“Những gì bạn nhìn thấy trên màn hình, trong đêm chung kết chỉ là một cạnh của khối đa giác mà thôi, trong khi giám khảo phải nhìn đủ hết mọi cạnh của khối đa giác đó!”
* Tình hình là đã… “hoàn hồn” chưa, ông anh?
- Hoàn hồn sao được! Một người đàn ông chia tay một người đẹp đã đủ để mất hồn, huống hồ đây còn phải chia tay cùng lúc những 40 người đẹp, sau cả tuần hoa mắt trước một rừng nhan sắc và lạc lối giữa ma trận của các tiêu chí!
* Hoa mắt? Thảo nào… Nói thật, em chả thấy ấn tượng gì lắm với gương mặt vừa đăng quang Hoa hậu VN năm nay đâu nhé!
- Chuyện đó thường mà! Hồi trước, đứng ngoài, tôi cũng hay nghi ngờ lựa chọn của BGK lắm, khi mà mỗi người xem thường có một “hoa hậu” của riêng mình. Nhưng giờ đứng trong cuộc rồi, tôi mới thấy để giành được chiếc vương miện, cũng như làm giám khảo một cuộc thi sắc đẹp quả là khó khăn! Để lọt vào mắt của bằng ấy vị giám khảo, sau chừng ấy ngày không làm việc gì khác ngoài “nâng lên đặt xuống”, là cả một chặng đường chinh phục không đơn giản của những cô gái trẻ trước sứ mệnh phô diễn cái đẹp của mình, không chỉ ở ngoại hình. Nên nhớ, những gì bạn nhìn thấy trên màn hình, trong đêm chung kết chỉ là một cạnh của khối đa giác mà thôi, trong khi giám khảo phải nhìn đủ hết mọi cạnh của khối đa giác đó!
* Gương mặt, nghe nói là khả ái (?), ừ thì cứ cho là có thể đổ lỗi cho trang điểm hoặc mức độ ăn hình đi, nhưng cái dáng “đào thế” – nhẽ đâu em lại nhìn nhầm được nhỉ?
- Bình tĩnh nào! Ngọc còn có vết, huống hồ người đẹp! Các cụ bảo rồi, “nhân vô thập toàn”… Hay nói như giám khảo Bùi Bích Phương, quan trọng là phải nhìn ra vẻ đẹp của một bông hoa đang hé nở. Vì thế, hãy cho hoa hậu của chúng ta thêm thời gian đi, khi mà theo lẽ thường, vẻ đẹp của người phụ nữ VN thường “chín” và “rộ” ở độ tuổi 24 – 25, mà Hoa hậu vừa đăng quang của chúng ta thì hẵng còn đang ở tuổi 21. Bạn không thấy là hầu như hoa hậu, á hậu nào ở ta cũng đẹp dần lên theo thời gian so với lúc đăng quang sao? Chuyện này, nó gần như đã là quy luật rồi!
* Nói như anh, thế thì đàn ông họ đã không lao vào gái trẻ! Họ thậm chí còn giương cao khẩu hiệu: “Trẻ là đẹp” nữa là khác!
- Trẻ là đẹp, đúng, nhưng đẹp không chỉ là trẻ! Đẹp nào bằng cái đẹp của sự tự tin, nhất là khi đã làm được một cuộc bứt phá khó khăn đến thế, trước bao nhiêu đối thủ đáng gờm! Rồi thì, sự “chín tới” của trải nghiệm, của cảm xúc; cơ hội xuất hiện, cọ xát trước công chúng; cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các chuyên gia làm đẹp… - Ngần ấy thứ sẽ dần giúp những bông hoa hé mở trở nên mãn khai như những gì chúng ta đang thấy hôm nay với Thùy Dung, Ngọc Hân…!
* Có nghi ngờ: Người được trao vương miện năm nay chẳng qua là vì… nghèo, khi trước thềm chung kết, đã có một bài báo gây sốc và gây… nản: “Nhà không giàu, đừng thi hoa hậu” (dù về cuối có khi phải thêm vào: “Trót cưới chồng thì đừng có dại mà đi thi hoa hậu!”)?
- Có câu: “Người đẹp vì lụa”, nhưng trên thực tế, đã đẹp thì hầu như… mặc gì cũng đẹp! Ít ra là trong mắt đàn ông. Giàu nghèo do đó không ăn thua gì ở đây đâu bạn!
* Lựa chọn của BGK Hoa hậu VN năm nay tiếp tục được coi là an toàn khi vẫn lại phải là một gương mặt “thuần Việt” mà không thể là một vẻ đẹp Nhật hay có số đo “lệch chuẩn”. Dường như chỉ có duy nhất một năm họ làm được điều đó thì phải: Ngọc Khánh – cô gái có gương mặt rất giống Julia Robert?
- Cái gọi là “thuần Việt” theo tôi không phải bất biến mà đã thay đổi rất nhiều so với vẻ đẹp tròn trịa mà chúng ta vẫn thường thấy trong những bức ảnh đen trắng đầu thế kỷ trước. Thêm vào đó, là những yếu tố đương đại bao gồm quan niệm sống, quan niệm thẩm mỹ, các chỉ số nhân trắc học, xã hội học… Cái “thuần Việt” của từng thời kỳ và từng cuộc thi do đó cũng khác nhau. Cuộc thi Hoa hậu VN năm nay quả là đã xuất hiện khá nhiều vẻ đẹp lạ “lai Ấn”, “lai Nhật”, “lai Âu” và tất cả đều đáng được nâng niu như nhau. Tuy nhiên để thỏa mãn được các tiêu chí mà cuộc thi đề ra thì tiếc là chưa đủ…
* Phú Thọ quê anh lần đầu tiên có được đại diện vào chung kết đấy nhỉ, anh thấy chuyện đó có lạ bằng việc… anh bỗng dưng được mời ngồi ghế giám khảo?
- Cả hai việc tôi đều thấy khá bất ngờ và thú vị, nhưng cũng là có lý! Các cô gái quê tôi xưa nay vốn nổi tiếng về nước da trắng hồng và giọng nói chuẩn nhờ lối phát âm luôn tròn vành rõ chữ, không bao giờ bị nhầm lẫn giữa “n” và “l”; lại có thêm “đặc sản vùng” là hát xoan ghẹo… Chỉ tiếc là “Mị nương” đã không vào được đến vòng ứng xử để phô diễn thế mạnh đó.
* Là một nhà thơ, anh thích câu hỏi nào nhất trong 5 câu hỏi ứng xử?
- Thứ nhất là câu hỏi về bức thông điệp trong cái chai. Thứ hai là câu: “Bạn thấy mình đẹp nhất khi nào?”. Cái hay của nó theo tôi là rất gợi mở và cũng khá là lãng mạn, dễ đấy mà khó đấy!
* Có cái “dễ” này tôi sợ sẽ “làm khó” anh này: Nghe nói đàn ông đi chấm thi hoa hậu về rất dễ… chán vợ, anh coi chừng đấy nhé!
- Đấy, cũng chính bởi lo xa thế nên trước khi “lên đường làm nhiệm vụ”, tôi đã trao cho “nàng” giải thưởng “Hoa hậu tôi” trên FB cá nhân rồi thôi!
Những hình ảnh ấn tượng trong đêm chung kết HHVN 2012:
Theo Đẹp