn, trở lại sân khấu giao lưu, chỉ huy? Một đáp án xa vời!

Cuối 2018, xem Phú Quang là khách mời trong chương trình Giai điệu tự hào, tôi đã lo lắng khi chú không còn sự hoạt ngôn, hài hước (vốn được châu Âu đặt chuẩn đánh giá về một người đàn ông quyến rũ).

Nghệ sĩ piano Trinh Hương kể về năm 2020 bão tố của cha: "Ông suy thận lâu năm, viêm phổi. Tháng 3 vào Bệnh viện Đông Đô. Tháng 4 vào Bệnh viện Đại học Y, về lại ngất. Tháng 5, vào cấp cứu Bệnh viện Việt Đức 1 tuần. Thập tử nhất sinh hôm 10/5/2020 tại bệnh viện Việt Đức, qua cơn nguy kịch, Phú Quang chuyển về nằm ở A9 Bệnh viện Bạch Mai từ 20/5 và ở đây hơn 4 tháng li bì gần như không nhận biết được mọi việc. Khi điều trị tại Bệnh viện Đông Đô, trưa con gái mang cơm vào, chiều là vợ. Đến lúc nằm Bạch Mai thì nhạc sĩ ăn bằng đường ống".

Chú thích ảnh
Phú Quang (phải) và nhạc sĩ Văn Cao. Phú Quang làm đêm nhạc của 3 nhạc sĩ: Văn Cao - Trịnh Công Sơn - Phú Quang, họp báo tại nhà hàng Hoa Ban của Nguyễn Huy Thiệp và diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, 1994

Tôi thương chú quá, nhất là khi đọc bài, xem ảnh trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ngày 7/10/2020 mà chỉ có vợ, anh trai, con cả của nhạc sĩ lên nhận thay. Tôi chia sẻ với nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa sau đó: "Cảm ơn báo đã ghi nhận, tôn vinh nhạc sĩ nhưng giá mà trao sớm hơn, chỉ 1 năm thôi, khi Phú Quang còn khỏe, thì sẽ lưu dấu vào não ông, niềm vui lan tỏa, hiệu ứng giải cũng cao hơn".

Muộn còn hơn không. Hy vọng Giải thưởng Nhà nước dành cho ông cũng không bị muộn (sau lần bị đánh trượt vòng cấp Bộ 10 năm trước).

Tự dưng, tôi thấy mình phải lên tiếng, không thể chậm hơn. Đời người rất ngắn, nếu cứ định rồi để đấy, trôi trượt lại ân hận. Tôi quyết phải làm gì đó cho chú, tôi sợ khi nghĩ khả năng xấu nhất, nếu chú không vượt qua được thử thách bệnh tật.

2. Tôi đã liên lạc nhiều lần với nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam, và gọi điện nói chuyện với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội. Trưa 9/10/2020, tôi lại gọi tiếp tới nhạc sĩ Đức Trịnh. Ông nói: "Lãnh đạo Hội rất ủng hộ, nhưng gia đình có thuận không, có sẵn sàng làm lại hồ sơ không?".

Chú thích ảnh
Phú Quang và một tình bạn đẹp với diễn viên Lê Khanh. Trong ảnh nhạc sĩ đang cho cô em nghe đoạn nhạc từ máy cassette. Lê Khanh lúc này ngoài 30 tuổi, tay đang cầm chùm hoa cúc dại. Phú Quang viết nhạc cho một số phim Lê Khanh đóng và sau này hay mời Lê Khanh làm MC đêm nhạc của ông

Khai cùng đợt giải thưởng Nhà nước đợt này là nhạc sĩ Vũ Duy Cương - nguyên Chánh văn phòng Hội (2008 - 2015), là bạn thân lâu năm của Phú Quang. Tôi hẹn nhạc sĩ cùng đi thăm Phú Quang trưa 13/10 tại nhà 10, tầng 1, khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Việt Xô. Mới gặp đầu năm 2020, chú Phú Quang còn mở máy điện thoại khoe ảnh cháu ngoại, bé Duy Anh con của Bùi Công Duy - Trinh Hương, mà 2 mùa sau đã nằm một chỗ. Mấy tháng chú nằm A9 Bệnh viện Bạch Mai, tôi muốn vào thăm mà không được. Lệnh của giám đốc Bệnh viện: Giữ tiệt trùng, giai đoạn Covid-19 và vì nhạc sĩ quá yếu.

Ông từng phải đặt stent tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Con gái, con rể bay vào túc trực lo lắng cho cha. Rồi tai biến. Mỗi lần lấy đi sức khỏe một phần, cho đến lúc “sập”.

