(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2017, phim truyền hình Việt có những tín hiệu vui bởi đã có những bộ phim hấp dẫn, lôi cuốn khán giả màn ảnh nhỏ. Dù vậy, điều đáng phải suy nghĩ, hầu hết những bộ phim ăn khách đều mua kịch bản từ nước ngoài.
Năm 2017 ghi nhận sự thay đổi lớn đối với phim truyền hình Việt Nam, với sự bùng nổ của những bộ phim “bom tấn”, đầu tư nhiều công sức và được đông đảo khán giả đón nhận.
Nối dài danh sách phim truyền hình ăn khách
Được quan tâm và tìm kiếm nhiều nhất trên Google là 3 bộ phim truyền hình: Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, và Gia đình là số 1.
Trong đó,phim Người phán xử (47 tập) thuộc thể loại tâm lý tội phạm, kịch bản được làm lại từ bản phim truyền hình ăn khách của Israel. Câu chuyện trong phim xoay quanh nhân vật chính là ông trùm xã hội đen Phan Quân (do nghệ sĩ Hoàng Dũng đảm nhiệm), cùng ba người con Phan Hương (Thanh Hương), Phan Hải (Việt Anh) và Lê Thành (Hồng Đăng).
Khơi gợi đề tài băng nhóm tội phạm cùng những mối quan hệ gia đình, tập đoàn phức tạp và kịch tính, Người phán xử nhận được sự quan tâm lớn của khán giả. Bộ phim giành được giải thưởng ở 2 hạng mục danh giá là giải Phim truyền hình ấn tượng và Diễn viên nam ấn tượng (NSND Hoàng Dũng) tại lễ trao Giải thưởng Truyền hình VTV 2017.
Phim truyền hình “bom tấn” thứ hai là Sống chung với mẹ chồng (34 tập), kịch bản chuyển thể từ một tiểu thuyết của Trung Quốc, do NSƯT Vũ Trường Khoa làm đạo diễn. Sống chung với mẹ chồng đề cập tới vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ hết bàn cãi trên phim, truyện, cũng như cuộc sống đời thường, đó là mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Bộ phim được đông đảo khán giả quan tâm khi phát sóng.
Giữ vị trí cao trên bảng xếp hạng tìm kiếm của Google năm 2017 còn có phim Gia đình là số 1. Phát trên HTV7 từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, đến nay Gia đình là số 1 đã lên sóng được gần 190 tập. Ngoài rating cao, Gia đình là số 1 còn có số lượt xem online trên kênh YouTube rất lớn, mỗi tập phim đạt từ 2-7 triệu views. Gia đình là số 1 là phim sitcom Việt được làm lại từ series High Kick (2006-2007) của Hàn Quốc, phim được yêu thích bởi sự hài hước, gần gũi.
Bên cạnh đó, năm 2017 ghi nhận nhiều bộ phim của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) cũng được khán giả quan tâm như: Mátxcơva - Mùa thay lá, Tuổi thanh xuân 2,Ghét thì yêu thôi, Ngược chiều nước mắt, Thương nhớ ở ai, Cả một đời ân oán...
Có thể thấy, hướng đi mới của các nhà sản xuất phim truyền hình năm qua đó là Việt hóa lại các kịch bản phim “hot” quốc tế, tạo cho bộ phim cách kể chuyện nhanh, hiện đại, mô tả những tình tiết gay cấn, bất ngờ không thể đoán trước đã níu chân khán giả dừng lại trước màn ảnh nhỏ.
Điểm sáng phim truyền hình kịch bản Việt
Dẫu vậy, không thể phủ nhận một điều, nếu không có các bộ phim chuyển thể kia, phim truyền hình Việt năm qua còn nghèo nàn, kém sức hấp dẫn. Đó là chưa kể, những người sản xuất phim cũng phải thừa nhận, Việt hóa kịch bản phim nước ngoài là công việc mạo hiểm, tốn nhiều thời gian, công sức và không phải bộ phim nào cũng thành công như mong đợi.
“Với kịch bản phim quốc tế, chúng tôi phải mất vài năm nghiên cứu và thực hiện. Các yếu tố khác biệt về lối sống, văn hóa giữa các quốc gia đều phải nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh tình trạng khán giả cảm nhận mình đang xem phim nước ngoài” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam - cho biết.
Thời gian và công sức đầu tư cho một bộ phim Việt hóa kịch bản không ít, kèm theo đó là những rủi ro, khiến cho số lượng những “bom tấn” truyền hình không nhiều. Việc phụ thuộc vào kịch bản cũng không hẳn là phương án khả thi, có thể sử dụng lâu dài và chắc hẳn cũng không phải là điều các nhà sản xuất mong muốn. Vừa qua, Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2017 cũng không nhận các bộ phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài, cụ thể là hai bộ phim “đình đám” của năm 2017 Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử không được tham dự. Đó được xem là điều rất đáng tiếc.
Hiện tại, bộ phim Cả một đời ân oán với diễn biến nhanh, kịch tính, nối dài thêm danh sách những bộ phim truyền hình Việt hóa ăn khách. Còn các bộ phim có kịch bản trong nước như: Ghét thì yêu thôi, Ngược chiều nước mắt, Thương nhớ ở ai… được ghi nhận là một vài điểm sáng phim truyền hình Việt, thu hút được khán giả nhờ sự đầu tư kỳ công, đầy tâm huyết của những người sản xuất. Từ đó, khán giả cũng hoàn toàn có quyền kỳ vọng, trong tương lai sẽ ngày càng có nhiều phim truyền hình Việt đáng xem.
Đành rằng phim là tác phẩm hư cấu, không nhất thiết phải kể câu chuyện thật, nhưng nhìn vào phần nhiều các vai nữ chính trên truyền hình Việt hiện nay, chỉ thấy vài ba tính cách xấu đơn điệu được tập trung khai thác.
Tiểu Phong