(Thethaovanhoa.vn) - Nghệ sĩ đàn tranh/piano Trí Nguyễn vừa trở về Việt Nam để giới thiệu album mới nhất của anh - Beyond Borders - một album mà theo anh, rất khác với những sản phẩm trước đây.
Beyond Borders có thể xem là một album “giao thoa” nhất của
Trí Nguyễn so với 2 album trước đây khi biên độ kết hợp giữa nhạc cụ Việt Nam và nhạc cụ của nhiều nền văn hóa khác là khá cao.
Anh dành cho Thể thao & Văn hóa (TTXVN) một số chia sẻ.
* Đây là lần thứ 5 anh về Việt Nam và như anh nhận xét là nơi này đã có rất nhiều thay đổi. Vậy còn âm nhạc của anh, nó cũng có thay đổi chứ?
- Về nước lần này là để tôi giới thiệu album mới của mình, Beyond Borders, một hướng đi hoàn toàn mới của tôi. Nếu như ở album đầu tay, Consonnances (Hòa điệu), tôi đã kết hợp cây đàn tranh Việt Nam cùng tứ tấu đàn dây cổ điển thì đến album thứ 2, A Journey Between Worlds, là sự pha trộn giữa đàn tranh và đàn oud cùng bộ gõ. Và ở album mới nhất lần này tôi chọn cách đi xa hơn khi kết hợp với nhiều nghệ sĩ ở nhiều châu lục, từ châu Phi, châu Mỹ cho đến châu Á, châu Âu.
Nghệ sĩ Trí Nguyễn
* “Beyond Borders” (Vượt mọi đường biên) là một chuyến du hành khá thú vị của anh. Lúc thấy anh ở Phi châu xa thẳm, lúc nghêu ngao cùng kèn túi ở Scotland và có lúc lại thấy rong chơi vui vẻ cùng “Lý ngựa ô”… Anh đặt cảm xúc gì ở chuyến du hành này?
- Tôi chỉ muốn rằng khi khán giả nghe nó sẽ không còn cảm thấy bị vướng bận bởi bất kỳ rào cản nào, không cần phải nhận biết mình đang sống trong thế giới nào mà chỉ cần biết cảm thụ thanh âm của tự nhiên để thấy con người thật nhỏ bé giữa thiên nhiên.
Chẳng hạn như ở bài Distant Voices (Thanh âm xa thẳm), tôi viết dựa trên những rung động của bộ gõ châu Phi. Đó là những giai điệu khác biệt, sống động và chân thực đến mức tôi như thấy trước mắt mình những sắc màu, đường nét, những phiên chợ náo nhiệt dưới ánh mặt trời cháy bỏng, và đâu đó tiếng hát lẫn trong những trảng cỏ nửa vàng nửa xanh. Tôi viết ra và thêm 2 câu của vọng cổ. Khi ca sĩ thể hiện xong, nói thật, tôi muốn ứa nước mắt.
Album thứ 3 vừa phát hành của Trí Nguyễn - “Beyond Borders”
* Lối mà anh đang đi đã từng có nhiều nghệ sĩ đã từng đi như Nguyên Lê, Hương Thanh, Vân Ánh… Anh có nghĩ rằng con đường của mình có sự khác biệt?
- Tôi nghĩ là không giống nhau đâu. Anh Nguyên Lê là một tài năng nhưng lối đi của anh ấy lại là jazz và do một người gốc Việt viết ra. Trường hợp chị Hương Thanh là người Việt hát nhạc truyền thống toàn phần và không dính dáng gì đến những thể loại âm nhạc khác.
Đó đều là những người mà tôi rất hâm mộ nhưng tôi lại không đi theo lối của họ. Con đường của tôi là mang âm nhạc Việt ra thế giới bằng những sáng tác của chính tôi hoặc là những giao thoa của nhạc dân tộc Việt với những thử nghiệm nhạc cụ của nhiều nền văn hóa khác nhau.
* Anh có nghĩ rằng những người như anh chọn con đường này sẽ là một lối đi rất khó khăn?
- Đúng là khó khăn thật nhưng tôi trót đam mê rồi. Tôi được diễm phúc thụ hưởng một nền tảng giáo dục song song giữa tân học và truyền thống từ thuở thiếu thời. Nhờ vậy, tôi đã sớm làm quen với cả âm nhạc bác học phương Tây qua những phím dương cầm cũng như âm nhạc cổ truyền Việt Nam cùng cây đàn tranh. Điều đó cứ thấm dần vào tôi và từ lâu tôi đã nguyện đi theo nó.
Nghệ sĩ Trí Nguyễn tên thật là Nguyễn Hữu Trí, tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP.HCM), sang Pháp tiếp tục theo học chuyên ngành piano tại Trường Sư phạm Âm nhạc Paris. Anh nỗ lực tập luyện và tuân thủ các phương thức chú âm cổ, theo ngũ cung thay vì chú âm theo hệ thống nốt nhạc phương Tây. “Tôi muốn chứng minh rằng âm nhạc cổ truyền của Việt Nam hoàn toàn đủ tầm vóc để biểu diễn ở những sân khấu lớn" - Trí Nguyễn chia sẻ. |
Nguyên Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa