(TT&VH) - Vừa trở về TP.HCM sau gần một tháng “nương náu” ở Đà Lạt để ghi hình bộ DVD Trường ca cải lương về sư tổ Trúc Lâm - Trần Nhân Tông (đạo diễn Phượng Hoàng), NSƯT-TS Bạch Tuyết tỏ vẻ hài lòng.
Kịch bản dài hơn 50 trang đánh máy này do thiền sư Thích Thanh Từ biên soạn, NSƯT Bạch Tuyết (pháp danh Diệu Lộc) chuyển thể cải lương, được bắt đầu thực hiện từ năm 2003, tái hiện cuộc đời của vị vua thứ ba đời nhà Trần, lên ngôi năm 1279, khi mới 21 tuổi. Vị vua ở tuổi 27 này đã hai lần chiến thắng Nguyên Mông với câu nói nổi tiếng: “Xem ngai vàng như đôi dép rách”, sau đó đã quyết tâm theo con đường “vô ngã” của nhà Phật.Với bộ DVD này, bà và những người thực hiện muốn nhắn gửi với người hôm nay về phương cách sống, cõi suy tư của những con người trong quá khứ. “Trường ca là hồi ức về một người VN xuất chúng một thời, người đã làm thay đổi thời cuộc, thay đổi vận mệnh non sông, dựng nên một chứng tích không chỉ trong “đời” mà từ trong tang thương dâu biển của “đời” làm sáng ngời “đạo pháp dân tộc”. Con người đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong mình, tự hoàn thiện mình trước khi đi đến quyết định quan trọng của cuộc đời, của dân tộc” - Bạch Tuyết tâm sự. Trước đây, Bạch Tuyết đã thực hiện Trường ca cải lương kinh Pháp cú (NXB Tôn giáo, 2006) và DVD cải lương Lời Phật dạy (NXB Tôn giáo), trong đó, DVD Lời Phật dạy đã được công nhận là Kỷ lục Việt Nam và bà trở thành người đầu tiên chuyển thể kinh Phật thành trường ca cải lương”. Nếu như DVD Lời Phật dạy với những hình ảnh rất đẹp về chùa chiền, thiên nhiên ở Đà Lạt với sự tham gia của NSƯT Lệ Thủy và Bạch Tuyết thì lần này, Trường ca cải lương về Trần Nhân Tông nói trên cho do một mình “cô Lựu” “tác chiến” nên bà càng bận rộn. Bộ đĩa DVD dự kiến dài hơn 2 giờ và được hy vọng sẽ hoàn thành trước Tết nên “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết phải chạy đua với thời gian. Cũng vì mải mê với tác phẩm này mà dịp đại hội nghệ sĩ sân khấu vừa qua, dù rất muốn ra Hà Nội để gặp gỡ đồng nghiệp nhưng bà đành lỗi hẹn. Hơn 10 năm trước, bà vào nội viên của thiền viện Trúc Lâm - Đà Lạt học tu và có ý xuống tóc ở lại nội viên. Nghe lời khuyên của hòa thượng bổn sư - thiền sư Thích Thanh Từ, bà “sống giữa đời thường nhưng lẳng lặng học và làm theo giáo lý Phật bằng con đường nghệ thuật, để giúp được cho nhiều người”. H.Đông