(Thethaovanhoa.vn) - Dòng nhạc giao hưởng vốn được xem là loại nhạc bác học, hàn lâm, tuy nhiên, những nốt nhạc của dàn nhạc vẫn có sức "quyến rũ" đông đảo công chúng, tạo nên một lâu đài âm nhạc bền vững theo thời gian.
Tối 10/8, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Tiệp, Hải Phòng, 11 thí sinh đã tham gia đêm chung kết đầu tiên dành cho dòng nhạc thính phòng trong Liên hoan tiếng hát truyền hình Sao mai 2013.
Thời đại phát triển, các quốc gia cùng hội nhập, phát triển kinh tế, bức tranh giáo dục, văn hoá của các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam trong những năm gần đây có nhiều bước chuyển vượt bậc. Đi cùng với đó là các chương trình lớn trên nhiều lĩnh vực giao lưu với nhiều quốc gia. Âm nhạc không nằm ngoài xu hướng đấy.
Bên cạnh âm nhạc dân gian truyền thống, âm nhạc cổ điển ở Việt Nam vẫn hoạt động thường xuyên bởi các nghệ sĩ tâm huyết trong nước. Ngày càng nhiều nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài, các nghệ sỹ quốc tế, cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài về đóng góp, biểu diễn tại Việt Nam, đấy là tín hiệu rất khả quan. Đó không chỉ là sự tận tâm và cống hiến cho âm nhạc cổ điển mà còn là sự đóng góp, trách nhiệm của cá nhân mỗi nghệ sĩ, chung tay tạo nên một tổng thể phong phú, đa dạng hơn cho nền âm nhạc.
Nghệ thuật hàn lâm cổ điển hiện nay đã không còn khó tiếp cận như quan niệm trước đó. Như sự trở lại của Cello Fundamento Concert 3 tại Hà Nội trên sân khấu Nhà hát Lớn tối 19/12 tới, là cơ hội tuyệt vời dành cho công chúng yêu thích nhạc giao hưởng. Có thể coi đây là một sự kiện ý nghĩa đối với sự phát triển của âm nhạc Việt Nam nói chung và nhạc giao hưởng Việt Nam nói riêng.
Với Cello Fundamento concert 3, nữ nghệ sĩ trẻ Đinh Hoài Xuân cùng những tài năng cello nổi tiếng thế giới như: Razvan Suma (Giáo sư tại Đại học Âm nhạc Quốc gia Bucharest, Nghệ sĩ Solo của Dàn nhạc Đài Tiếng nói Rumani), Leonid Gorokhov (Giáo sư tại Đại học Âm nhạc Hanover, Đức), Denis Severin (Giáo sư tại Đại học Geneve và Bern, Thụy Sĩ)... sẽ không chỉ mang âm nhạc tuyệt vời đến với khán giả mà còn đem lại cho khán giả sự tìm tòi và yêu thích đối với âm nhạc nói chung và nhạc giao hưởng nói riêng.
Những màn trình diễn nghệ thuật và thưởng thức đều là sự rung cảm từ trái tim, khán giả và các nghệ sỹ đều có thể có cảm nhận đó là trải nghiệm mới, sự giao lưu giữa dòng chảy hiện đại xen giữa những trầm bổng của các giai điệu kinh điển.
Ngoài ra, những nỗ lực trong việc chuyển soạn các tác phẩm dân gian để phù hợp với dòng nhạc giao hưởng chắc chắn là một cách làm ý nghĩa và hiệu quả để khán giả Việt Nam tìm được nét gần gũi trong cách thể hiện một tác phẩm giao hưởng thính phòng.
Thảo Ngọc