(Thethaovanhoa.vn) – Vai diễn Tí Hin trong phim Thương nhớ ở ai là em gái chủ tịch xã, tính tình điệu đà, lẳng lơ, vô duyên và rất chua ngoa đanh đá.
Đảm nhiệm vai “bà cán bộ xã Tí Hin” trong bộ phim truyền hình Thương nhớ ở ai đang được đông đảo khán giả quan tâm, diễn viên Trương Phương chia sẻ với PV báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) những điều thú vị về vai diễn gây nhiều tranh cãi này.
Tôi chấp nhận xấu để… chân thực
* Xin chào Trương Phương! Chúc mừng chị và ê-kíp vì bộ phim “Thương nhớ ở ai” đang nhận được những phản hồi tích cực của khán giả. Đặc biệt là vai diễn “bà cán bộ xã Tí Hin” do chị đảm nhiệm cũng gây sự chú ý đối với đông đảo khán giả. Cảm xúc của chị thế nào, chị có bất ngờ không khi phim và vai diễn của mình được đón nhận nồng nhiệt như vậy?
- Cảm ơn bạn. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và bất ngờ khi vai diễn Tí Hin lại được khán giả quan tâm, yêu thương tới vậy. Thực sự khi nhận vai diễn này tôi khá lo lắng vì đó là lần đầu tiên tôi thử sức ở dạng phim thời xưa.
Tôi có nói chuyện với đạo diễn Bùi Thọ Thịnh: "Em chỉ sợ em không qua trường lớp đào tạo, và không có nhiều kinh nghiệm diễn xuất sẽ làm hỏng mất Tí Hin".
Nhưng anh Thịnh đã nói với tôi: "Em cần học hỏi quan sát và xem thêm một số phim ngày xưa, không có gì đáng sợ bằng việc mất tự tin. Điều quan trọng nữa là Tí Hin cần sự tự nhiên của một cô gái bộc tuyệch, vô duyên, lẳng lơ và đanh đá. Anh tin là em làm được".
Và khi phim Thương nhớ ở ai chỉ mới phát sóng được 2 tập, ra đường tôi đã “bị” gọi là “bà cán bộ Tí Hin” rồi.
* Cơ duyên nào đưa chị đến vai diễn khó mà thú vị ấy?
- Trước đây tôi từng tham gia một chương trình của VTV nên các anh chị sản xuất có biết tôi. Khi phim tổ chức tuyển diễn viên các anh chị ấy gọi tôi qua để thử vai.
Thử vai xong thì đạo diễn nói: "Đúng Tí Hin đây rồi". Thế là tôi bắt đầu xây dựng một Tí Hin “đáng ghét” như khán giả đang xem đó.
* Điều gì ở Tí Hin cuốn hút chị? Chị có gặp khó khăn nào khi đảm nhiệm vai bà cán bộ xã ở vùng quê miền Bắc những năm 50-70 của thế kỷ XX?
- Vai diễn Tí Hin trong phim Thương nhớ ở ai là một cô gái tính tình điệu đà, lẳng lơ, vô duyên và rất chua ngoa đanh đá. Khi tham gia vai diễn này tôi cảm thấy rất thú vị vì được hoá thân vào một thiếu nữ ở làng quê Bắc Bộ giai đoạn 1954-1975.
Phim khắc họa số phận bi kịch của những phụ nữ nông thôn thời hậu chiến. Họ không chỉ chịu nỗi đau mất mát người thân mà còn bị giam cầm, trói buộc bởi những định kiến, hủ tục hà khắc, phải đè nén, chôn giấu những khát khao hạnh phúc cá nhân.
Tôi khá khó khăn để có thể diễn xuất sao cho ra chất một cô gái thời xưa như vậy nhưng may mắn là tôi được sự chỉ bảo, giúp đỡ của đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh để hoàn thành tốt bộ phim này.
* Có kỷ niệm hậu trường nào đáng nhớ khi chị ghi hình cho “Thương nhớ ở ai”?
- Trong thời gian quay phim, trời rét căm căm mà tôi có mỗi cái áo yếm mỏng tang, lại phải đi chân đất, thế nên thường xuyên run lẩy bẩy. Hơn nữa đạo diễn còn bắt tôi bôi thật nhiều bùn đất vào chân tay cho đen bớt đi, mặt thì đánh phấn nâu và không được trang điểm…
Nói chung đây là bộ phim tôi bị xấu nhất nhưng tôi chấp nhận vì muốn mang tới khán giả những hình ảnh chân thật.
Khán giả truyền hình nên nghĩ thoáng hơn
* Hiện nay bộ phim đang được bàn luận nhiều bởi chuyện nữ diễn viên chỉ mặc yếm, một bộ phận khán giả cho rằng hình ảnh đó phản cảm, không phù hợp trên sóng truyền hình. Quan điểm của chị thế nào?
- Tôi nghĩ dư luận phản ứng có phần quá khắt khe. Hãy nhìn vào thời bấy giờ để đánh giá tình hình chung, ngày xưa thì làm gì có nội y mà bắt các cô gái thời bấy giờ mặc nội y như hiện đại.
Hơn nữa, tại sao dư luận không tập trung vào nội dung phim, hình ảnh, ý nghĩa của bộ phim mà cứ chăm chăm vào vòng 1 của diễn viên thế nhỉ?
Trích đoạn phim "Thương nhớ ở ai" gây tranh cãi
* Khi diện trang phục đó, chị và ê-kíp làm phim có lường trước phản ứng của khán giả? Chị có đưa ra ý kiến với đạo diễn?
- Khi quay phim tôi khá ngại ngùng và cố tình mặc nội y nhưng tới lúc quay, đạo diễn phát hiện ra và nói tôi cởi ngay nội y ra. Tôi có cãi lại là em ngại thì đạo diễn hỏi chỉ một câu khiến tôi câm nín: Thời 1954-1975 phụ nữ mặc gì?
* Chị nghĩ sao trước góp ý của khán giả, đoàn phim nên xử lý khéo léo hơn, chẳng hạn như việc dùng miếng dán ngực để hình ảnh đỡ phản cảm?
- Áo yếm là nội y thời xưa của tất cả các thiếu nữ. Chúng tôi làm phim thời xưa nên tôn trọng lịch sử đấy chứ. Từng chi tiết nhỏ trong phim như cái áo sờn màu ra sao, cái xe đạp, bát đĩa... và mọi thứ đều được ê-kíp hoạ sĩ, phục trang chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng cho đúng thời bấy giờ. Thế thì không có lý gì trang phục nội y lại đi ngược với bối cảnh chung.
Nếu đã muốn thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật chân thực thì tôi nghĩ khán giả truyền hình nên nghĩ thoáng hơn. Chính vì thế bộ phim này thực sự phù hợp để phát sóng trên truyền hình và tôi nghĩ không có gì phản cảm. Nếu dùng thêm miếng dán ngực thì khác gì 2 lần mặc nội y.
* Sự thành công của “bà cán bộ xã Tí Hin” có ý nghĩa như thế nào với chị?
- Điều ý nghĩa nhất là tôi đã vượt qua chính mình để hoàn thành vai diễn của mình trong Thương nhớ ở ai - đó là một cán bộ Tí Hin “được” khán giả ghét.
* Khán giả thường thấy chị xuất hiện trong các clip - đĩa phim hài Tết, Thương nhớ ở ai có phải là bộ phim truyền hình “hiếm” mà chị nhận lời?
- Đúng vậy, thú thực công việc kinh doanh của tôi khá bận nên tôi nhận show có chọn lọc. Tôi vẫn tham gia các chương trình sitcom hài và những dự án MV parody dài hơi trên mạng thôi.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Phát sóng được 4 tập, phim 'Thương nhớ ở ai' đang gây ra một cuộc tranh dữ dội, khi một số nữ diễn viên chỉ diện áo yếm và để hở da thịt một cách táo bạo trên sóng truyền hình.
Tiểu Phong. Ảnh: NVCC