Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã thoát kiếp trần

Thứ Hai, 22/3/2021, 7:39 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Thế là là văn Nguyễn Huy Thiệp đã thoát kiếp trần để về cõi Phật, hưởng thọ 72 tuổi ta. Tôi không ngạc nhiên về việc ông ra đi, bởi từ áp Tết Âm lịch Tân Sửu, khi tôi đến thăm, tôi tiên liệu ngày “Giời kêu ai nấy dạ” của ông đã rất gần.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời ở tuổi 71

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời ở tuổi 71

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã qua đời vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 20/3 tại nhà riêng. Thông tin trên được nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh, bạn thân của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ.

1. Nhớ lúc đó, con trai thứ của Nguyễn Huy Thiệp nói cho tôi biết: “Theo thầy dặn, chúng cháu phải cố giữ cho bố cháu, ít nhất là qua được Tết Âm lịch, chứ nếu không sẽ trùng tang”. Chả là trước đó vài tháng, bà Trang, vợ nhà văn đã ra đi. Khổ nhất là, khi vợ qua đời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nằm mê man bất tỉnh, không biết gì. Sau ít ngày, khi các con nói, ông mới gật gật, ý chừng đã biết. Lúc ấy, trông gương mặt ông đau buồn khôn xiết. Để tránh cảnh tang thương, các con ông đã chuyển giường nằm của ông từ căn nhà trên nơi có bàn thờ của bà vợ xuống căn nhà dưới, cách xa một khoảng sân.

Ngày tôi đến thăm lần cuối đó, nhà văn đã rơi vào tình trạng hôn mê, không biết gì. Các con để ở đầu giường cái radio, mở băng giọng đọc các truyện ngắn của ông để ông nghe. Chẳng biết ông có nghe được gì không, chỉ biết đó là liệu pháp tâm lý do các anh con trai nghĩ ra, chắc là do ai mách. Dĩ nhiên là mở radio có giờ thôi, chứ không phải triền miên.

Nguyễn Huy Thiệp, Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Huy Thiệp đã thoát kiếp trần, Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã thoát kiếp trần
PGS-TS Văn Giá (phải) cùng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lên thăm Hua Tát (Sơn La, 2017)

Do nhà tôi ở không quá xa nhà ông Nguyễn Huy Thiệp, nên thỉnh thoảng tôi đến thăm. Lại nữa, có một thầy Đông y trẻ, do lòng quý mến nhà văn, nên có nhờ tôi gọi điện con trai nhà văn xin phép đến để thăm bệnh chữa trị cho ông. Các con ông, cậu cả là họa sĩ, cậu thứ nghề nghiệp tự do đã cho phép thầy thuốc Đông y này thăm khám. Sau một hồi bắt mạch, trao đổi với 2 người con của nhà văn, thầy Đông y kết luận: Bệnh có thể tiến triển tốt, nhưng phải có sự kết hợp tận tình của người nhà thì mới hy vọng…

2. Những lần trước đó tôi đến thăm, có lần nhà văn Nguyễn Huy Thiệp còn nói chuyện được. Ông nói rất nhiều, như thể nếu không nói, sợ rồi ra đi không còn có thể nói được nữa. Tôi nhớ nhất chuyện ông bảo đại ý: Nơi đào tạo học viên viết văn là rất tốt, là nơi duy nhất hiện nay ở nước ta, hãy rèn cho chúng cái đạo viết văn; rằng làm anh nhà văn là phải có đạo, nếu không có đạo chỉ có thể trở thành kẻ vô đạo trong nghề, tức là viết nhảm nhí, là phản động…

Có hôm, ông bảo tôi rằng ông có một người bạn thân sống một mình, có độc một anh con trai đang định cư bên Tây; ông ấy có cái trang trại rất lớn, mênh mông; ông ấy mời nhà văn thỉnh thoảng lên đấy ở ít ngày để nghỉ dưỡng và viết; rằng bây giờ em (tức tôi, người viết bài này) và thằng Bách (họa sĩ, con trai) nên lên đó lập một cái nhà sáng tác, làm thế nào đó để tạo ra một sân chơi, thực hành ý tưởng tự do sáng tạo thì tốt lắm… Nghe xong, để làm cho ông vui lòng, tôi chỉ gật đầu tán thưởng thôi. Tôi còn trêu ông: “Nếu khi nào thành lập xong, anh phải đứng ra làm hiệu trưởng nhé!”. Ông cười, có vẻ như thể vừa dứt ra khỏi cơn lãng mạn đó.