Khi đến thăm Phú Quang tại Bệnh viện Việt Xô, phải chờ "ôsin nam" thay bỉm. Anh Tới trạc tuổi 50, túc trực đêm và trông trưa, lúc được phép, vì buổi sáng khám, làm thuốc, người nhà, người phục vụ không được vào. Nhạc sĩ Vũ Duy Cương đến trước, đã trò chuyện với ông về tiến độ Giải thưởng Nhà nước. Tôi vào, đem theo bó hoa hồng. Phú Quang nhiều lần sang Nga, có mối tình nơi ấy, đã viết bài Chiều Đông Moskva, có câu: "Xin em xin em xin em, thêm một lần nữa, dù vẫn biết mai là giã từ/ Mai đây khi trong xa xôi, xin người hãy nhớ/ Dẫu tình yêu là những cơn mơ". Dù là cơn mơ thì cuộc sống cũng cần lắm, dẫu chỉ ngắn ngủi, cũng không thể ngừng yêu sự sống và thôi hy vọng.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phú Quang trên sân khấu

Tôi bước vào chào chú, xưng tên, nhạc sĩ cười, chớp mắt gật đầu nhẹ. Tôi quen nói nhanh, cố nói chậm lại vì Trinh Hương nhắc: "Ông không nghe kịp", còn nói thêm: "Nếu bố không nghe hết, thì chị sẽ nói lại khi mọi người về". Tôi báo với chú, mọi người giục lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam giúp hoàn thiện hồ sơ, trình lên cấp trên và lần này không thể trượt vì chú thừa tiêu chuẩn rồi. Cháu làm không chỉ vì quý trọng tài năng chú, vì tình chú cháu, mà còn trong tư cách nghệ sĩ sáng tạo, thay mặt đồng nghiệp ủng hộ và công chúng.

Gương mặt Phú Quang hồng, mắt cười, vóc gầy rộc. Còn đâu phong độ hào hoa 1m72 như minh tinh điện ảnh. Ông dùng loại sữa đặc biệt 500 - 700 nghìn/ngày. 5 tháng qua, tiền công cho anh Tới là 450 nghìn/ngày.

Phú Quang chủ quan không mua bảo hiểm. Trước khi ngã bệnh, ông đã bán ô tô Camry. Thuốc thang, chăm sóc, viện phí gần 1 năm nay tiền tỷ mà theo con gái lớn của nhạc sĩ thì "chưa biết ngày nào có thể về nhà". Miệng ăn núi lở, ốm lâu thì tiền đâu mà gánh mãi. May Phú Quang được cung bạn tốt, người hâm mộ các lĩnh vực đỡ đần mới cầm cự đến hôm nay.

Phú Quang được cả đường con cái. 3 người con của nhạc sĩ đều thân thiết với nhau. Phú Quang vẫn nói: "Đối xử công bằng với cả 3 đứa", đều cho học piano, nhưng chỉ con gái lớn là theo được âm nhạc và có vị trí thành đạt. Trinh Hương xứng chị cả, không nói nhiều, không bày tỏ, không kêu ca, biết cư xử chu toàn, hợp lẽ.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phú Quang trên sân khấu

Bận dạy học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Trung tâm Sense Art (trụ sở tại Nghi Tàm - Hồ Tây và Hoàng Sâm - quận Cầu Giấy), Trinh Hương vẫn dành thời gian thăm bố mỗi khi có thể, thường là vào các buổi trưa. Chị trò chuyện, cắt móng tay, móng chân cho bố. Chị muốn bố nắm được các thông tin, kể cả thời gian, thời tiết, chứ không bất lực bế tắc trên giường bệnh, cách biệt mọi mặt với cuộc sống bên ngoài. Khi tôi động viên chị: "Cố gắng nhé, trường kỳ gian khổ đấy!", Hương khẽ khàng: "Có gì phải cố đâu, bố mình mà".

3. Giờ đang đợt rét nhất mùa Đông, người đàn ông sinh mùa Hè (8/7/1949), được khai sinh mùa Thu, nhạc sĩ tài hoa chu du mấy châu lục đâu ngờ có ngày nằm một chỗ, sẽ phải đón Tết trong bệnh viện, không biết khi nào được về nhà, dù "vội vã".

Từ tháng 10, ông được chuyển lên nằm điều trị ở tầng 4 cùng tòa nhà 10, Bệnh viện Việt Xô. Ông thích nghe nhạc và chơi đàn, giờ những sở thích đam mê ăn vào nếp sống ấy cũng không thể thực hiện nổi.

Phú Quang yêu hoa, thiên nhiên, sống tình cảm. Ông thích ngắm hoa, thăm vườn nhà ông và nhà con cả đều có cây khế, lộc vừng và đàn Yamaha. Dương cầm thân quen của ông đã lâu không mở nắp, 88 phím đen - trắng vắng đôi bàn tay mềm lướt. Thú uống cà phê, hút xì gà cùng bạn đã phải dừng.

