(Thethaovanhoa.vn) - Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra ở địa tầng sâu nhất, 2 mộ táng gạch thời kỳ tiền Thăng Long xác định niên đại khoảng thế kỷ 4 đến thế kỷ 6. Điều này cho thấy dấu tích cư trú của con người tại đây khá sớm, từ trước thời kỳ Đại La.
Mới đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đặt quyết tâm trong việc phục dựng Điện Kính Thiên, hoàn trả hồn cốt cho di sản Hoàng thành Thăng Long.
Tại hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2021” vừa diễn ra tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã công bố nhiều phát hiện quý giá tại khu vực khai quật rộng gần 1.000m2 phía Đông Bắc của di tích.
Phát lộ nhiều di vật quan trọng tại Hoàng thành Thăng Long
Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam, cho biết trong lớp cắt dày 3,3m, các nhà khoa học tìm thấy 5 lớp văn hóa chồng lên nhau gồm thời Nguyễn, thời Lê trung hưng, thời Lê sơ, thời Trần, thời Lý và thời kỳ tiền Thăng Long.
Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra ở địa tầng sâu nhất, 2 mộ táng gạch thời kỳ tiền Thăng Long xác định niên đại khoảng thế kỷ 4 đến thế kỷ 6. Điều này cho thấy dấu tích cư trú của con người tại đây khá sớm, từ trước thời kỳ Đại La.
Phát hiện nổi bật khác là một chiếc chậu đất nung lớn khá tinh xảo thuộc thời Trần, đường kính 1,2m, cao 55cm, miệng trang trí hoa mai, hoa sen và liên châu.
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy những dấu tích kiến trúc thời Lê sơ với những kiến trúc kèo 4 móng cột kiểu hành lang. Dấu tích kiến trúc thời Lê trung hưng với giếng nước bằng đá có độ sâu gần 6,56m, miệng giếng được xây lắp chạm khắc công phu. Đây cũng là chiếc giếng sâu nhất từ trước đến nay mà các nhà khảo cổ tìm được. Những nghiên cứu phát hiện đó minh chứng về trình độ, kỹ thuật sáng tạo, về phong cách sinh hoạt trong hoàng cung Thăng Long.
Cuộc khai quật năm 2020-2021 đã phát lộ nhiều thông tin mới, góp phần làm sáng tỏ thêm giá trị di tích Hoàng thành Thăng Long qua hàng nghìn năm lịch sử. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, hiện ước tính mới khai quật được 7% di tích Hoàng thành.
Những dấu tích kiến trúc và hệ thống di vật đã phát hiện trong cuộc khai quật năm 2021 tiếp tục phản ánh diễn biến phức tạp của các di tích lịch sử và văn hóa Thăng Long – Hà Nội dưới lòng đất, góp thêm tư liệu quý phục vụ việc nghiên cứu khôi phục không gian chính điện Kính Thiên thời Lê.
Mi Mi - Mộng Long