(Thethaovanhoa.vn) - Ra mắt vào dịp đầu 2018, Khi con là nhà (đạo diễn: Vũ Ngọc Đãng) thoạt đầu gây sốc bởi hình ảnh khó hình dung về chàng diễn viên có vóc dáng “công tử bột” Lương Mạnh Hải...
Đề tài gia đình vốn dĩ không dễ câu kéo người xem, nhất là khi không có chiêu trò, không cả chiến dịch quảng bá mạnh mẽ. Dù vậy, một tuần qua Khi con là nhà vẫn thu hút được một số lượng không nhỏ những khán giả trông đợi một sản phẩm điện ảnh nghiêm túc.
Lương Mạnh Hải... lột xác
Khán giả đến rạp sẽ phần nào bất ngờ bởi hình ảnh khác biệt so với tất cả các vai diễn trước đây của Lương Mạnh Hải. Khó có thể hình dung một anh chàng phong tình, điển trai, gốc Bắc lại có thể hóa thân thành một anh Hai rặt Nam Bộ, răng vàng khè, áo quần xộc xệch, làm nghề thụ tinh cho heo, ham đá gà và bài bạc, sống đời phóng túng quê mùa ở miền Tây sông nước.
Hình ảnh vui vẻ giản đơn của hai cha con (bé Duy Anh đảm nhiệm vai cu Bi) chẳng mấy chốc biến mất bởi thói ham bài bạc của ông bố sớm “mồ côi” vợ và không thể dứt mình ra khỏi những “canh me” của cậu con trai sớm lanh lẹ, già dặn. Sau sự cố đánh ngã công an, chạy khỏi đám con bạc khát nước, Quang (Lương Mạnh Hải thủ vai) rơi vào cảnh trốn chui trốn lủi cái lệnh truy nã dán khắp nơi.
“Mẹ mất rồi, con chỉ còn có một mình ba thôi…” - Sau tiếng khóc xé lòng của cu Bi là cảnh đời lưu lạc bầm dập của hai cha con khi vừa chạm mặt Sài thành đã đồng hành cùng cái đói, cái rét, cùng dao búa giang hồ và sự truy đuổi của công an.
Trước khi xem phim, khán giả khó có thể cảm nhận được câu nói của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng khi anh ngậm ngùi cảm ơn bé Duy Anh: “Nếu con mà không ráng, thì bộ phim sẽ không thể hoàn thành. Chú cảm ơn con nhiều lắm. Diễn viên phim này tội vô cùng…”.
Những thước phim kể về cuộc hành trình của hai cha con cu Bi trải dài không có điểm kết. Từ ngột ngạt nắng chói đến rét run mưa giông, từ sáng sớm đói lả đến đêm khuya mệt rũ không chốn nương thân. Từ run rẩy chia nhau từng mẩu bánh đến hoang mang tột độ khi lạc mất nhau giữa biển người, liên tục những gút bắt, lẩn tránh, những bước chân chạy rầm rập tưởng không có lúc nào dừng lại. Những trận đòn thù xối xả, những mưu đồ đen tối chen lấn giữa đám tội phạm trong bóng đêm, và chút le lói ánh sáng thiên lương của chất người, khi đó khán giả mới có thể hiểu tâm trạng trĩu nặng của đạo diễn.
Mở một lối đi
Khá tách biệt về phong cách với đa số phim Việt mượt mà giải trí đang thu hút khán giả trẻ chen chân xếp hàng vào rạp ở thời điểm hiện tại, Khi con là nhà nhiều phần giống với một phim tài liệu nghệ thuật.
Cả diễn viên điển trai Lương Mạnh Hải và diễn viên nhí Duy Anh đều quá vất vả với phim này. Nhưng rõ ràng, chiêu “dùng sức” chứ không “dùng tiền” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng tỏ ra khá hiệu quả, nó tác động khá mạnh vào cảm xúc người xem bằng sự tự nhiên, gần gũi.
Còn Lương Mạnh Hải thì cho biết hiếm có phim nào mà đoàn phim lại không bị “chửi rát mặt” như phim này, mọi người làm việc với nhau bằng sự thông hiểu và chia sẻ. Không đầu tư đẹp mượt mà về mặt hình ảnh nhưng cái sự diễn trọn vai của Lương Mạnh Hải đã mang lại một ấn tượng thực sự với vai anh chàng miền Tây xù xì, xấu xấu, nhiều thói tật mà vẫn đáng được cảm thông, quý mến và yêu thương.
Đặc biệt, bé Duy Anh mới xuất hiện lần đầu trong phim điện ảnh. Bé cũng không phải là gương mặt được chọn lựa thông qua tuyển diễn viên. Nhưng Duy Anh có một nhạy cảm đặc biệt trong diễn xuất. Bé vào vai có thể nói là không thừa không thiếu một chút cảm xúc nào cho mọi phân cảnh. Có thể nói không quá lời, rằng diễn xuất của cậu bé đóng một vai trò quan trọng trong thành công của phim.
Không chỉ phải cạnh tranh với các phim Việt mà còn chen chân với các phim bom tấn ùa ra rạp dịp đầu năm 2018, nhưng Khi con là nhà vẫn có khán giả của riêng mình, bởi nó đã chọn đi con đường khác với nhiều phim Việt chiếu rạp. Đây là một tín hiệu vui không chỉ với Vũ Ngọc Đãng, mà còn với những đạo diễn muốn tìm cảm hứng riêng.
Theo thống kế chưa đầy đủ thì năm 2017 đã có 37 phim Việt được cấp phép, 35 phim đã công chiếu.
Hoà Bình