(Thethaovanhoa.vn) - Trong thời điểm “chống dịch như chống giặc”, bên cạnh công tác tuyên truyền bằng tờ rơi, loa phường… âm nhạc cũng là kênh tuyên truyền được chú trọng. Tại Cần Thơ, các nghệ sĩ đã sáng tác lời mới, ghi âm những bản đờn ca tài tử, ca cổ, điệu lý, nội dung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Chỉ thị 16 của Chính phủ; ca ngợi tình người trong đại dịch; bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức, cá nhân đang ngày đêm ở tuyến đầu chiến đấu với dịch bệnh, mang lại an toàn cho xã hội...
Ca khúc “Chung tay phòng chống COVID-19" do nhạc sĩ Lê Hồng Phúc và diễn viên Phi Thanh Vân cùng khởi xướng, được 20 nghệ sĩ hưởng ứng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà hát Tây Đô đã hoàn thành 3 tác phẩm, với nội dung: tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh; bày tỏ tin tưởng tới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, các ban, ngành cùng những “chiến sĩ” quả cảm nói riêng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19; khích lệ mọi người vượt qua khó khăn để chiến thắng dịch bệnh.
Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Nga, Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô cho biết: Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà hát Tây Đô đã chủ động đặt hàng các soạn giả viết lời cổ động, cũng như tìm kiếm các tác phẩm phù hợp để dàn dựng cho nghệ sĩ biểu diễn. Anh em nghệ sĩ tự luyện tập, tiến hành thu tiếng từng người, tránh tiếp xúc quá hai người. Để những tác phẩm được lên sóng phát thanh, truyền hình, cũng là sự nỗ lực rất lớn của tập thể, cá nhân các nghệ sĩ Nhà hát Tây Đô. Đặc biệt, các nghệ sĩ đã tận dụng tối đa các trang mạng xã hội cá nhân để tải lên các tác phẩm, từ đó lan tỏa đến đông đảo tầng lớp nhân dân.
Là người trực tiếp tham gia ghi âm 3 tác phẩm có nội dung tuyên truyền: 1 trích đoạn, 1 bản tài tử, 1 bản song tấu, nghệ sĩ Phương Anh cho biết, đây là lần đầu tiên có từ ngữ lạ như “virus Corona”, những lời hiệu triệu phòng, chống dịch xuất hiện trong những bài bản ca cổ, khiến nghệ sĩ thể hiện cảm thấy vừa lạ lẫm vừa phấn khích. “Trên nền tảng cơ bản là sáng tác của tác giả, tôi thể hiện thật sinh động để bài ca có được không khí vui tươi, bà con yêu cải lương dễ tiếp nhận, hiểu rõ cách phòng dịch bệnh, vừa bảo vệ mình, vừa bảo vệ cộng đồng” - nghệ sĩ Phương Anh chia sẻ.
Ông Đặng Thành Thái, Phó đoàn Cải lương Tây Đô nhận định: Cải lương, ca cổ, tài tử là mạch sống tinh thần của người dân phương Nam, với những tác phẩm tuyên truyền của Nhà hát Tây Đô, khẳng định bộ môn nghệ thuật vẫn có thể hòa cùng dòng chảy thời sự, để không xa rời cuộc sống và có những đóng góp cho cộng đồng.
Điểm cốt yếu chính là người nghệ sĩ phải bám cuộc sống để kịp thời phản ánh những vấn đề nóng hổi thông qua tác phẩm văn nghệ của mình. Đồng thời, phải biết làm mới ca từ, cách thể hiện, cũng như phương thức truyền tải tác phẩm để thông điệp lan tỏa đến mọi người dân một cách hiệu quả nhất.
Đồng quan điểm trên, soạn giả Nhâm Hùng – Một nghệ sĩ gạo cội đất Tây Đô cho biết, đây chính là thời điểm người nghệ sĩ cần thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội, với cộng đồng. Nghệ sĩ cũng là chiến sĩ, mỗi tác phẩm nghệ thuật là một vũ khí đóng góp vào công cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19.
Soạn giả Nhâm Hùng vừa ra mắt bài vọng cổ “Nghĩa đồng bào”, với nội dung ca ngợi đội ngũ nhân viên y tế, những hoạt động nhân ái giúp đỡ người nghèo trong cơn đại dịch…được đông đảo người dân đón nhận và chia sẻ dù mới chỉ công bố trên facebook cá nhân. “Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có chỉ đạo cho Trung tâm Văn hóa thành phố thu thanh, thu hình bài vọng cổ để phát rộng rãi trên hệ thống loa phát thanh tại các quận, huyện; cũng như phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ để ” – Soạn giả Nhâm Hùng chia sẻ.
Nghệ sĩ Nguyễn Thành Kiên, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Cần Thơ cho biết, hiện Liên hiệp hội có nhiều hội viên tham gia sáng tác các tác phẩm với nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, với nhiều hình thức phong phú như: vẽ tranh cổ động, sáng tác thơ, nhạc, truyện ngắn... Các tác phẩm này vừa được truyền tải ngay qua các phương tiện truyền thông đại chúng và trang thông tin cá nhân của nghệ sĩ, vừa được tập hợp để đăng trên Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ số tháng 4/2020, phát hành vào ngày 15/4.
Cá nhân nghệ sĩ Nguyễn Thành Kiên cũng mới cho ra mắt tác phẩm ca cổ “Theo bước chân người tư lệnh”, dựa theo bài thơ nổi tiếng “Ngủ một chút đi anh” của tác giả Phạm Đức Minh. Nội dung bài ca cổ nhằm đề cao vai trò của người lãnh đạo trong trận chiến chống COVID-19, ghi nhận công sức đóng góp thầm lặng của đội ngũ y – bác sĩ và các lực lượng vũ trang, bày tỏ sự tin tưởng vào sự thắng lợi của chiến dịch.
“Tâm lý người dân Đồng bằng sông Cửu Long thích nghe và biểu diễn ca cổ, do đó tôi nghĩ ra ý tưởng chuyển thể bài thơ thành ca cổ để bà con tiếp nhận dễ dàng và lan tỏa rộng hơn, từ đó góp phần nhỏ bé của một nghệ sĩ vào nhiệm vụ cổ động, tuyên truyền nhằm phòng, chống đại dịch COVID-19” - nghệ sĩ Nguyễn Thành Kiên chia sẻ.
Qua những hoạt động trên, có thể thấy sức mạnh của âm nhạc, sự chung tay góp công, góp sức của các nghệ sĩ đã tiếp sức, tạo nên niềm tin, tinh thần đoàn kết, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người.
Ánh Tuyết/TTXVN