(Thethaovanhoa.vn) - Điện ảnh Việt Nam hiện nay đang rất thiếu kịch bản phim truyện độc đáo và có chất lượng. Và cuộc thi "Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh 2020" do Cục Điện ảnh tổ chức, nhằm "gỡ rối" cho thực trạng này.
Chiều 14/9, tại Hà Nội, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát động cuộc thi Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh 2020.
Tại sự kiện lễ phát động cuộc thi chiều 14/9 tại Hà Nội, những người yêu điện ảnh bày tỏ những băn khoăn, trăn trở của mình.
Báo động tình trạng thiếu kịch bản hay
Vấn đề lớn nhất theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành là điện ảnh Việt Nam hiện nay thiếu kịch bản phim truyện hay, độc đáo: "Thực tế gần đây, một số đơn vị sản xuất phải đi lấy cốt truyện, kịch bản phim của nước ngoài rồi Việt hóa thành kịch bản phim của Việt Nam. Đây thực sự là vấn đề đáng ngại".
Cũng theo Cục trưởng Cục Điện ảnh, cách đây 10 năm, Cục Điện ảnh có tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản chủ đề 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cùng với giải nhất Long thành cầm giả ca, có thêm 3 phim được đưa vào sản xuất bao gồm: Nhìn ra biển cả, Những người viết huyền thoại và Nhà tiên tri.
Năm 2015, Cục Điện ảnh tổ chức trại sáng tác thu nhận 13 kịch bản, một trong số đó được lựa chọn sản xuất là Người yêu ơi (tác giả Đỗ Bích Thúy), nhưng tiếc là đến giờ chưa thể thực hiện bởi kịch bản giao cho Hãng phim truyện Việt Nam. Hiện tại, Cục Điện ảnh đã duyệt 2 kịch bản nhà nước cấp kinh phí, sản xuất vào năm 2021 là Hồng Hà nữ sĩ nói về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và Phơi sáng về đề tài chống tham nhũng.
Theo nhận định của ông Vi Kiến Thành, 5 năm mới có một cuộc thi sáng tác kịch bản là quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền điện ảnh nước nhà. Xuất phát từ thực trạng cấp bách đó, Cục Điện ảnh tổ chức cuộc thi "Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh 2020"với mong muốn góp phần tạo ra nguồn kịch bản phim truyện điện ảnh cho các phim nhà nước đặt hàng và cho các đơn vị, các dự án sản xuất phim truyện có thêm sự lựa chọn.
Điểm đáng chú ý: Cuộc thi này có có chủ đề rộng và mở. Ngoài các đề tài truyền thống lâu nay mà phim nhà nước đặt hàng vẫn chú trọng như đề tài về lịch sử, chiến tranh cách mạng, văn hóa dân tộc và thiếu nhi... thì các đề tài liên quan cuộc sống văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới cũng được chú trọng và chào đón.
Việc mở rộng chủ đề sáng tác được đạo diễn Bùi Tuấn Dũng ủng hộ. Anh cho rằng: "Vẫn sẽ có những phim đề tài xã hội có tính nhân văn cao, mà vẫn thực hiện được nhiệm vụ, yêu cầu của Đảng và Nhà nước, đâu nhất thiết cứ phải làm phim về đề tài chiến tranh, cách mạng. Vấn đề chống tham nhũng, kinh tế, tình yêu, tuổi trẻ… đều có thể thực hiện sứ mệnh này”.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đồng ý và khẳng định thêm: "Dù kịch bản để tuyên truyền thì cũng phải có tính nghệ thuật, phải có người xem, nếu không thì cũng là thất bại".
Trong khi đó, nhà biên kịch Nhuệ Giang có chút băn khoăn: "Đôi khi ban giám khảo thấy kịch bản hay nhưng chỉ vì hơi nhạy cảm đã sợ và gạt đi. Phim phải có câu chuyện hấp dẫn, có vấn đề thì mới đáng xem. Tôi cũng băn khoăn việc xét kịch bản chỉ để ý đến đề tài, mà không để ý tới tính nghệ thuật".
Giám khảo có tâm, có tầm và cởi mở
Bên cạnh đề tài, những nhà biên kịch, đạo diễn, nhà văn... bày tỏ băn khoăn về hội đồng giám khảo phải là những người thực sự có tầm, có tâm, cởi mở để phát hiện kịch bản hấp dẫn, đột phá và mới mẻ.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh tầm quan trọng của hội đồng giám khảo và quy chế chấm giải. "Nếu các cuộc thi không làm chặt quy chế chấm giải thì nghệ sĩ ngay lập tức có xu hướng nể tình mà bầu chọn cho nhau. Tôi không đồng tình hình thức bầu phiếu kín, vì không ai chịu trách nhiệm về lá phiếu của mình. Các vị giám khảo cần minh bạch, công khai tranh luận đến cùng để bảo vệ ý kiến cá nhân" - ông nói.
Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đề xuất: “Hội đồng chấm thi phải hoàn toàn là những nhà biên kịch" và những giám khảo sẽ phải tranh luận để tìm ra được kịch bản chất lượng.
Trong khi đó, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng có ý kiến trái ngược rằng, thành phần hội đồng giám khảo ngoài những nhà biên kịch cần có nhà sản xuất, đạo diễn. Anh nói: "Đừng nghĩ những người không chuyên về điện ảnh thì vai trò của họ kém quan trọng. Họ có ý tưởng, sự phát hiện, tư duy, lý luận vững chắc và có tầm bao quát về các vấn đề xã hội".
Cục trưởng Vi Kiến Thành ghi nhận các ý kiến: "Chúng tôi không dám hứa đó là hội đồng tuyệt hảo, nhưng sẽ là tốt nhất có thể, là những người có nghề, am hiểu về điện ảnh, kịch bản điện ảnh và có tâm. Đội ngũ biên kịch hãy cứ mạnh dạn sáng tác".
Thành công là phải có... phim hay!
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh hi vọng, cuộc thi "Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh 2020" sẽ nhận được 40-50 kịch bản tham dự. BTC dự định, những kịch bản giành giải Nhất, Nhì sẽ được đưa vào kế hoạch sản xuất phim đặt hàng của nhà nước. Những kịch bản tốt còn lại sẽ được BTC giới thiệu, vận động các đơn vị ngoài xã hội sử dụng.
"Tìm kịch bản hay đã khó nhưng nếu có kịch bản hay rồi mà không được đưa vào sản xuất, không có phim hay thì cuộc thi mới chỉ là thành công một nửa" - theo ông Vi Kiến Thành.
|
Tiểu Phong