Gần 30 năm bị tiểu đường, Phú Quang dũng cảm nhận, còn quảng cáo máy đo đường huyết. Nói dũng cảm, vì sinh lực đàn ông bị ảnh hưởng khi bị mắc bệnh này, loại bệnh đang phổ biến và khó chữa khỏi. Phú Quang ngoại lệ. Ông không vì bệnh mà "cai yêu", thiếu cuốn hút. Nhưng ông không ngờ bị “sập” vào Hè năm ngoái.

Cập nhật tình hình, Trinh Hương cho biết: "Bố tôi hiện ở tình trạng yếu ổn định. Do nhiều bệnh nền, nên chỉ giữ được ổn định là tối ưu rồi. Tôi rất tiếc, trong thời gian bố nằm viện kéo dài, kho ảnh trong phòng bố đã mốc hỏng nhiều. Vừa rồi, em út ra thăm bố mang vào Sài Gòn để scan và lưu, chỉ cứu vãn được một phần. Năm ngoái, tôi mất máy điện thoại nên thật đau lòng khi chỉ còn vài tấm ảnh chụp với ông".

"Làm sao về được mùa Đông/ Mùa Thu cây cầu đã gãy". Lời hát trong bài Nỗi nhớ mùa Đông. Cầu gãy thì còn cầu âm nhạc, âm thanh. Cầu từ những lời cầu chúc của bạn bè, người hâm mộ dành cho Phú Quang. Cầu từ chính khao khát được sống, sáng tác được trở về bên cây đàn, bên người ruột thịt, với các ái hữu, người hâm mộ đợi chờ.

Những bản nhạc sẽ cho sức sống của nhạc sĩ vượt qua hữu hạn đời người, qua tuổi sinh học. Nhờ tình yêu, Phú Quang có 2 bản nhạc viết cho flute solo tuyệt vời.

Nắm bàn tay Phú Quang như khuông nhạc nóng ấm, tôi tin ông sẽ cảm nhận âm hưởng phép màu bởi dù qua tuổi 70, Phú Quang vẫn nuôi được tâm hồn thanh xuân trong âm nhạc và khát khao sáng tác, chơi guitar, piano, kèn cor như thói quen lúc khỏe thường ngày…

Phú Quang - “nhà Hà Nội học”
của nền âm nhạc Việt Nam

Lần đầu tiên trong lịch sử cầm bút hơn 5.000 tác phẩm báo chí của tôi, có một feuilleton (bài nhiều kỳ) dài tới 5 kỳ về một nhân vật, đó là nhạc sĩ Phú Quang. Tôi đã dành cho Phú Quang 26 trang viết (đánh máy A4), điều chưa từng có và muốn sẽ có nhiều điều chưa từng có nữa, khi tôi dám sống và viết không khi nào thực dụng và hời hợt.

Một "cơn bão" ký ức về thanh xuân 20 năm trước. Một ngọn lửa bền cháy niềm tin vào phép màu cứu Phú Quang và những người tài, tử tế tôi hằng yêu mến. Một giấc mơ tràn phù sa khứ hồi tương lai mong đợi.

Đã bao nhạc sĩ viết về Hà Nội, nhưng Phú Quang là một dấu ấn Hà Nội nguyên chất thanh quý, kiêu sang, lãng tử, hào hoa. Hà Nội nên thơ, đầy chất thơ và nét gợi của thanh tao, sâu sắc, tinh tế. Hà Nội tinh hoa hơn trong âm nhạc hay nhờ âm nhạc Phú Quang mà Thủ đô đậm chất hơn, giữ - tỏa - lưu những giá trị kinh điển thành hằng số văn hiến.

Phú Quang đã im lặng gần năm nay vì bệnh, phải lưu trú trong bệnh viện. Lần đầu tiên, ông ăn Tết xa nhà ngay trong lòng Hà Nội. Tuổi Sửu đón năm Tân Sửu sao quá gian nan???

Nhưng không thể không sống với những niềm tin và hy vọng. Hà Nội cần Phú Quang và ông hiểu. Tốn kém tiền tỷ mà vẫn chưa biết ngày về. Phú Quang trụ được cả vì nhiệt lượng tích cực mà người thân, bạn bè, công chúng, người hâm mộ cùng hợp lực nâng ông qua thác ghềnh bằng nhiệt tình quan tâm, ủng hộ tinh thần và vật chất.

Đánh giá một con người cần xem hộ chiếu tâm hồn. Đánh giá văn hóa của Hà Nội thì không thể thiếu sót âm nhạc. Phú Quang là một “nhà Hà Nội học” của nền âm nhạc Việt Nam. Nhiều thành phố ước có Phú Quang!

Vi Thuỳ Linh

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến