(Thethaovanhoa.vn) - Phú Quang nói với tôi và các bạn thơ: "Tôi hay phổ thơ không phải bởi không viết được ca từ, mà coi đây là sự chuyên nghiệp, như nghề đặc thù, phân công xã hội. Nhạc sĩ viết nhạc, ngôn ngữ chất thơ sao bằng thi sĩ, nên mỗi người một việc".
Tết Tân Sửu 2021 này, nhạc sĩ Phú Quang sẽ lần đầu tiên đón năm mới xa nhà. Chỉ chừng 7km, nhưng ông không thể đón Xuân tại ngôi nhà đẹp kề các làng hoa ven Hồ Tây. Ở ngay Hà Nội mà cách biệt mọi người. Một thử thách lớn từ mùa Xuân trước, đến năm nay vẫn dằng dặc chưa qua...
LTS: Sáng nay, 8/12/2021, nhạc sĩ Phú Quang qua đời sau gần 2 năm chống chọi bệnh hiểm nghèo. Báo Thể thao & Văn hoá (TTXVN) trân trọng giới thiệu lại bài viết dài kỳ về Phú Quang của nhà thơ Vi Thuỳ Linh.
|
Cái giỏi là đọc tinh nhận ra, phát huy thế mạnh ấy. Bởi Phú Quang đọc nhiều, "mắt xanh" nhạy cảm, phát hiện nhanh và xử lý khi sáng tác rất cao thủ. Bởi ông thích đọc, chịu đọc, nên đông bạn thuộc giới văn chương, họ thích tặng sách cho Phú Quang, trước vì đây là người đọc tử tế, quý từng chữ hay, bõ công nhọc nhằn lao động, sau là tin tưởng nếu có duyên thì thơ được nhạc chắp cánh. Mà Phú Quang "mát tay", cứ phổ là ca khúc được nổi tiếng, giúp thi sĩ gia tăng thị phần công chúng, nhờ nhạc mà thơ được biết nhiều hơn, từ đấy nhà thơ thêm phần nổi tiếng, được tìm đọc hơn.
Chính xác là Phú Quang sử dụng thơ tài tình, đầy văn hóa. Văn hóa ở đây là sự trân trọng dù chỉ lấy vài câu, vài ý, cũng đề tên, trả nhuận bút, tặng sách nhạc, tặng album khi phát hành, gửi vé mời khi biểu diễn. Bởi trí tuệ tinh tế, Phú Quang thấu cảm thơ và chọn dùng những câu cốt tử, thần khí nhất, nếu có "gọt" cho hợp với nhạc, thì uyển nhạy như một đồng tác giả, giữ được tinh thần, hồn vía thơ, nên không nhà thơ nào "cáu", "nhảy dựng" với Phú Quang, cũng chẳng tranh giành cãi vã bao giờ. Không thể có chuyện đó, vì nhạc sĩ rất sòng phẳng, thậm chí ứng xử biệt đãi với nhà thơ, đó là tầng văn hóa Phú Quang, không do công ước Berne hay Luật bản quyền nào chế định!
Không ít lần, chỉ nói chuyện thông thường với Phú Quang, tôi cũng được gợi hứng sáng tác, cho nên, mỗi dịp được gặp chú, tôi rất hào hứng. Thật thú vị khi ngồi ở Catinat có thể làm thơ, vì khung cảnh đẹp - khách thích đến đây, cứ có Phú Quang hiện diện là quán đông, nên mọi người hay đùa là ông nắm giữ cổ phần chính do có công làm "chim mồi".
Chính tại đây, nữ sĩ Phan Ngọc Thường Đoan đã viết bài thơ Buổi sáng năm 2000. Chị thường tặng Phú Quang tác phẩm mới, cả bài lẻ và sách in, nhạc sĩ coi như em gái. Phú Quang đã phổ bài thơ này nhanh chóng thành ca khúc Catinat cà phê sáng và hào hứng khẳng định: "Thế giới chưa có nhà hàng, quán nào có bài hát, trừ Hotel California. Catinat là quán đầu tiên nhé!".
Người sao của chiêm bao làm vậy
Ai không hiểu cứ kêu sản phẩm của Phú Quang bán gì cũng đắt. Đắt xắt ra miếng. Người sao của chiêm bao làm vậy. Tiền nào của ấy. Thành ngữ nào cũng đúng. Sách, đĩa, đêm nhạc như con người nhạc sĩ luôn chỉn chu, sang trọng, được đầu tư công phu, lao tâm lao lực, không hề có chuyện phiên phiến ào ào hàng chợ. Chữ đẹp, Phú Quang hay lưu bút tích trên bìa quyển nhạc trong CD, sách, vé, tờ rơi, cả chữ ký viết nguyên tên lẫn chữ viết. Nét chữ nết người. Và bởi yêu văn chương, có phông văn học vững, ông thường tự viết lời dẫn cho các chương trình của mình. Trước kia, ông tín nhiệm nhạc sĩ Hồ Quang Bình (tóc trắng, giọng đọc truyền cảm), sau này mời NSND Lê Khanh.
