(Thethaovanhoa.vn) - Xác định sự học là suốt đời, sau khi được phong tặng danh hiệu NSND, năm 2016, Tự Long tiếp tục tham dự kỳ thi tuyển sinh vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và anh đã được đặc cách tuyển thẳng vào Trường để học văn bằng 2 chuyên ngành đạo diễn sân khấu khóa 36.
Trong tập 20 Ký ức vui vẻ, NSND Tự Long nghẹn ngào kể về "vua chèo xứ Bắc” Tào Mạt cùng những tác phẩm kinh điển của ông. Bên cạnh đó, MC Thảo Vân chia sẻ từng bị "gạch bay" vào đầu khi xem phim chiếu bóng.
NSND Vũ Tự Long hiện mang quân hàm Đại tá, đảm nhận cương vị Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội.
Cơ duyên với chèo
Tự Long (tên đầy đủ là Vũ Tự Long) sinh ngày 22/12/1973 tại vùng quê đất văn hiến thôn Trang Liệt, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, NSND Tự Long là người con trai cả may mắn được thừa hưởng nhiều nhất từ cha mẹ tài năng hát dân ca quan họ.
Cha anh là NSƯT Vũ Tự Lẫm (nghệ danh Hai Lẫm) vốn là liền anh tài năng, nổi tiếng miền quan họ, biết hát quan họ từ năm 13 tuổi; từng giữ chức Trưởng đoàn Quan họ Dân ca Hà Bắc trong những ngày đầu thành lập; một liền anh năm 22 tuổi đã được đạo diễn Trần Vũ tin cậy “chọn mặt gửi vàng” giao vai Chi trong phim Đến hẹn lại lên - tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam sản xuất năm 1974 với bối cảnh phim là không gian cổ kính làng quê Kinh Bắc xưa.
Mẹ Tự Long là nghệ sĩ Minh Phức - một liền chị xinh đẹp với đôi mắt đen tròn, lúng liếng người làng Ngang Nội - một trong 49 làng quan họ cổ của xứ Kinh Bắc, nổi tiếng với giọng hát quan họ ngọt ngào, đằm thắm, da diết, truyền cảm.
Tự Long tự hào về quê ngoại mà theo như mẹ anh giải thích là vùng đất nổi tiếng có nhiều người hát hay, cung cấp lực lượng nghệ sĩ cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Trung ương và tỉnh nhà: “Người làng Ngang Nội có chất giọng rất đặc biệt, nói chuyện mà hay như hát. Trong làng có nhiều người biết hát và hát rất hay. Có lẽ mạch thủy của làng đã tạo nên chất giọng đặc trưng. Vì đất làng nằm trên dải đất của hình con rồng, thuộc phần đuôi rồng, nước chảy lượn từ trên đầu tụ lại ở phần cuối nên các giếng nước của làng không bao giờ hết nước, tát cũng không cạn và còn trong mát, ngọt lịm”.
Tự Long tự hào được thừa hưởng chất dân ca từ làng Ngang Nội và nhất là được thừa hưởng “gen” chất giọng của mẹ ngọt ngào - vang, rền, nền, nảy, sáng và luôn có ý thức học tập cách nhả chữ, lấy hơi rất điệu nghệ của mẹ, nhất là những bài quan họ cổ, dẫu khó hát đến đâu.
Anh tự hào nói về mẹ với lòng thành kính, tri ân: “Mẹ tôi hát quan họ hay lắm, hay hơn nhiều người hát hay lúc bấy giờ. Cho đến bây giờ, ở tuổi thất thập cổ lai hy mẹ tôi hát vẫn hay và mẹ tôi rất hay hát. Có nhiều người yêu mến tôi, khen tôi hát hay, nhưng tôi biết, tôi hát hay được là nhờ gen của mẹ”.
Ngẫm ra, là đất quan họ, Bắc Ninh “vượng” về quan họ với những liền anh, liền chị nổi tiếng như: Quý Tráng, Thúy Cải, Xuân Mùi, Lệ Ngải, Tự Lẫm, Minh Phức, Thúy Hường, Lệ Thanh… là đương nhiên. Nhưng từ hơn 100 năm trước, huyện Yên Phong và thị xã Từ Sơn được coi là vùng đất tuồng chính danh với những gánh tuồng cấp thôn, cấp xã và nửa thế kỷ nay đã đóng góp cho đất nước nhiều nghệ sĩ tuồng tài năng trên chính miền đất quan họ, như: Mẫn Thu, Mẫn Thi, Văn Thành, Văn Kính, Chu Văn Lượng (người Yên Phong); Chu Thị Thịnh (người Từ Sơn); Đinh Lan (người Tiên Du)… và chèo thực sự “phát” với những nghệ sĩ chèo nổi tiếng như: Xuân Hinh (người Gia Bình bờ Nam sông Đuống), kế đó là Quốc Trượng (người Quế Võ)… và Tự Long (người Từ Sơn) cũng trưởng thành từ chiếu chèo đất Kinh Bắc.
Có lẽ ở Bắc Ninh cũng không có nhiều làng cơ duyên may mắn như Ngang Nội “2 trong 1” vừa là đất chèo, lại vừa là đất quan họ. Có lẽ vì thế mà người Ngang Nội hát quan họ pha âm hưởng chèo và ngược lại hát chèo lại có chất quan họ. Điều này đã góp phần lý giải trường hợp nghệ sĩ Tự Long có thể hát được nhiều loại hình dân ca đến như vậy.
Vốn bản chất chịu thương chịu khó, lại là anh cả trong gia đình cha mẹ đều là diễn viên nghệ thuật, thường xuyên đi lưu diễn vắng nhà, nên ngay từ bé Tự Long phải sống tự lập, tự làm nhiều việc từ kiếm củi, mò cua, bắt ốc, đơm cá, kể cả đi bán kem dạo... để trang trải cho bản thân mua sách bút, cũng là phụ giúp gia đình.
Nuôi chí thành tài, từng bước, Tự Long khẳng định mình trong cuộc sống và sự nghiệp. Tự Long không nề hà bất cứ công việc gì, vai diễn nào từ cầm cờ chạy qua sân khấu, vai hề chèo, đến những vai thể hiện những nhân vật lịch sử, vai diễn cần phát huy nội lực chiều sâu nội tâm như Chu Văn An; từ vai chính diện đến vai phản diện... Tài năng cùng ý chí kiên trì, đam mê, anh có thể hát được cơ bản nhiều thể loại âm nhạc, đặc biệt giọng hát chèo ngọt, ấm, mịn.
Tự Long đã từng trải nghiệm tất cả các vai diễn trong nghệ thuật chèo: Vai kép, đào, mụ, hề, đào kép, lão mụ say... đến các loại vai hài trong Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm - những chương trình được khán giả chờ đợi nhất trong năm từ năm 2003 đến nay với những vai Táo, như: Táo thoát nước, Táo thể thao, Táo văn hóa giáo dục, Táo giao thông, Táo nông dân, Táo mạng xã hội... Rồi vào vai giả gái trong chương trình Ơn trời cậu đây rồi…
“Thương hiệu” trên sân khấu chèo
Bước lên sân khấu, nghệ sĩ Tự Long đã tạo nên “thương hiệu” riêng, để lại dấu ấn trong các vai diễn được ghi nhận bằng những huy chương và giải thưởng. Tính đến nay, NSND Tự Long đã đạt được những thành tích đáng nể với 11 huy chương, trong đó có 8 HCV, 3 HCB cùng nhiều giải thưởng khác của Bộ VH,TT&DL, Bộ Quốc phòng, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Tôi đã có mặt ở Hải Phòng xem một số vở diễn và dự Lễ bế mạc Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp do Bộ VH,TT&DL tổ chức năm 2013. Vở chèo Chu Văn An - Người thầy của muôn đời do Nhà hát Chèo Quân đội dựng theo kịch bản của nhà văn Nguyễn Hiếu, NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, nhất là vai thầy Chu Văn An do nghệ sĩ Tự Long đảm nhận đã đoạt Huy chương Vàng.
Tôi không bất ngờ khi Tự Long đảm nhận vai thầy Chu Văn An giống như nỗi phân vân của một số văn nghệ sĩ khi anh đảm nhận vai diễn “nặng ký” này. Đúng đây là một vai diễn đòi hỏi rất cao tài năng, độ từng trải, đĩnh đạc về tuổi tác cũng như tuổi nghề…
NSND Doãn Hoàng Giang đã chọn nghệ sĩ Tự Long đảm nhận vai Chu Văn An với một lời khẳng định như đinh đóng cột: “Vai thầy Chu Văn An phải giao cho Tự Long. Tôi tin chỉ cậu ấy mới làm được”. Ngay nhà văn Nguyễn Hiếu cũng có nỗi ngỡ ngàng: “Tôi nghĩ với hình ảnh Tự Long vốn trong mắt công chúng là một diễn viên hài. Nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ khi anh nhập vai Chu Văn An. Anh đã lột tả được thần thái, tâm trạng của “Người thầy của muôn đời” bằng cách diễn đĩnh đạc, có hồn với một sự chủ động trong cách xử lý tình tiết, với một chất thoại và giọng ca có chiều sâu đầy cảm xúc”.
Ghi nhận của Hội đồng nghệ thuật bằng HCV, Tự Long xúc động chỉ có thể thốt lên được: “Vai diễn vừa thử thách, vừa tạo sức ép, nhưng tôi đã thành công. Tôi biết ơn bố mẹ, quê hương Kinh Bắc của tôi nhiều lắm. Tôi thực sự vô cùng biết ơn sự tin cậy của đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang”. Sau đó, vở diễn một lần nữa được Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đánh giá cao và trao giải vở diễn xuất sắc nhất năm 2013.
Tự Long ở một góc nhìn đời thường
Trên sân khấu cháy mình với vai diễn là vậy. Một Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội bao việc phải lo toan như tập vở, biểu diễn… là thế. Nhưng tôi biết còn có một Tự Long đời thường khác dung dị, hồn hậu, thân thiện, dễ thương… Một Tự Long công dân - nghệ sĩ luôn ý thức chia sẻ để yêu thương. Một Tự Long sở thích sưu tầm những chai rượu có dáng độc. Một Tự Long đảm đang, khéo tay, hay làm không nề hà bất cứ việc gì từ rửa bát, giặt giũ, chữa xe, sửa điện nước đến “lăn vào bếp” nấu nướng cho hơn 30 người ăn vẫn vô tư…
Là một nghệ sĩ tài năng, nhưng tôi biết Tự Long rất ham học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, làm giàu kho tri thức cho mình. Xác định sự học là suốt đời, sau khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, năm 2016, Tự Long tiếp tục tham dự kỳ thi Tuyển sinh vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và anh đã được đặc cách tuyển thẳng vào Trường để học văn bằng 2 chuyên ngành đạo diễn sân khấu khóa 36. Ngày 24/8/2018, Tự Long báo cáo thành công vở diễn tốt nghiệp Chuyện làng tôi với vai trò đạo diễn tại Nhà Hát Chèo Quân đội sau 2 năm học chuyên ngành Đạo diễn sân khấu.
(Còn tiếp)
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng