(Thethaovanhoa.vn) - Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học, chuyên gia giáo dục và bản thân các nhà văn, nhà thơ, thời gian qua đã có nhiều tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi được đông đảo độc giả đón nhận.
Trên các chặng đường sáng tác của mình, nhiều nhà văn, nhà thơ đã cho ra đời các tác phẩm văn học mang giá trị thẩm mỹ và tính giáo dục cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức các tác phẩm văn học đích thực của độc giả nhỏ tuổi.
Song nhìn chung các tác phẩm văn học cho thiếu nhi hiện nay vẫn chưa thật sự đáp ứng đầy đủ mong muốn của độc giả, nhất là bạn đọc nhỏ tuổi. Các tác phẩm văn học thiếu nhi có sức hút cao, đáp ứng kỳ vọng của độc giả nhỏ tuổi chưa nhiều. Chưa kể, có lúc, có nơi công chúng còn thờ ơ với các tác phẩm văn học, nhất là văn học cho thiếu nhi.
Chất lượng là tiêu chí hàng đầu
Theo nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, văn học thiếu nhi hiện đang rất thiếu, không thể lấy số lượng bù chất lượng. Và không thể phủ nhận, chất lượng tác phẩm luôn là tiêu chí hàng đầu để nhà văn phấn đấu và cũng là yếu tố không thể thiếu để tác phẩm được bạn đọc đón nhận.
Vậy viết thế nào để có được các tác phẩm văn học được độc giả lứa tuổi thiếu nhi hôm nay yêu thích? Một số chuyên gia tâm lý cho rằng để có các tác phẩm văn học được độc giả lứa tuổi thiếu nhi đón nhận, các nhà văn, nhà thơ hôm nay nên đi sâu vào tìm hiểu tâm, sinh lý, tình cảm, nhất là tình cảm, quan hệ bạn bè của lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, đặt mình vào ngôn ngữ ứng xử của từng lứa tuổi để viết trúng tâm lý của trẻ...
Theo Thạc sĩ phê bình lý luận văn học Nguyễn Hòa, để có tác phẩm hay, nhà văn cần đến sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố cơ bản như tính hồn nhiên, ngây thơ; tính giàu hình ảnh, vần điệu và nhạc điệu. Các tác phẩm cần có tính ngắn gọn, rõ ràng; yếu tố truyện trong thơ, yếu tố thơ trong truyện và những bài học nhân văn nhẹ nhàng và sâu lắng được rút ra từ tác phẩm sau khi trẻ đọc.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Truyền, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và nhà văn Văn Thành Lê, Nhà xuất bản Kim Đồng, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm, cuộc sống bộn bề, hối hả của nền văn minh đô thị đã tác động, làm cho trẻ ở lứa tuổi thiếu nhi có những thay đổi lớn trong thị hiếu, cảm thụ văn hóa – nghệ thuật. Để văn học thiếu nhi phát triển một cách đầy đủ, đúng hướng, công tác xã hội hóa cần chú trọng chế độ khuyến khích, bảo trợ cho những người viết, đặc biệt là ưu đãi về chế độ nhuận bút, chủ động chào hàng sách với những gói hỗ trợ, ưu đãi nhất định. Cần có cách thức đầu tư theo chiều sâu cho từng tác giả, từng nhóm đề tài để có những tác phẩm hay cho độc giả lứa tuổi thiếu nhi.
Nhà văn Võ Thu Hương - tác giả của nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi do Nhà Xuất bản Kim Đồng xuất bản, được độc giả yêu thích trong thời gian gần đây như: Góc nhỏ yêu, Ông già Noel ơi, Những đóa hoa mặt trời… chia sẻ: Để các em nhỏ quan tâm tới sách, nhà văn cần “gác” cái tôi cá nhân lại, quan sát và lắng nghe thiếu nhi nhiều hơn để viết. Những câu chuyện phải gần gũi với cách nghĩ của độc giả mới gắn kết được độc giả và trang viết. Nếu viết cho các em thế hệ 10X đọc, mà vẫn giữ cách nghĩ, cách nhìn và "cách viết dài dòng" thì sẽ khó hấp dẫn được. Bên cạnh đó sự quan tâm của những người viết với nhau, sự quan tâm của độc giả - đặc biệt là độc giả “nhí” cũng chính là liều thuốc tinh thần vô cùng đáng quý đối với tác giả viết cho thiếu nhi, góp phần khích lệ, động viên các tác giả sáng tạo nhiều tác phẩm đáp ứng mong muốn, kỳ vọng của bạn đọc.
Văn hóa đọc - yếu tố quan trọng
Để các tác phẩm văn học thiếu nhi có được chỗ đứng lâu bền trong đời sống, bên cạnh việc có những tác phẩm văn học chất lượng, đề cập đúng những vấn đề trẻ thơ quan tâm và được chuyển tải bằng ngôn ngữ văn học giàu biểu cảm, vai trò của cha mẹ cũng là nhân tố quan trọng góp phần hình thành văn hóa đọc cho con em mình.
Là người mẹ có con ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, nhà văn Võ Thu Hương chia sẻ: Nhiều người đã cùng có cảm giác xót xa cho người viết sách văn học thiếu nhi, khi mà thiếu nhi hiện “truy lùng” truyện tranh, “phớt lờ” truyện chữ. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính cần nhìn nhận là do người lớn thiếu định hướng cho các con ngay từ nhỏ. Sự ít quan tâm tới văn học nghệ thuật một phần vì các phương tiện giải trí khác ngày càng phong phú đa dạng, càng khiến văn hóa đọc giảm dần. Ở thế hệ 8X, 9X về trước, thiếu nhi chỉ có sách thì giờ đã có ipad, có phim hoạt hình “bom tấn” ra rạp thường xuyên. Trước nhiều sự cạnh tranh như vậy, để thiếu nhi không “phớt lờ” sách văn học, trước hết sách phải hấp dẫn, phụ huynh cần là người nâng cao văn hóa đọc trước hết cho các con.
Còn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm làm say lòng độc giả bao thế hệ như: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Mắt biếc, Cô gái đến từ hôm qua, Chú bé rắc rối… đã khẳng định: “Thói quen đọc sách là sự nối dài thói quen nghe chuyện dưới hình thức chủ động, đã hình thành môt cách tự nhiện với một đưa trẻ. Đó là một hành vi, một nhu cầu như chạy nhảy, bơi lội, đùa nghịch, hát hò, vẽ vời. Nhưng hạt giống của thói quen đó phải được và phải có ai gieo trồng trong đầu đứa trẻ từ thuở ấu thơ. Bằng những câu chuyện kể, bằng những cuốn sách làm quà để nhu càu đọc sách nảy mầm và trở thành một khát khao tự nhiên như cỏ cây khát ánh sáng và khí trời…”.
Thanh Trà/TTXVN