Sức sống của thi phẩm, danh tiếng các nhà thơ lan tỏa thêm nhờ Phú Quang và qua ông, cách ứng xử của ông, tôi chưa khi nào thấy ân hận khi làm thi sĩ. Bởi Phú Quang rất trân trọng nhà thơ. Đến như Thanh Tùng, thi sĩ Hải Phòng mà ông đã "kết duyên" với Hà Nội ngày trở về, Mùa Thu giấu em... Phú Quang cũng ghi rõ: Thơ Doãn Thanh Tùng, dù chỉ dùng vài câu... cũng ghi rõ họ nhà thơ, bởi đã có nhạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trần Thanh Tùng. Phú Quang đã phổ thành công các thi phẩm của: Dương Tường (Im lặng đêm Hà Nội, Tình khúc 24), Hữu Thỉnh (Thơ viết ở biển), Giáng Vân (Đâu phải bởi mùa Thu), Đỗ Trung Quân (Tháng 6), Hoàng Hưng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thảo Phương, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Hồng Thanh Quang, Thái Thăng Long (Chiều Phủ Tây Hồ), Trần Mạnh Hảo (Tôi muốn mang Hồ Gươm đi). Tôi đặc biệt thích Romance và Trong ánh chớp số phận (thơ Ý Nhi). Trong ánh chớp... có câu "Xe cấp cứu đang đến", Ngọc Anh hát hay bài này và biểu diễn nhạc Phú Quang thành công nhiều bài nhất. Câu như thế mà ông cũng đưa được vào nhạc một cách kịch tính.
Ông viết cả rock (Rock buồn), dịu dàng đắm say Điều giản dị, Tâm sự người ca sĩ là ca khúc chung nhất viết cho nghề hát một cách kỹ càng, thấu hiểu, bằng ca từ của Phú Quang.
Năm 1985, Phú Quang rủ vợ "Nam tiến" với bàn tay trắng nhưng 2 người đã có tên tuổi ở Hà Nội. Vào TP.HCM được bạn bè giúp đỡ, bà con Hà Nội ủng hộ, họ gây dựng được sự nghiệp lên đến đỉnh cao khi rời Hà Nội. Năm ấy, Phú Quang đã có nhạc phim Bao giờ cho đến tháng Mười, hòa tấu tuyệt vời Tình yêu của biển và trường ca Em ơi Hà Nội phố.
Phan Vũ là tác giả - đạo diễn từng công tác tại Hãng Phim truyện VN, người vợ mà ông mãi nhớ thương là Phi Nga - vai nữ chính trong phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Chung một dòng sông (1959), vì bệnh mà sớm qua đời. Ông đa tài, còn làm thơ, vẽ tranh từ trẻ. Phan Vũ đã viết bài thơ hay nhất ấy từ căn gác 52 Hàng Bún. "Tiếng chuông ngân" là nhà thơ Cửa Bắc. "Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ" là tiếng đàn của chị em pianist Trịnh Thị Nhàn (con của danh họa Trịnh Hữu Ngọc và Nguyễn Thị Khang). Sau này, gác 3 và 4 ấy, Phan Vũ để lại cho NSND Trần Văn Thủy và đạo diễn cho con trai nơi ở này. Hiện họa sĩ Trần Nhật Thăng cùng vợ và 3 con gái sống tại đó, sàn gỗ, cầu thang gỗ vẫn giữ nguyên.
Nhiều người cho rằng, nhờ thơ Phan Vũ hay mà Phú Quang có bài hát để đời. Thế là không công bằng. Chính nhờ bài hát này mà đông đảo công chúng biết đến thơ Phan Vũ. Đọc nguyên tác thì nhận ra, những khúc đoạn hay nhất được Phú Quang thăng hoa bằng âm nhạc. Nhạc của ca khúc này dùng nhiều làm nhạc nền, nhạc hiệu chương trình Hà Nội của chúng ta (Đài Truyền hình Hà Nội) chuyển soạn cho hòa tấu guitar, piano.
Ngôi nhà năm xưa Phú Quang sống cùng cha mẹ anh em đã san phẳng sau trận bom B52 năm 1972, nay là Đài Tưởng niệm. Ông đã viết tác phẩm Khâm Thiên về dấu ấn lịch sử bi tráng này năm 2018. Tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn, Phú Quang đã chơi đàn nơi bối cảnh phục dựng Khâm Thiên đổ nát.
Ở thủ phủ phương Nam ấy, tôi đã được xem Phú Quang chỉ huy dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM trong các đêm hòa nhạc và dàn nhạc chơi trực tiếp cho các vở múa mà Phú Quang đảm nhiệm viết nhạc. Tôi chứng kiến nhạc sĩ rất khó tính khi tập cho ca sĩ, ban nhạc, dàn nhạc. Ông vừa phối khí, chỉ huy, chỉ đạo nghệ thuật lại là giám đốc sản xuất các đêm diễn của chính mình, bận mờ mắt, lao lực, không vì mệt mà ù xòa qua loa. Các ca sĩ "sao" gì hát cho ông đều có thể bị mắng, chỉnh sát sao. Họ - Thanh Lam, Hồng Nhung, Ngọc Anh, Tấn Minh, Mỹ Linh, Trần Thu Hà đều một hai "chú - cháu" lễ phép, phải theo guồng nghiêm khắc ấy, không ai "chống lệnh", tranh cãi lại. Chú tập xong thì lại vui vẻ, tình cảm chú cháu rất chân thành. Ông còn biết bấm huyệt, bắt mạch, nên khi tập hay trước lúc diễn, ca sĩ hay ai bị mệt, cảm, là "thầy lang Quang" ra tay.
Phong lưu như Phú Quang
Ai đó "định kiến" sai lầm rằng, nghệ sĩ nói chung, nhạc sĩ, thi sĩ nói riêng thì cứ bù xù, luộm thuộm, lơ ngơ, la đà. Đó là một "lối mòn" suy nghĩ lệch. Tôi không khi nào thấy hình ảnh ấy ở Phú Quang. Ông sống bằng nghề đúng nghĩa, một cách phong lưu.
Đầu thập niên 2000, ở Sài Gòn Phú Quang còn là một ông chủ, doanh nhân có tiếng. Nhà hàng - quán sang của ông Catinat - 48 - 50 Đồng Khởi (tên cũ thời trước giải phóng là Catinat) thu hút rất đông khách là giới nghệ sĩ, doanh nhân. Người Hà Nội vào Sài Gòn thích đến đây, ở đây dễ gặp người quen, bạn cũ, những ai lâu không gặp. Mọi người ưa nơi này, vì yêu mến Phú Quang - nhạc, phong cách, sự hiểu biết của ông. Đến đây, hưởng thụ không gian đẹp, văn minh, không bao giờ bật nhạc sến, ồn (tất nhiên, khi người thẩm duyệt là một nhạc sĩ đề cao nhạc cổ điển, bác học), được nghe các hòa tấu, tác phẩm kinh điển và nhạc Phú Quang âm lượng dịu để Catinat luôn thanh lịch và yên tĩnh kể cả lúc cao điểm (có cơm trưa văn phòng, ăn tối). Quán đông khách dù giá đắt, không ai thắc mắc khi tọa vị trí kim cương, lại được vô số ưu việt tinh thần, có hẳn ban nhạc Black Roses chơi buổi tối. Đây là một bối cảnh không thể nào quên trong kí ức tôi. Điểm hẹn của những người quý mến. Nơi tôi hẹn phỏng vấn đạo diễn Ngô Quang Hải, diễn viên Trịnh Kim Chi và một số nhân vật tiếng tăm của đất nước. Nơi tôi được nghe Phú Quang kể nhiều câu chuyện cuộc đời.
Một lần ông hỏi tôi: "Cháu có biết có đĩa bánh cuốn 2 triệu không"? Tôi kinh ngạc: "Bánh cuốn nhân thịt lợn, mộc nhĩ thì biết, nhưng 2 triệu đồng/đĩa thì cháu chưa nghe thấy bao giờ? Thời giá lúc đó 1,5 triệu đồng/chỉ vàng. Phú Quang cười: "Chuyện thật đấy. Chú ăn đều cả tuần, cả tháng nếu có thời gian ở đó. Chú nghỉ mát ở đảo Tuần Châu. Tuần Châu đang làm đường ra biển, nên phải đi cano vào Hạ Long ăn sáng. Đĩa bánh cuốn 20 nghìn đồng nhưng chuyến cano hết 2 triệu đồng mà fan ruột sẵn sàng chiều".
Trong một bữa trưa sau đó, toàn những người đàn ông thành đạt, tôi được giới thiệu luôn: "Đây, người mời bánh cuốn đây!" - Chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển. Hôm ấy có NSƯT Quang Lý, người con Hải Phòng thành đạt ở phương Nam, gắn bó với nhạc Phú Quang. Cựu chiến binh tàu không số, doanh nhân Đào Hồng Tuyển xác nhận ngay: "Đúng là sự thật. Mà có đắt hơn thế, tôi vẫn chiều. Nhân tài và mỹ nhân đều là tài sản quốc gia, không chiều thì chiều ai".
Trinh Hương tấm tắc: "Chú Đào Hồng Tuyển tốt và chiều bố tôi lắm. Đĩa bánh cuốn 2 triệu, tôi đã ăn. Chú tặng vợ chồng tôi tuần trăng mật ở Tuần Châu, tính bố Quang thích đông vui, nên trăng mật lứa đôi thành trăng mật của cả công ty của bố. Chú Tuyển bao hết".
20 năm đi qua, không thể "tắm" thêm kỷ niệm một bữa trưa nào như thế. 20 năm ở Sài Gòn, Phú Quang ra hẳn - trở về Hà Nội. Catinat sang nhượng rồi đóng cửa.
(Còn tiếp)
Vi Thùy Linh