Nguyễn Huy Thiệp, Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Huy Thiệp đã thoát kiếp trần, Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã thoát kiếp trần
Nguyễn Huy Thiệp với lớp học viết văn ngắn hạn tại Khoa Viết văn - Báo chí (Đại học Văn hóa Hà Nội)

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được coi là một trong những nhà văn thân thiết của Khoa Viết văn, Báo chí (ĐH Văn hóa Hà Nội) nơi tôi công tác. Hầu như hằng năm, tôi mời nhà văn đến nói chuyện cho sinh viên hoặc học viên các lớp ngắn hạn. Ông rất vui vẻ nhận lời. Tuy nhiên, ông hay mặc cả rằng ông không biết nói gì, cho nên phải có người ngồi cùng, hoặc là tôi; hoặc là nhà nghiên cứu phê bình trẻ, giáo viên của khoa, Tiến sĩ Mai Anh Tuấn- người làm luận án về văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Cách thức của chúng tôi là, ngồi bên cạnh ông để kết nối với học viên, và đưa ra các câu hỏi để ông trả lời, hết câu hỏi này đến câu hỏi khác theo một mạch chủ đề nào đó; cuối cùng là các sinh viên/học viên hỏi thêm.

Nhưng có điều khá thú vị, lúc đầu ông nói lập cập, rời rạc, nhưng khoảng từ phút thứ 30 trở đi ông nói rất say sưa, có khi không dứt chuyện. Khi đó tâm trạng ông được kích hoạt, gợi đúng mạch chuyện, thành ra càng về cuối nói càng hay. Có những buổi ông nói chuyện rất chất lượng và để lại nhiều dư vị.

3. Nhà tôi ở cách nhà ông không xa. Vào những ngày Tết, có năm tôi về quê. Có lần vào mùng 2 Tết, ông đạp xe sang nhà tôi chơi. Tiếc quá, tôi không có nhà. Ông nhắn lại với hàng xóm rằng ông đến chúc Tết. Khi trở về, tôi bèn gọi điện chúc Tết ông. Có đến 2 năm vào dịp Tết, ông sang tôi chơi nhưng tôi vắng mặt và ông để lại lời nhắn trên điện thoại. Ông là người rất chịu khó nhắn tin trên điện thoại. Lắm khi gọi qua điện thoại, ông cũng ít nghe.

Nhớ Tết năm 2020, tôi rủ nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên sang nhà thăm ông, lúc đóông đang còn khỏe. Ông mời chúng tôi ra ngồi ngoài sân cho sáng để ông vẽ chân dung lên đĩa gốm. Nhìn những nét vẽ chạy mờ trên gốm phôi, dần hiện lên một chân dung rất ảo huyền. Ông bảo ít hôm nữa ông sang Bát Tràng để nung, xong thì ông sẽ tặng. Một cuộc gặp gỡ mùng 5 Tết thật vui.

Ít ngày sau, ông gọi điện cho tôi hẹn sang nhà tặng tranh gốm. Tôi vội bảo: “Anh cứ ở nhà để em sang xin, chứ bắt anh đi thì tội quá”. Ông bảo: “Mình cũng thích đi cho vui mà”. Thế là ít phút sau ông đạp xe sang. Bức vẽ khi qua lửa hiện lên đường nét rất rõ, đậm, tài hoa. Khi tôi đưa mấy đồng gọi là mừng tuổi, ông chối đây đẩy. Ông có cái thú vẽ chân dung trên gốm từ nhiều năm nay, vẽ nhiều chân dung của các nhà văn nổi tiếng Tây, Tàu, ta đủ cả. Nhưng ông vẫn thích nhất là được vẽ tranh các nhà văn hiện thời mà ông quý.

Sau cái Tết ấy chưa đầy 1 tháng, nghe tin ông tai biến nặng. Chữa chạy. Tập đi. Cầm cự mãi được già 1 năm. Bây giờ thì giời đã xuống chiếu bắt ông về.

4. Vẫn biết là không cưỡng khỏi mệnh giời, nhưng sự ra đi của ông vẫn gây chấn động mạnh mẽ vào tâm trí bạn bè trong giới, và cả những bạn đọc xa gần vốn rất ngưỡng mộ ông.

Cái hôm gần Tết vừa rồi, sau khi thăm ông trở về, tự nhiên tôi nghĩ giá như Việt Nam mình có luật “Cái chết nhân đạo” như một số nước Hà Lan, Bỉ, Luxembourg…áp dụng, thì nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nên chọn, chứ trông ông nằm đấy mà khổ quá. Thân thể tong teo, chỉ còn da bọc xương, ông nằm nhắm mắt thở khẽ, không còn nhận biết được gì nữa. Nhìn đau lòng lắm…

Bây giờ thì ông đã thoát kiếp để bay về cõi cao xanh. Tên tuổi và văn chương của ông đã khắc tạc vào lịch sử văn chương đất nước. Giá như ông còn khỏe, dễ thường năm nay ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học. Hôm sang thăm ông, tôi bảo: “Anh khỏe lên, hôm nào anh đi nhận Giải thưởng Nhà nước, thầy trò khoa chúng em tháp tùng”. Nghe xong, ông lặng lẽ cười tươi, không nói gì…

PGS-TS Ngô Văn Giá

(Ngày nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về giời, 20/3/2021)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến