(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần trước, triển lãm Tranh Đông Hồ xưa và nay được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội). Đó là một sự kiện đáng chú ý, khi dòng tranh này đang được xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
LTS: Tranh Đông Hồ đang được xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản thế giới trong thời gian tới. Đây là một tin rất vui đối với những người yêu dòng tranh dân gian này, trong đó có họa sĩ Đỗ Đức. Là họa sĩ sáng tác khá nhiều về đồ họa, từ 40 năm trước, ông đã có những trải nghiệm đáng nhớ về đời sống của tranh Đông Hồ. Xin giới thiệu bài viết của họa sĩ Đỗ Đức.
1. Ở cuộc triển lãm ấy (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức), người xem có thể chiêm ngưỡng bức tranh cổ quen thuộc như: Đám cưới chuột, Hứng dừa, Ðánh ghen, Lợn đàn, Mục đồng thổi sáo... đến những bức tranh mang hơi thở mới như Nhảy đầm, Văn minh tiến bộ, Thể dục chấn hưng… Kèm theo đó là cả trăm hiện vật gồm tranh cổ, tranh in theo mẫu xưa, ván khắc, dụng cụ thực hành… gắn với một nghề tranh đã trải qua gần 500 năm hình thành và phát triển.
Nhưng, điều khiến nhiều người chú ý nhất lại là một cụ ông đeo kính, giới thiệu tỉ mỉ với bất cứ ai về từng bức tranh được treo trên tường. Ông là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế - một gương mặt luôn được dư luận và báo giới nhắc tới khi nói về dòng tranh này.
Ở tuổi 85, ông Chế là một trong số ít nghệ nhân tham gia duy trì và khôi phục dòng tranh Đông Hồ của Bắc Ninh. Trước đây, tranh Đông Hồ đã đôi lần rơi vào quên lãng. Để rồi, thập niên 1990, khi ngừng việc giảng dạy ở trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ông về làng Đông Hồ của mình và bắt đầu sưu tập, nhặt nhạnh và từng bước dựng lại những mẫu tranh xưa cũ.
Trải lòng, ông Chế bảo rằng mình vẽ tranh khi mới 7 tuổi. Trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ những năm bom đạn chiến tranh ông vẫn cầm bút cọ để vẽ. Những bức tranh mang phong cách tranh Đông Hồ, in hằn vết chiến tranh của ông ngày nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị lịch sử như: Bác Hồ với thiếu nhi (1969), Phụ nữ ba đảm đang, Không cho chúng nó thoát (1972), …Từng bước, từng bước, những bức tranh Đông Hồ truyền thống của ông được thị trường chấp nhận dần...
Trò chuyện, ông Chế bảo tình yêu tranh của ông luôn chảy trong huyết quản. Chẳng thế mà ông chưa khi nào muốn ra khỏi làng quá 2 ngày. Đi đâu, bận gì ông đều “vội về” để chăm chút cho những đứa con tinh thần của mình.
Đến bây giờ cả gia đình ông đã trải qua 3 đời gắn bó với làng Đông Hồ và nghiệp làm tranh. Từ ông, tình yêu ấy được chuyển qua các con rồi đến cháu. Những người cháu ông Chế đều ham làm tranh và lựa chọn cuộc sống ở quê để gắn bó với sản phẩm này, thay vì ra phố làm văn phòng với mức lương hấp dẫn.
2. Sự thực, cũng có những người ở làng Đông Hồ từng sống bằng nghề làm tranh như ông Chế nhưng rồi bỏ dở. Chẳng mấy ai trụ lại nghề khi đứng trước khó khăn về cơm áo. Bây giờ, trên thực tế, hơn 90% hộ dân làng Đông Hồ nay đã chuyển sang làm đồ vàng mã. Việc truyền nghề, kế nghiệp các nghệ nhân là những thách thức không nhỏ của công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa, trong đó có tranh dân gian.
Như lời ông, tranh bán được cho khách nước ngoài chỉ là bề nổi. Cuộc sống hiện đại, nhu cầu chơi tranh và sử dụng tranh không còn phổ biến như trước đây, nên thị trường ít có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn, dẫn đến dòng tranh dân gian Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Trước thực trạng đó, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đượm buồn trong đôi mắt, ông bảo: mặc dù yêu tranh, bám lấy nghề tranh gia truyền, thế nhưng với cuộc sống công nghiệp ngày nay, khi mọi thứ đều dần đổi thay, con người cũng phải thích nghi với những đổi thay ấy.
“Tôi cũng không biết dòng tranh dân gian, tranh Đông Hồ còn có thể sống được bao lâu. Điều tôi mong mỏi nhất hiện nay đó là nghề sẽ không bị mai một, thế hệ trẻ vẫn yêu tranh và coi đó là di sản của dân tộc cần được lưu giữ và bảo tồn”- ông xúc động nói.
Được biết, trong hơn 100 hiện vật tranh, dụng cụ thực hành nghề ở triển lãm Tranh Đông Hồ xưa và nay, có đến hơn 50 hiện vật được ông Chế cất công đem đến. Trong đó có cả những bộ ván khắc quý giá, ông coi là bảo vật của dòng họ.
Theo ông Chế, những bản khắc được phục chế từ nhiều mẫu cổ do ông sưu tầm. “Tôi hy vọng sẽ ngày càng có nhiều những bản khắc cổ được chuyển về làng nghề để phục dựng, bảo tồn những nét đẹp truyền thống dân tộc”- ông chia sẻ.
Niềm vui lớn nhất của ông Chế ở thời điểm này là việc tranh Đông Hồ đang có cơ hội được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Gần hơn, làng Đông Hồ, vài tháng nay lại đang trở thành điểm đến trải nghiệm của giới trẻ tìm hiểu tranh dân gian. Điều đó đánh thức hy vọng của thế hệ trước, khi trông đợi thế hệ sau nối dài tình yêu với một dòng tranh xưa cũ.
An Đạt