(Thethaovanhoa.vn) - Các vấn đề thời sự nóng bỏng, thậm chí là gây chấn động của đời sống nhân loại và văn hóa vẫn được cho là “nghịch” nhau. Nhưng qua ngòi bút của nhà báo Hồ Quang Lợi, hai chủ đề ấy đã được “mix” lại một cách hài hòa, nhuần nhuyễn, lột tả được mối quan hệ biện chứng giữa thời cuộc - văn hóa trong cuốn sách có tên Thời cuộc và văn hóa.
Sáng qua (17/6), tại Thư viện Hà Nội, nhà báo Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã ra mắt cuốn sách 'Thế sự và mắt nhìn'.
1. Do NXB Hà Nội ấn hành Thời cuộc và văn hóa dày hơn 500 trang, tuyển chọn 56 bài báo được tác giả viết trong khoảng thời gian trên 20 năm và được chia thành 5 phần: Trong lốc xoáy thế sự; Văn hóa giữ nước; Phẩm cách những con người; Lõi vàng văn hiến Việt Nam và Văn hóa và báo chí.
“Những năm tháng làm báo và làm công tác tuyên giáo đã giúp tôi hiểu về văn hóa Việt Nam để soi chiếu ra thế giới” – nhà báo Hồ Quang Lợi giải thích lý do ông chọn thời cuộc và văn hóa trong cùng một cuốn sách. “Văn hóa là gốc của đời sống con người. Mọi sự kiện diễn ra trong đời sống chính trị của thế giới có mối liên hệ chặt chẽ với nền tảng văn hóa. Văn hóa vừa mang tính nhân loại nhưng cũng lại rất dân tộc.”
“Thời cuộc và văn hóa tưởng chừng như không có mối liên hệ với nhau nhưng thực ra lại vô cùng gắn bó và ảnh hưởng trực tiếp qua lại lẫn nhau” – ông nói thêm – “Những cuộc chiến tranh có thể hủy diệt các di sản và đe dọa sự tồn vong của một dân tộc, làm thay đổi các giá trị về văn hóa. Nhưng ngược lại, văn hóa là cái còn lại, là cái gắn kết và cứu rỗi các dân tộc khỏi chiến tranh”.
Có những dòng chảy văn hóa đưa thế giới đến tương lai nhưng cũng có những dòng chảy như chiếc nôi êm đưa thế giới trở lại với cội nguồn. Đó không phải là hai chiều đối chọi của thế giới hiện đại mà là hai gương mặt của một thế giới khi tiến lên thì sẽ tìm lại những giá trị cao quý đã bị chôn vùi.
Thực tế, xã hội hiện đại mà chúng ta đang sống thuộc thời đại truyền thông kỹ thuật số, với những tác động có thể làm làm lung lay những giá trị văn hóa.Dẫu vậy, theo nhà báo Hồ Quang Lợi, chính các giá trị văn hóa đích thực sẽ giữ lại tất cả những gì tốt đẹp nhất của loài người.
“Tôi muốn thông qua cuốn sách này truyền đi những thông điệp của cá nhân tôi và tôi tin cũng là suy nghĩ của nhiều người: khi đối mặt với những vấn đề mới của thời đại truyền thông kỹ thuật số, chúng ta phải luôn luôn chú trọng, bảo vệ, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc” – nhà báo Hồ Quang Lợi nói tiếp – “Làm được điều ấy, chúng ta sẽ có đủ cơ sở, nền tảng vững chắc để giải quyết các vấn đề thuộc về chính trị, xã hội, kinh tế, thậm chí hóa giải được các nguy cơ như chiến tranh, mẫu thuẫn dân tộc, tôn giáo…”
Như lời nhà báo Hồ Quang Lợi, khi viết về các vấn đề thời cuộc, trước câu hỏi: “Chúng ta phải giải quyết những nguy cơ của thế giới này bằng con đường nào?”, ông luôn nghĩ ngay tới văn hóa.
“Nếu văn hóa kết nối được các dân tộc, các tôn giáo với nhau… và từ đó tìm được tiếng nói chung thì chúng ta sẽ giải tỏa được tất cả!” – ông nói
2. Đọc Thời cuộc và văn hóa độc giả cũng sẽ thấy được văn hóa đứng ở vị trí nào và có ý nghĩa ra sao trong thời cuộc của chính nhà báo Hồ Quang Lợi.
Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc nhận xét: “Hồ Quang Lợi cho rằng văn hóa là hành trình nhận thức các giá trị trong “những cơn đau lịch sử’. Chỉ khi nào các giá trị khác biệt tiếp cận và chung sống với nhau mới có thể hóa giải mọi xung đột. Văn hóa là nơi chưng cất các giá trị bền vững, có sức quyến rũ nhất của đời sống nhân loại. Ví dụ, sau trận “đại hồng thủy” ở Nhật Bản, Hồ Quang Lợi hướng chúng ta đến tinh thần Nhật Bản. Nét đẹp văn hóa của người Nhật Bản khiến cả thế giới kinh ngạc, ngưỡng mộ.
Nhưng chính người Nhật Bản lại ngạc nhiên về sự ngạc nhiên này của thế giới. Vì theo họ, đó là cách ứng xử rất đỗi bình thường khi đất nước gặp tai họa. Hai yếu tố giúp con người Nhật Bản có kỷ luật trước thử thách là văn hóa và giáo dục. Văn hóa là nền tảng tinh thần của cả dân tộc. Giáo dục đưa con người ta vào khuôn mẫu, cách ứng xử hợp với văn hóa…”
Cũng qua Thời cuộc và văn hóa độc giả chắc chắn cũng sẽ rất tâm đắc với đúc kết sắc sảo của Hồ Quang Lợi, rằng: việc giữ bản sắc dân tộc, bảo vệ và phát huy thế mạnh văn hóa của quốc gia là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ. Khi văn hóa trở thành giá trị, dân tộc nào có tầm vóc về văn hiến thì dân tộc đó sẽ đứng vữn và trường tồn trước bất cứ kẻ thù nào.
Văn là người. Đọc văn thấy người. Thường năng lượng tiềm ẩn ở đâu thì khí chất toát lộ lên ở đó. Hồ Quang Lợi là cây bút giàu trầm tích văn hóa. Vì vậy, các trang viết của ông, dù với đề tài nào và ở đâu đều được soi chiếu dưới lăng kính văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng để mổ xẻ, phân tích và đúc kết những triết lý nhân sinh.
Đó mới là Hồ Quang Lợi, chính là Hồ Quang Lợi. Và đó cũng chính là Thời cuộc và văn hóa – bởi dù khó tính, độc giả vẫn tìm thấy trong cuốn sách này hai chân dung hoàn chỉnh trong một con người: nhà báo văn hóa trong văn hóa nhà báo Hồ Quang Lợi.
Vài nét về nhà báo Hồ Quang Lợi
Nhà báo Hồ Quang Lợi sinh năm 1956 tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài, chuyên ngành Văn học Pháp tại ĐH Tổng hợp Bucharest, Romania. Ông là nguyên Tổng biên tập báo Hà Nội mới, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội. Thời cuộc và văn hóa là tác phẩm thứ 12 trong sự nghiệp cầm bút của ông tính đến thời điểm này!
|
Người thư ký xuất sắc của thời đại
“Thời cuộc và văn hóa tràn ngập các sự kiện trong nước và thế giới trải dài mấy chục năm. Những biến cố mang tính lịch sử và thời đại ddwowcfj đề cập trong các bài báo của Hồ Quang Lợi luôn được đối chiếu, soi rọi không chỉ với những bài học kinh nghiệm quý báu trong quá khứ mà còn bao quát hiện tại và dự báo cho tương lai.
Cái nhìn chính sự, thời cuộc và thế giới của Hồ Quang Lợi luôn đạt tới sự thống nhất một cách khoa học, biện chứng giữa lý trí, tư duy chính trị và tính nhân văn, văn hóa bắt nguồn từ tài năng và cái tâm của người cầm bút.
Ai đó đã nói nhà văn, nhà báo là thư ký của thời đại. Hồ Quang Lợi là một thư ký chuyên cần và xuất sắc. Những bài viết của anh trong cuốn sách này đọc đi đọc lại vẫn còn nguyên hơi thở nóng hổi của thời cuộc” – TS Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội.
|
Hồ Quang Lợi - mẫu người văn hóa
“Người có văn hóa là người mới gặp thì ngại, nói chuyện thì khoái, chia tay thì mong ngày gặp lại. Và người có văn hóa là người luôn luôn biết hưởng thụ những thành quả chính đáng của mình. Nhà báo Hồ Quang Lợi là người tôi thấy hội đủ những tiêu chuẩn này.
Và đọc báo để làm giàu nhanh hơn, đọc tạp chí để làm nghề tốt hơn, nhưng chỉ có đọc sách mới làm người tốt hơn, nhất là đọc những sách liên quan đến văn hóa. Những ai đọc kỹ sách của Hồ Quang Lợi tôi tin sẽ đạt được cả ba cái đó” - ông Lê Doãn Hợp - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
|
Huy Thông