(Thethaovanhoa.vn) - Úi giời, thấy số phone lạ là nghe ngay, nếu số cũ chắc gì đã trả lời, đúng là cái người ham của mới của lạ. Sau câu phủ đầu ra vẻ châm chọc là giọng cười ha hả không thể lẫn với ai để tôi nhận ra ngay “người bạn cũ không bao giờ chịu cũ” của mình: Đặng Thái Sơn.
Nhưng Sơn mới đúng là “người ham mới”. Mỗi lần về lại một số di động khác chỉ là cái cớ mào đầu câu chuyện về những cái mới có chủ đích mà Sơn mang lại cho người yêu nhạc trong nước.
Nói về cái mới, trước tiên phải chúc mừng thành quả của Đặng Thái Sơn trong lĩnh vực sư phạm. 36 năm trước Đặng Thái Sơn đã làm nên lịch sử là người châu Á đầu tiên đoạt giải nhất và toàn bộ giải phụ trong Concours Chopin lần thứ 10 (1980).
Tới Concours Chopin lần thứ 17 (2015), với vai trò Phó chủ tịch Hội đồng Giám khảo, lại lần nữa Sơn “làm nên lịch sử”: người có nhiều học trò đoạt giải trong một cuộc thi (ba trong sáu giải chính thức). Sự kiện đầu tiên và chắc sẽ rất hiếm hoi trong lịch sử cuộc thi piano danh tiếng này có ý nghĩa như một “giải nhất” nữa dành cho Sơn ở vai trò người thầy.
Với tinh thần luôn đề cao thành tích, Việt Nam đã phong danh hiệu cao quý Nghệ sĩ nhân dân cho chàng trai trẻ măng ngay sau chiến thắng bất ngờ với cả thế giới. Vậy trước thành tích mới cũng tầm cỡ thế giới này, liệu Nhà nước có kịp thời ghi nhận và phong Nhà giáo nhân dân cho giáo sư Đặng Thái Sơn không, hay ở ta giờ chẳng thiếu gì người đoạt danh hiệu nữa?
Trở lại với điều mới mẻ trong hai đêm diễn của Sơn ở Hà Nội đầu năm 2016. Dễ nhận thấy nhất là sự có mặt của các tác giả Pháp: Fauré và Ravel. Nhạc Pháp cũng là một thế mạnh của Đặng Thái Sơn. Anh chơi nhạc Pháp hợp chất và hay chẳng kém gì chơi Chopin.
Đêm diễn ngay sau ngày quốc tế phụ nữ nên Sơn đã chọn Ballade op.19 của Fauré với vẻ đẹp quyến rũ, nữ tính; và để thủ thỉ tâm tình với phái đẹp, anh lại chọn phiên bản gốc viết cho piano độc tấu chứ không diễn version được biết đến nhiều hơn mà Fauré soạn lại cho piano và dàn nhạc giao hưởng.
Fauré của Sơn đẹp dịu dàng và duyên dáng, một vẻ đẹp tự nhiên, không màu mè son phấn. Sự cuốn hút bắt đầu ngay từ giai điệu nhỏ nhẹ, trữ tình, đầy chất hát. Rồi không chỉ một bè giai điệu hát lên, càng về sau tính phức điệu càng rộng mở tạo nên những con sóng âm thanh nối tiếp nhau, đuổi bắt nhau, xô đẩy và hòa nhập vào nhau… Dòng cảm xúc dâng trào, dạt dào, mãnh liệt cho đến phút giây cuối mới lắng dần xuống trong những nét hoa mỹ tinh tế.
Phiên bản thính phòng cho riêng piano khó thể hiện hơn version giao hưởng. Không có sự hỗ trợ của dàn nhạc, nghệ sĩ piano phải đảm đương toàn bộ cuộc đối thoại của các bè giai điệu đan cài nhau. Những đoạn đòi hỏi kỹ xảo điêu luyện đó đã diễn ra đúng với phong cách đánh đàn “như chơi” ở Sơn.
Bên cạnh những giai điệu dễ nhận thấy, nổi bật ở âm khu cao nhất hoặc trầm nhất, Sơn vẫn có biệt tài “hát” lên cả những giai điệu lẩn khuất. Những giai điệu ẩn ở các bè giữa có lúc được nổi lên rất rõ khi đoạn nhạc được nhắc lại nhiều lần làm cho sự lặp lại không nhàm.
Không phải pianist nào cũng có ý thức làm mới sự nhắc lại theo cách đó nếu không đủ tinh tường và khéo léo để lẩy ra được những đường nét tiềm ẩn. Sở trường chắp cánh cho giai điệu này có cơ hội tung hoành với cả hai tác phẩm của hai tác giả Pháp.
Còn một điểm chung nữa trong hai tác phẩm của Fauré và Ravel là chất ngẫu hứng. Tính ngẫu hứng phóng khoáng và sự phức tạp trong đường nét giai điệu được đẩy lên rất cao ở Ravel. Nếu như Ballade của Fauré thổ lộ tình yêu ngọt ngào, thì Concerto Rê trưởng của Ravel là cả một bi kịch nghiệt ngã, là những giằng xé trong sự tương phản màu sắc, cường độ và tính cách.
Concerto dành cho tay trái được viết theo yêu cầu của một nghệ sĩ piano người Áo đã mất một tay trong chiến tranh thế giới thứ I. Đôi tay là tất cả sự nghiệp của nhạc công, mất cánh tay phải có thể coi như mất hết sự nghiệp. Sự mất mát không chỉ ở thể xác, mà nỗi đau tinh thần còn dai dẳng và khủng khiếp hơn.
Vẻ u ám, tàn nhẫn, gay gắt; chất hoang dã, khoáng đạt, bi hùng; những suy tưởng, giãi bày, châm biếm; sự pha trộn thể loại, nhịp điệu, lúc đậm phong cách jazz, lúc đượm màu sắc Á Đông… Tất cả tính đa dạng, đa tầng, đa màu ấy đều tạo bởi năm ngón tay điệu nghệ.
Một bàn tay lướt nhanh, chạy lắt léo hiểm hóc, nhảy cóc ngược xuôi suốt chiều dài mặt phím đàn. Một bàn tay cùng lúc đóng mấy vai - vừa nền đệm, vừa giai điệu chính hoặc cả hai bè giai điệu đối đáp - mà hiệu quả không khác gì chơi cả hai tay.
Một bàn tay - lại là tay trái - đối thoại với cả dàn nhạc bằng những chùm âm thanh dày đặc, chẳng những ngang ngửa về âm lượng trong cuộc ganh đua quyết liệt, mà còn dẫn dắt, lấn lướt, đôi khi cướp lời, chặn đứng các nhạc cụ khác một cách đầy quyền uy.
Quyền lực tuyệt đối thấy rõ khi năm ngón tay điệu nghệ độc diễn trong hai cadenza trái ngược tính cách. Nếu Cadenza đầu dữ dằn, toát ra chất anh hùng và nam tính, thì Cadenza sau trữ tình, thanh thoát, đậm chất ca xướng. Song khoảnh lặng dịu êm mau chóng bị dồn lên cao trào cuối. Màn kịch kết thúc bằng cách đẩy sự căng thẳng tột cùng rơi vào im lặng đột ngột. Dường như âm nhạc chưa hết trong khoảng không bất ngờ đó, khiến người nghe còn sững sờ bất động vài giây trước khi trở lại là mình.
Sau 35 năm kể từ khi đoạt giải Nhất cuộc thi Chopin, Đặng Thái Sơn trở thành giảng viên đầu tiên có lượng thí sinh lập “hat-trick” về giải thưởng (3/6 giải) tại cuộc thi piano danh giá này.
Tính xung đột trong tác phẩm Ravel là điểm nối với đêm nhạc thứ hai dành cho Chopin - tình yêu trọn đời của Sơn.
Concerto số 2 là kết quả mối tình đầu của Chopin ở tuổi 19, cũng có thể được coi là “mối tình đầu” trong sự nghiệp của Đặng Thái Sơn: ngoài giải nhất, tác phẩm này còn đem lại cho anh giải “chơi concerto hay nhất” trong Concours năm 1980. Là người luôn hướng tới cái mới, Sơn ở thập niên này không chơi Chopin như ở các thập niên trước, như cách đây hơn 30 năm lại càng không.
Tôi chuẩn bị nghe không phải với tinh thần chiêm ngưỡng mối tình trong trắng của chàng trai đôi mươi, mà là chứng kiến người đàn ông từng trải sống lại trong mối tình đầu. Hóa ra không phải thế, đây không hẳn là câu chuyện tình đầu được kể lại, đây không phải quá khứ mà là thực tại: người đàn ông từng trải ấy đang yêu - yêu như mới yêu lần đầu, âm thầm, run rảy, bẽn lẽn, hết mình…
Và cách yêu cũng có cái khác thời trai trẻ. Ở tuổi đã nếm trải nhiều đắng cay mất mát, tình yêu kín đáo và bao dung hơn, khắc khoải và day dứt hơn, lắng sâu và đau đớn hơn.
Gặp lại ở đây sự tương phản màu sắc và cường độ âm thanh: bên cạnh vẻ đẹp lộng lẫy, mượt mà, uyển chuyển còn có độ cứng rắn, sắc nhọn, giòn giã; cùng với sự say đắm, cuồng nhiệt, giận dữ còn có lúc đỏng đảnh, bỡn cợt, hóm hỉnh. Vẫn lối đàn tự nhiên và dễ dàng như chơi, vẫn chuỗi âm thanh lấp lánh hạt trai và cách thầm thì có lúc nhẹ như hơi thở, Sơn đã trải lòng mình đúng như con người thực của anh.
Đặc biệt ở chương II, nơi sâu lắng tĩnh lặng nhất lại là nơi khiến tim ta xao xuyến nhất, xao xuyến đến thổn thức - người nghe rớt nước mắt, chính người đàn cũng chảy nước mắt.
Sơn tự nhận không giỏi nói bằng ngôn từ như nói bằng âm nhạc. Với âm nhạc của Sơn, vốn từ của tôi cũng trở nên nghèo nàn. Đôi khi ai đó hỏi “Sơn đánh thế nào?” làm tôi lúng túng vì không đủ từ diễn tả, có lẽ tôi không còn khách quan và dễ mờ mắt trước “idol” của mình.
Chỉ biết rằng từ cái đẹp tươi trẻ của tuổi mới lớn, từ cái đẹp rực rỡ của tuổi trưởng thành tới cái đẹp đậm đà của tuổi đã chín là cả một hành trình không ngừng hướng tới cái mới. Có thể cảm nhận điều đó trong mỗi cuộc trình diễn của Sơn.
Có lẽ chính Sơn không hình dung hết mỗi lần trở về anh đều mang niềm vui nhiều mức nào cho mọi người, cho má Sơn - NGND Thái Thị Liên, cho những người thân và bạn bè. Bên cạnh niềm vui gặp gỡ còn có niềm vui được nghe Sơn đàn với một Sơn mới.
Nguyễn Thị Minh Châu
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần